Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

DTTGII-Chuong3 Quan niệm thực tại chỉ có một mặt



ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO



Phần II 

Chương 3
Quan niệm thực tại chỉ có một mặt



Thái độ của «những người mù rờ voi»

Một trong những cản trở rất lớn trong việc đối thoại tôn giáo là thái độ của «những người mù rờ voi». Theo ngụ ngôn này thì ông mù nào cũng được tận tay mình rờ đến con voi cả, nên khi cùng đối thoại về con voi, thì ông nào cũng xác tín hiểu biết của mình về con voi là chân thực, nên quyết bảo vệ cho bằng được quan niệm của mình. Thái độ của họ thật là hợp lý. Và kết quả là họ đã đi đến chỗ đánh nhau sứt đầu chảy máu trước khi nhận ra rằng những điều hiểu biết của mình đều là đúng cả, nhưng chẳng hiểu biết nào là toàn diện.

Muốn hiểu được toàn diện con voi, trước hết, họ phải có một não trạng mới, cho rằng con voi không phải là một thực tại «đơn diện» (chỉ có một mặt), mà «đa diện» (có nhiều mặt), và những gì mình biết được về con voi, tuy rất đúng, nhưng chỉ là một trong rất nhiều mặt của con voi. Sau đó, họ phải cùng ngồi lại với nhau để trao đổi bổ túc cho nhau những quan niệm «đơn diện» còn thiếu xót của mình. Nếu có một ông mù nào tự hào cho rằng chỉ có quan niệm của mình về con voi là đúng nhất, là toàn diện, thì hẳn người sáng mắt bên ngoài sẽ thấy ông thật khờ khạo và hợm hĩnh đến tức cười. Đương nhiên, nếu cả bọn mù đều có thái độ hợm hĩnh đó thì chả có ông nào biết được con voi thực sự thế nào mà cuối cùng là đánh nhau khiến ông nào cũng bị sứt đầu chảy máu. Thái độ «những người mù rờ voi» ấy không phải là thái độ sáng suốt khi các tôn giáo ngồi đối thoại với nhau.


Quan niệm thực tại là đa diện

Rất tiếc là thế giới chúng ta một phần rất lớn vẫn chịu ảnh hưởng một cách mặc nhiên quan niệm thực tại là «đơn diện», quan niệm này làm tê liệt tất cả mọi cuộc đối thoại. Quan niệm này tuy không tuyên bố rằng mọi thực tại là đơn diện, nhưng những nguyên lý mà quan niệm này đề ra và gọi là những «nguyên lý của lý trí» (principes de la raison), chứng tỏ đó là một quan niệm cho rằng thực tại là đơn diện (chỉ có một mặt). Một trong những nguyên lý này là «nguyên lý mâu thuẫn» (principe de contradiction), được phát biểu như sau: «Hai mệnh đề mâu thuẫn không thể cùng đúng một lúc, nếu mệnh đề này đúng thì ắt mệnh đề kia phải sai». Nguyên lý đó chỉ có thể đúng khi mọi thực tại là đơn diện, hoặc chỉ đúng cho những gì nằm trên cùng một mặt của vấn đề.

Nhưng trong thực tế, ai cũng thấy thực tại rất đa diện. Cùng nói về một tờ giấy, nhưng có thể có hai người thấy khác nhau, người thấy mặt này, người thấy mặt kia. Người thấy mặt này nói: «Nó trắng», người thấy mặt kia nói: «Nó không trắng, nó xanh». Hai câu nói đó rõ ràng mâu thuẫn nhau, nhưng ai cũng nhận thấy chúng vẫn có thể cùng đúng, không như «nguyên lý» kia chủ trương.

Nếu có ai kiên quyết trung thành với nguyên lý kia, thì khi người ấy thấy một tờ giấy màu trắng, ắt sẽ kết luận kẻ nào nói nó màu xanh hay màu khác là sai. Chính vì thế, biết bao cuộc tranh luận gay cấn đến «sứt đầu chảy máu» tương tự như cuộc tranh luận của những «người mù rờ voi» kia đã xảy ra trong lãnh vực tôn giáo, chính trị… chỉ vì cái nguyên lý hẹp hòi ấy. Vì theo nguyên lý ấy, một khi mình đã xác tín hay thấy rằng mình đúng, thì hễ thấy ai khác với mình hay mâu thuẫn với mình, là tiên thiên cho rằng họ sai lầm, không cần phải tìm hiểu thêm làm gì mất công.

Nhìn mọi sự chung quanh ta, ta thấy vật nào cũng có nhiều mặt, nhiều khía cạnh để xét. Chỉ cần xét phương diện vật lý, ta cũng thấy một vật có thể có 6 mặt: trên dưới, trước sau, trái phải. Còn có nhiều phương diện khác để xét nữa. Rất tiếc là trong rất nhiều trường hợp ta chỉ thấy được một hay hai mặt của nó, vì ta chỉ đứng ở một vài vị thế cá biệt nào đó để nhìn nó. Vì thế, phán đoán của ta về sự vật thường là phiến diện, ta chỉ biết được mặt này mà không biết được nhiều mặt khác. Ngay như cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay trước mắt bạn đây, cho dù nó là của bạn, bạn cũng không thể nào hiểu biết về nó cách toàn diện. Chắc chắn nó có nhiều khía cạnh mà bạn chưa hề biết tới. Chẳng hạn chắc gì bạn biết được giấy của nó do nhà máy nào sản xuất, hay người viết ra nó là người thế nào, nó được viết trong khung cảnh nào, do những bức xúc nào… Vô số điều bạn không biết về nó, và nó có nhiều mặt để nói tới hơn là bạn có thể nghĩ ra. Có nhiều điều người khác biết về nó khác hẳn cái biết của bạn, vì họ đang nhìn nó trên một bình diện khác hẳn với bạn. Nhưng không hẳn là cái biết này đúng thì cái biết kia phải sai, kể cả khi chúng ngược nhau hay mâu thuẫn nhau.


Có nhiều cách nhìn khác nhau về Thực Tại Tối Hậu

Sự vật cụ thể và hữu hạn mà đã như thế, nói gì tới những thực tại vô hình vô hạn như Thiên Chúa, chân lý, sự sống vĩnh cửu… Chẳng lẽ những thực tại ấy lại chỉ có một mặt? Nếu những thực tại đó là đa diện, thì ắt phải có nhiều vị thế khác nhau để cùng nhìn về những thực tại ấy. Như vậy, khi nhiều người cùng nhìn một thực tại, ắt phải có nhiều cách nhìn khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau về thực tại đó.

Do đó, có thể mỗi tôn giáo là một cách nhìn khác nhau về cùng một thực tại duy nhất: THỰC TẠI TỐI HẬU, vì mỗi tôn giáo nhìn thực tại ấy từ những vị thế khác nhau (do văn hóa, môi sinh, vũ trụ quan và nhân sinh quan… khác nhau). Làm sao một người quan niệm theo triết lý nhất nguyên lưỡng cực với vũ trũ quan động và đa diện lại có thể có cùng một quan niệm về Thiên Chúa với một người quan niệm theo triết lý nhị nguyên với vũ trụ quan tĩnh và đơn diện được? Nếu hai người đó có cùng một quan niệm giống nhau về Thiên Chúa thì đó mới là chuyện lạ lùng, còn nếu họ khác nhau thì là chuyện bình thường thật dễ hiểu. Nhưng điều quan trọng là: cả hai có thể đều đúng, mỗi cách nhìn đúng theo cách của nó, mỗi cách nhìn phản ảnh một khía cạnh trong vô số khía cạnh của Thiên Chúa.


Đừng ép người khác phải nhìn thấy giống mình

Bắt người theo quan niệm nhất nguyên phải quan niệm về Thiên Chúa như người theo quan niệm nhị nguyên thì thật là «thực dân», không khác gì dân da trắng bắt dân da màu phải có mắt xanh và mũi lõ như họ. Thế nhưng đó lại là chuyện đã xảy ra trong lịch sử. Chẳng hạn, quan niệm về Thiên Chúa của người Kitô hữu Tây phương là kết quả phối hợp của sứ điệp Đức Kitô và nền văn hóa Tây phương. Nghĩa là tại Tây phương, sứ điệp Đức Kitô chủ yếu được khai triển và diễn tả bằng quan niệm triết lý Tây phương vốn có khuynh hướng tĩnh, đơn diện và nhị nguyên. Bắt người Đông phương chấp nhận quan niệm về Thiên Chúa của người Tây phương có nghĩa là chẳng những họ phải chấp nhận sứ điệp Đức Kitô (điều này chấp nhận được), mà còn phải chấp nhận cả nền triết lý của Tây phương nữa (điều này thật khó chấp nhận). Như thế thật bất công và phi lý! Có chắc là quan niệm triết lý tĩnh, đơn diện và nhị nguyên của Tây phương đúng hơn quan niệm động, đa diện và nhất nguyên của Đông phương không? (*1)


Hãy trân trọng những cách nhìn khác nhau về Thiên Chúa

Vì thế, khi đối thoại tôn giáo, ta nên coi những lập trường tôn giáo khác có thể là những cách nhìn khác nhau về Thực Tại Tối Hậu, thực tại mà ta vẫn gọi là Thiên Chúa. Những cách nhìn đó có thể bổ túc cho cách nhìn hay quan niệm của ta về Thiên Chúa. Nếu Chân Lý là đa diện, và nếu ta thực sự gắn bó với Chân Lý, ta sẽ trân trọng và tìm hiểu mọi cách nhìn khác nhau về Chân Lý, để có một cái nhìn toàn diện hơn về Chân Lý.


Nguyễn Chính Kết


_____________________


Chú thích:

(*1) Xin xem phần Xem phần III để hiểu rõ và phân biệt hai chiều hướng suy tư căn bản này.


Đọc tiếp:






Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét