Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

DTTGIII-Chuong5-Vd4-Su-ac-dau-kho



ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO


Phần III

Chương 5

Vấn đề IV:
Sự ác, đau khổ


Trong những thắc mắc căn bản của nhân loại, còn những thắc mắc khác như: «Tôi chỉ mong muốn được hạnh phúc, nhưng tại sao tôi lại đau khổ? Tôi chỉ mong muốn những điều thiện, điều tốt, nhưng tại sao lại có sự ác điều xấu? Sự ác hay đau khổ từ đâu ra?».

Những thắc mắc này cũng có hai khuynh hướng giải đáp khác nhau.


Giải đáp thứ nhất:
Các cặp âm dương luôn đi đôi với nhau

Khuynh hướng thứ nhất chủ trương: Trên đời, trong mọi phạm vi, luôn luôn có những tình trạng hay tính chất đối lập nhau từng cặp như: có / không, tâm / vật (*1), trời / đất, đầu / đuôi, sướng / khổ, cao / thấp, trên / dưới, vinh / nhục, thương / ghét… Những cặp đối lập nhau đó được tổng quát hóa là những cặp «âm dương».

Nhưng giữa 2 yếu tố tạo nên các cặp ấy, yếu tố nào là dương, yếu tố nào là âm? Người ta thường qui ước rằng:
● cái gì có tính cách tiêu cực, ở trước, có trước, tĩnh, nhỏ, tối, mềm, xấu, kém, nở lớn ra, đi xuống... là âm,
● còn cái gì có tính cách tích cực, ở sau, có sau, động, lớn, sáng, cứng, tốt, hơn, thu nhỏ lại, đi lên... là dương.
Thí dụ, trong phạm vi sáng tối, thì sáng là dương, tối là âm, sáng nhiều là dương so với sáng ít là âm, tối mờ là dương so với tối mịt là âm.

Những cặp âm dương đó có những tính chất sau:


1) Âm dương tự phát

Trong một vật, một tập thể, một phạm vi, hễ có những thành phần cấu tạo thì lập tức có sự khác biệt tất yếu giữa các thành phần ấy. Có sự khác biệt, lập tức có sự so sánh. Thế là bắt đầu có trái / phải, có trên / dưới, có trong / ngoài, có cao / thấp, có to / nhỏ, v.v… Các cặp âm dương tự động phát sinh. Vạn vật dù to dù nhỏ đến đâu cũng tự phân thành âm dương một cách tất nhiên và hết sức tự nhiên. Bản thân một vật luôn luôn bị phân thành trên / dưới, trong / ngoài, phải / trái. Bản thân một người thì có đầu / chân, có tinh thần / thể chất. Xã hội con người thì có nam / nữ, có giàu / nghèo. Âm thanh thì có cao / thấp, có đục / trong. Nguyên tử thì có dương điện tử / âm điện tử. Điện thì có cực âm / cực dương, v.v… Tóm lại, tất cả mọi sự mọi vật trong vũ trụ đều tự động bị phân cực thành âm / dương.

Sự phân cực âm dương giống như hai đầu của một thanh nam châm: đầu bắc đầu nam. Nếu chặt thanh nam châm ra làm đôi, thì ta không được một thanh bắc một thanh nam, mà cả hai thanh nhỏ ấy đều trở thành những thanh nam châm có hai đầu bắc nam y như thanh nguyên thủy. Tương tự như vậy, một tập thể gồm nhiều người có mức độ giầu nghèo khác nhau, người ta có thể phân tập thể ấy thành hai loại người: giầu và nghèo. Nhưng mỗi tập thể nhỏ ấy vẫn bị phân cực thành hai loại người: giàu và nghèo, hay có nhiều tiền hơn và có ít tiền hơn.

2) Âm dương tương đối

Âm và dương phát sinh là do có sự khác biệt và so sánh. Đã so sánh thì phải có hai sự, hai vật… mới so sánh được. Và chỉ khi nào có sự so sánh, bấy giờ mới phát sinh ý niệm âm / dương, cao / thấp, to / nhỏ, tốt / xấu, v.v… mà thôi. Vì thế, một vật không thể tự nó là cao hay thấp, to hay nhỏ, tốt hay xấu, v.v… Thật vậy, không gì được gọi là cao nếu không có một cái gì đó thấp hơn để so sánh. Do đó, cao chỉ là cao khi có cái thấp; thấp chỉ là thấp khi có cái cao.

Cuốn sách, cây viết mà bạn đang cầm trên tay, nếu không so sánh với một cái gì khác, thì bạn tuyệt đối không thể nói nó nhỏ hay lớn, nó tốt hay xấu, v. v… Khi bạn nói nó nhỏ hay nhẹ, tất nhiên một cách tuyệt đối là bạn đã so sánh nó với một cái gì khác lớn hơn, nặng hơn rồi. Cầm trên tay cùng một tờ giấy bạc, thí dụ $100, thế mà có lúc bạn bảo nó nhỏ quá (chẳng hạn lúc bạn cần mua một món đồ quá đắt tiền như một căn nhà); có lúc bạn lại bảo nó lớn quá (chẳng hạn lúc bạn muốn bố thí cho một người ăn xin ngoài đường). Chắc chắn không phải là bạn tự mâu thuẫn, mà là trong hai trường hợp, bạn đã so sánh nó với hai cái khác nhau. Vậy thì tờ giấy bạc đó tự nó là nhỏ hay lớn?

Và cái đã được gọi là cao, nếu lại đem so với một cái khác cao hơn nó, thì cái cao đó lại trở thành thấp. Và cái đã được gọi là thấp, nếu lại so với cái khác thấp hơn nó, thì cái thấp đó lại trở thành cao. Vì thế, âm dương là tương đối. Không có gì tự bản chất là âm hay dương cả. Vì âm mà đi với một cái khác còn âm hơn nó, thì nó trở thành dương; dương mà đi với một cái khác còn dương hơn nó thì nó trở thành âm. Do đó, khi có 3 mức độ sáng khác nhau: rất sáng, sáng vừa, và sáng ít, nếu so với tối, thì cả 3 mức sáng đó đều là dương. Nhưng cái sáng vừa sẽ trở thành âm khi đi với cái rất sáng, và trở thành dương khi đi với cái sáng ít.

Cũng vậy đối với thiện / ác, hạnh phúc / đau khổ, v.v… tất cả đều là những điều hết sức tương đối. Điều gọi là thiện đối với người này lại có thể là ác đối với người kia, và ngược lại (*2). Thiện trong trường hợp này lại có thể là ác trong trường hợp khác, và ngược lại (*3). Hạnh phúc hay lợi ích của người này có thể là đau khổ hay thiệt hại của người kia, và ngược lại (*4). Điều người này cho là hạnh phúc, may mắn, thì người khác lại cho là nhục nhã, đau khổ (*5).

3) Âm dương đồng hành bất phân ly

Do so sánh với nhau mà có, nên âm dương luôn luôn đồng hành với nhau, đi chung với nhau, không bao giờ tách rời nhau. Hễ có cái này tất phải có cái kia; ngược lại không thể có cái này mà không có cái kia. Cái này sinh ra thì cái kia cũng đồng thời sinh ra; cái này mất thì cái kia cũng đồng thời mất theo. Lão tử nói: «Thiên hạ đều biết tốt là tốt thì đã có xấu rồi, biết điều lành là lành thì đã có cái chẳng lành rồi. Bởi vậy, có và không cùng sinh, khó và dễ cùng thành, ngắn và dài cùng sánh, cao và thấp cùng chiều, giọng và tiếng cùng họa, trước và sau cùng theo» (*6).

Do đó, không bao giờ có tình trạng «cô âm» hay «cô dương», nghĩa là âm hay dương tồn tại một mình. Chúng luôn luôn đi đôi với nhau như hai mặt của một tờ giấy. Có mặt này tất phải có mặt kia, mặt này bị tiêu hủy ắt mặt kia cũng mất; hai mặt luôn luôn gắn liền với nhau; không bao giờ có một tờ giấy nào chỉ có một mặt.


4) Âm dương đối lập

Âm và dương luôn đi đôi với nhau, nhưng luôn mâu thuẫn, đối kháng, kiềm chế lẫn nhau như ta thường thấy giữa thiện và ác, cấp tiến và bảo thủ, chủ và thợ, tư bản và vô sản… Hễ bên này mạnh lên thì bên kia yếu đi; hễ bên kia tiến lên thì bên này phải lùi lại. Bên này thắng thì bên kia thua. Nhưng không bao giờ có chuyện bên này thắng mãi, và bên kia thua mãi đến nỗi bên này hoàn toàn tiêu diệt được bên kia. Vì khi dương mạnh tối đa tưởng chừng như tiêu diệt hẳn âm, thì âm lại sinh ra, phát triển và mạnh lên ngay trong lòng của dương, làm cho dương phải suy yếu; và ngược lại.

5) Âm dương hỗ tương

Âm dương hỗ tương nghĩa là cả hai cùng nương nhau, cùng cần lẫn nhau để hiện hữu và tồn tại. Chính nhờ luôn mâu thuẫn, đối kháng và tranh đấu với nhau mà âm dương mới bổ túc lẫn nhau và mới cùng nhau tồn tại. Điều này quả thật khó hiểu, ta nên dùng một minh họa để dễ hiểu hơn.

Minh họa về con diều và sợi giây: 

Con diều và sợi giây cùng bay lượn trên trời, đùa giỡn với gió một cách thanh thản vui thú. Nhưng con diều bỗng cảm thấy mình không được tự do vì bị sợi giây ràng buộc. Nó muốn bay cao lên nữa, bay xa hơn nữa, nhưng bị sợi giây cản lại. Vì thế, nó rất bực mình vì sợi giây. Nó nghĩ: nếu nó được giải phóng khỏi sợi giây, nó sẽ tha hồ bay cao bay xa, và nó rất đau khổ vì sợi giây ràng buộc.

Còn sợi giây thì cũng bực mình không kém vì con diều. Nó luôn luôn bị con diều làm căng thẳng, nhiều khi như muốn đứt. Nó không được tự do mà hoàn toàn bị lệ thuộc vào con diều: con diều bay đi đâu thì lôi kéo nó đi tới đấy, bất chấp nó có muốn hay không. Nó nghĩ nếu được giải phóng khỏi con diều, nó sẽ tha hồ bay lơ lửng giữa trời, tự do qua lại, không còn bị lôi kéo, căng thẳng nữa. 

Thế là «hai đứa» quyết định chia tay, hy vọng rời nhau cuộc đời cả «hai đứa» sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế thật không ngờ: vừa rời nhau thì cả hai cùng rơi xuống đất.

6) Âm dương tương hữu

Trong cuộc đời, hạnh phúc và đau khổ, cái tốt và cái xấu, thiện và ác, v. v… luôn luôn pha trộn lẫn nhau trong mọi thực tại. Không bao giờ có tình trạng thuần hạnh phúc hay thuần đau khổ, hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, thuần thiện hay thuần ác. Nghĩa là không bao giờ có tình trạng «cô âm» hay «cô dương» cả, vì âm dương luôn luôn đi đôi với nhau: «Trong âm có dương, trong dương có âm».

Vũ trụ này luôn luôn pha trộn giữa âm và dương, giữa thiện và ác, giữa hạnh phúc và đau khổ, và luôn luôn giữ thế quân bình giữa âm và dương (*7). Sự toàn hảo của vũ trụ nằm ở chỗ này, chứ không phải ở chỗ thiện hoàn toàn tiêu diệt được ác, hay đạt tới tình trạng chỉ có thiện mà không có ác (*8). Chẳng hạn như một cơ thể khỏe mạnh là một cơ thể mà trong đó âm dương quân bình và điều hòa, chứ không phải là những yếu tố dương tiêu diệt hoàn toàn các yếu tố âm (*9).

Âm dương luôn luôn đi đôi với nhau, nghĩa là thiện / ác, tốt / xấu, phúc / họa, vinh / nhục, giàu / nghèo, cao / thấp, v.v… không thể tách rời nhau. Mỗi cặp âm dương trên là một toàn thể không thể phá vỡ, và những yếu tố cấu tạo nên toàn thể ấy không thể tách biệt ra khỏi nhau. Kinh nghiệm cho thấy đó là điều rất tự nhiên như một qui luật. Và như thế, trong khuynh hướng nhất nguyên, vấn đề sự ác, sự dữ được giải đáp một cách khá ổn thỏa.

7) Âm dương tương hoán

Âm dương có thể biến đổi lẫn nhau: âm biến thành dương, dương biến thành âm. Chẳng hạn cái may có thể trở thành cái rủi, cái rủi có thể biến thành cái may; phúc biến thành họa, họa biến thành phúc. Câu chuyện «tái ông thất mã» (*10) cho thấy họa và phúc quấn quít với nhau, xoắn chặt lấy nhau không thể tách rời, và biến đổi lẫn nhau.

Cũng vậy, hạnh phúc và đau khổ là hai mặt (mặt trái và mặt phải) của một thực tại duy nhất, chúng luôn luôn đi đôi với nhau. Khổ trước thì sướng sau, mà sướng trước thì khổ sau. Không có hạnh phúc nào mà không được đổi bằng đau khổ, cũng như không có cứu chuộc nếu không có đổ máu, không có phục sinh nếu không có tử nạn. Một thành công rực rỡ, một tương lai sáng lạn chỉ dành cho những người biết chăm chỉ làm việc. Làm việc thì phải chịu khó, mà «chịu khó» thì bao giờ cũng «khó chịu». Không chịu khó hay chấp nhận khó chịu thì không bao giờ hoàn thành điều gì tốt đẹp cả.

Như vậy hạnh phúc phải được đổi bằng đau khổ, và ngược lại. Bây giờ tôi hạnh phúc là do trước đây tôi đã từng chịu khổ chịu khó. Còn bây giờ người kia phải đau khổ là do trước đây người ấy đã từng chơi bời, chỉ biết hưởng thụ. Tôi có chịu khổ – chẳng hạn chịu khó làm việc, nhịn ăn nhịn tiêu, v. v… – thì con cái tôi mới được ấm no, đầy đủ, hạnh phúc. Còn nếu tôi ham vui, thích hưởng thụ, thì con cái tôi phải chịu thiếu thốn, khổ sở. Tôi đang được bình an, thư thái, nhàn nhã, thì chắc chắn là phải do một ai đó đang hy sinh chấp nhận nguy hiểm, lao đao, vất vả thay cho tôi. Đó là những điều hiển nhiên ai cũng thấy. Hạnh phúc và đau khổ không bao giờ đi một mình, nghĩa là không thể có cái này mà không có cái kia. Chúng nối tiếp nhau, đắp đổi lẫn nhau, là nguyên nhân và hậu quả lẫn cho nhau.

8) Âm dương thống nhất

Âm và dương luôn luôn đồng hành, quấn quýt nhau, xoắn chặt, pha trộn với nhau như đất với đá, hoặc gắn liền với nhau như hai mặt của một tờ giấy. Hai mặt đó làm nên một toàn thể. Khi đón nhận một tờ giấy, không ai có thể nhận mặt này mà từ chối mặt kia. Đã nhận là nhận cả hai mặt như một toàn thể.

Người khôn ngoan minh triết thì luôn luôn chấp nhận những cặp âm dương như những toàn thể, không bao giờ muốn loại trừ một trong hai. Loại trừ là chỉ muốn vinh chứ không chấp nhận nhục, chỉ muốn phúc chứ không muốn họa, giàu chứ không muốn nghèo, v.v… Điều đó trái với lẽ tự nhiên, lẽ trời, và thường chỉ gây thêm đau khổ.

Âm dương thay đổi nhau, tiếp tục nhau như xuân, hạ, thu, đông, làm nên một khí hậu thống nhất. Bình thường, mùa xuân và mùa thu ai cũng thích – kể cả những người minh triết – vì khí tiết ôn hòa. Còn mùa hạ và mùa đông chẳng ai thích, vì khí tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Nhưng người minh triết biết đó là chuyện không thay đổi được, nên chấp nhận toàn bộ một cách bình thản: khi trời nóng thì thản nhiên cầm quạt mà quạt, khi thấy lạnh thì bận áo ấm vào, tất cả đều làm với tâm hồn thanh thản, coi ấm mát, nóng lạnh ngang nhau vì là những điều tất yếu. Còn người thường khi trời ấm mát thì cười vui vẻ, khi nóng nực hay lạnh lẽo thì than phiền, bực bội.

Khi yêu thương hay đón nhận một người, ta cần yêu thương và đón nhận con người toàn diện của người ấy với tất cả các ưu và khuyết điểm. Có như thế ta mới không bực bội, thất vọng mà có thái độ tích cực hơn khi phải đối diện với những tật xấu của người ấy.

Chính khi chấp nhận cả âm và dương như một toàn thể, thì thấy sự thay đổi lúc thịnh lúc suy, lúc sướng lúc khổ, lúc an lúc nguy, v.v… hay sự lẫn lộn tốt xấu trong một người hay một sự việc, sự kiện là lẽ thường tình trong vũ trụ, không thể khác được. Nhờ chấp nhận như thế mà tâm hồn luôn bình thản, an vui.


Vì vũ trụ quan của Đông phương là động biến, nên âm có thể biến thành dương, dương biến thành âm. Sở dĩ như thế là vì trong dương đã có sẵn mầm âm, và trong âm đã có sẵn mầm dương. Cái mầm bên trong ấy chỉ chờ cái bên ngoài yếu đi là phát triển mạnh lên và thay thế cái bên ngoài, và lúc đó, bên trong lại phát sinh một mầm đối lập mới. Đó là luật tiêu tức của âm dương : «âm tiêu dương trưởng, dương tiêu âm trưởng». Vì thế, vũ trụ trở thành một vòng tròn sinh hóa hóa thành mãi mãi, âm dương thay nhau lên ngôi, làm chủ, thay đổi thịnh suy cho nhau, không bao giờ yên một chỗ cả.

Âm Dương và những tính chất của âm dương được tượng trưng và biểu thị bằng Thái Cực Đồ: vòng ngoài cùng tượng trưng cho Vô Cực. Vòng trong tượng trưng cho Thái Cực. Hai hình (giống như con cá) mầu trắng đen tượng trưng cho Lưỡng Nghi: Âm và Dương. Vòng tròn nhỏ mầu trắng tượng trưng cho Thiếu Dương (Dương trong Âm) và vòng tròn nhỏ màu đen tượng trưng cho Thiếu Âm (Âm trong Dương).


 

Thái Cực Đồ
.
«Vô cực sinh Thái Cực, Thái Cực sinh Lưỡng Nghi,
Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ tượng sinh Bát Quái,
Bát Quái sinh vạn vật
»
(Kinh Dịch).

 

Một dạng màu mè của Thái Cực Đồ


Giải đáp thứ hai: 
Các yếu tố đối lập tách biệt và độc lập với nhau

Theo cách giải đáp này, thì hạnh phúc hay đau khổ, thiện hay ác, lành hay dữ, v.v… là những yếu tố tích cực và tiêu cực có thể tách rời nhau, hay có thể đi một mình (*11). Do quan niệm hai thành phần đối đãi đó vốn tách biệt nhau, nên mới phát sinh những vấn đề như: Vật chất có trước hay tinh thần có trước? Tại sao lại có sự ác trên trần gian khi mà Đấng tạo dựng vũ trụ chỉ là toàn thiện?...

Hai yếu tố này tranh đấu với nhau và có thể đi đến một mất một còn. Nghĩa là cái này có thể có mà không cần cái kia, và cái kia càng mất đi thì cái này càng «sống» mạnh. Vì thế, người ta – vốn nghiêng về điều thiện – tìm cách lấy thiện thắng ác, dùng ngay thẳng thắng gian tà… với hy vọng một ngày nào đó trên thế giới, mọi sự chỉ còn là thiện, vì mọi sự ác đều bị tiêu diệt.

Theo cách giải đáp này thì cuối cùng sự ác và sự thiện sẽ hoàn toàn tách biệt nhau, không còn lẫn lộn với nhau như thế giới ta đang sống nữa. Nghĩa là sẽ có một thế giới hay tình trạng chỉ có hoàn toàn là thiện, tuyệt đối không còn sự ác nữa. Đó là thiên đàng, nơi hay tình trạng dành cho những người tốt lành, thiện hảo. Và còn một thế giới hay tình trạng nữa hoàn toàn là ác và hoàn toàn không có thiện. Đó là Hỏa ngục, nơi hay tình trạng dành cho những người gian ác, xấu xa.

Trong chiều hướng tách rời các cặp âm dương thành những thể biệt lập, có hai khuynh hướng sau đây:
● Thuyết Manichéisme (*12):
Thuyết này cho rằng thiện ác, tốt xấu, lành dữ, tinh thần vật chất, ánh sáng bóng tối… xuất phát từ hai nguồn độc lập nhau. Những gì tích cực, tốt đẹp đều phát xuất từ Thiên Chúa là nguồn mọi sự thiện hảo; còn những gì tiêu cực, xấu xa đều phát xuất từ Satan là nguồn mọi sự ác độc, dữ, xấu. Hai nguồn này đã có từ nguyên thủy song song và tách biệt nhau.
● Nhưng theo thánh Âutinh (*13),
những yếu tố tích cực phát xuất từ Thiên Chúa, còn những yếu tố tiêu cực chẳng xuất phát từ đâu cả, nó chỉ là do vắng bóng sự thiện mà thôi. Điều xấu ác tự nó không có thực chất, chỉ sự thiện mới có thực chất. Nói cách khác, xấu ác là do không có sự hiện diện của sự thiện. Nguyên nhân của sự ác là tội lỗi. Và tội lỗi chính là sử dụng tự do không đúng theo thánh ý Thiên Chúa.

Ác có phải là sự vắng bóng của thiện?

Hiện nay trong Kitô giáo, sự hiện hữu của sự ác trên thế giới được công nhận là một mầu nhiệm không thể hiểu và giải thích được. Mầu nhiệm này được gọi là «mầu nhiệm sự ác». Gọi là mầu nhiệm vì sự hiện hữu và lan tràn khắp thế giới của sự ác – khiến thế giới vô cùng điêu linh và đau khổ – có vẻ như mâu thuẫn hay trái ngược lại với sự xác quyết của đức tin về Thiên Chúa, Đấng quyền năng vô biên cũng là tình yêu vô cùng. Thiên Chúa tốt lành và quyền năng như vậy, sao Ngài vẫn im lặng mãi và dường như bất lực trước sự ác đang hoành hành khắp thế giới? Nhiều Kitô hữu đã mất đức tin khi phải đối diện với sự im lặng đáng sợ của Thiên Chúa trước những nỗi đau khổ bất tận của con người (*14). Tuy nhiên, vẫn có những người vững tin hơn trước sự im lặng đó.

Trái với chủ trương của thánh Âutinh, kinh nghiệm thực tế cho thấy, sự ác, dữ, tai họa, đau khổ là cái gì hiện hữu cụ thể, gây những hậu quả rất cụ thể. Thật khó có thể coi nó chỉ như sự vắng bóng điều tốt hay sự thiện. Tôi đang bị cơn đau dạ dày hành hạ dữ dội, tôi không làm sao có thể coi cơn đau đó chỉ là thiếu sự thoải mái hay thiếu sức khỏe mà thôi. Trái lại, chính khi tôi không cảm thấy có gì đau đớn hay bực bội, khó chịu trong người, thì tôi cho rằng mình có sức khỏe. Nghĩa là thay vì nói bệnh tật, đau đớn là sự vắng bóng của sức khỏe, thì nói ngược lại xem ra hợp lý hơn: sức khỏe chính là sự vắng bóng của bệnh tật, đau đớn. Tương tự như thế, sự thiện chính là vắng bóng sự ác.

Cho tới nay, cách giải đáp thứ hai này vẫn luôn luôn coi sự hiện diện của điều ác trên trần gian là một mầu nhiệm mà lý trí con người không thể hiểu được. Người ta vẫn nói: «mầu nhiệm sự ác» (mystère du mal).

●  ●  ●

Đó là một cái nhìn bao quát về những cách giải quyết cái vấn nạn lớn lao nhất của tri thức con người: Tại sao vũ trụ này lại có thay vì không có? Tại sao lại có sự ác điều xấu? Sự ác hay đau khổ từ đâu ra? đồng thời cho thấy những nét tương đồng và dị biệt căn bản nhất giữa các tôn giáo trên thế giới. Cái nhìn bao quát này rất cần thiết để các tôn giáo có thể hiểu nhau, nhờ đó có thể đối thoại với nhau trong tinh thần thông cảm.

Như vậy, có hai nền tảng triết lý khác nhau mà người ta có thể chịu ảnh hưởng khi suy nghĩ về Thiên Chúa, hay khi chú giải mạc khải. Chắc chắn rằng dựa trên hai nền tảng khác nhau, thì không thể cùng đi đến một kết luận như nhau được, cho dù cùng suy tư từ một mạc khải duy nhất. Vấn đề là chúng ta có cần phải đi đến những kết luận như nhau chăng?




●  ●  ●

Cần tôn trọng sự khác biệt

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy: chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt trong suy nghĩ của nhau thì có thể sống hòa bình với nhau, có thể đoàn kết với nhau. Còn muốn mọi người phải suy nghĩ giống nhau, người có quyền ép những người khác phải suy nghĩ giống mình, thì thế nào cũng sinh ra sự bất hòa, chia rẽ.

Kinh nghiệm trong Giáo Hội cho thấy càng muốn thống nhất đức tin một cách chi tiết thì dường như Giáo Hội càng bị chia rẽ. Thật vậy, các tín điều là những nỗ lực thống nhất đức tin của Giáo Hội. Nhưng cũng chính vì các tín điều mà Giáo Hội có thêm những bè rối, những giáo phái ly khai. Mỗi lần Giáo Hội có thêm một tín điều là dường như Giáo Hội có thêm một giáo phái tách rời khỏi Giáo Hội vì không chấp nhận tín điều ấy. Và hiện nay, trong nỗ lực đại kết các giáo phái Kitô giáo, thì những tín điều trước đây đã không được các giáo phái chấp nhận một phần nào cũng là một trở ngại cho công việc đại kết.

Vấn đề cần phải đặt ra một cách nghiêm túc là:
– Tin hay không tin những xác định chi tiết về đức tin như thế có phải là chuyện quan trọng không? Có thật sự cần thiết hay đem lại ích lợi không? lợi ích ấy có bù lại được những thiệt hại do sự xác định ấy gây nên không?
– Giữa sự thống nhất đức tin và sự hiệp nhất trong Giáo Hội, điều nào quan trọng hơn và cần thiết hơn? Phải hy sinh điều nào cho điều nào?
– Thiên Chúa có vì sự khác biệt về những chi tiết đức tin như thế mà không ban ơn thánh, sức mạnh hay ơn cứu độ cho những người không tin giống như Giáo Hội buộc tin hay không? (Chẳng hạn tín đồ Chính Thống giáo tin Chúa Thánh Thần nhiệm xuất bởi Chúa Cha qua Chúa Con chứ không phải và Chúa Con, thì có nhận được ơn Thánh Thần ít hơn người Công giáo không?)
– Và những điều Giáo Hội buộc tin ấy có thật sự là điều Thiên Chúa mạc khải, hay chỉ là những suy diễn khởi từ mạc khải và dựa trên nền tảng một triết lý cá biệt nào đó?

Hưởng, nếm: quan trọng hơn là biết, tin

Theo quan điểm của người viết bài này, điều quan trọng không phải là sự hiểu biết hay quan niệm về thực tại cho bằng việc cảm nghiệm thực tại, nếm, thưởng thức, hưởng thụ thực tại, rút ra những lợi ích từ thực tại. Vì thế, biết về Chúa, nói về Chúa không quan trọng và ích lợi bằng sống với Chúa, nói với Chúa, sống tinh thần yêu thương của Chúa đối với mọi người, thực thi thánh ý Chúa, và nhận được ân sủng, sức mạnh, niềm vui từ Ngài.

Biết đúng hay sai về nước không phải là chuyện quan trọng, mà có nước để uống và có chịu uống hay không mới là chuyện quan trọng. Biết đúng về nước mà không chịu uống nước hay không có nước để uống vẫn có thể bị chết khát. Ngược lại, có những hiểu biết sai lầm về nước nhưng vẫn uống nước thì vẫn hưởng được những ích lợi của nước.

Cũng vậy, quan niệm đúng hay sai về Thực Tại Tối Hậu, hoặc quan niệm Thực Tại ấy thế nào, vô ngã hay hữu ngã, là một hay là hai đối với vũ trụ, v. v… không quan trọng bằng chuyện có cảm nếm được Thực Tại Tối Hậu đó hay không, có nhận được sinh lực, sức mạnh, hạnh phúc từ thực tại đó hay không. Rất có thể có nhiều người trong các tôn giáo, các giáo phái, các bè rối… đã cảm nghiệm về Thực Tại Tối Hậu, đã nhận được hạnh phúc và sức mạnh từ Thực Tại ấy, và sống tình yêu thương huynh đệ của Thiên Chúa nhiều hơn những người tự hào rằng mình quan niệm về Thực Tại Tối Hậu ấy một cách đúng đắn nhất.

Liệu chúng ta có đặt quá nặng những điều không quan trọng, đồng thời lại coi nhẹ những điều quan trọng không? Chúng ta có dễ dàng kết án và khai trừ một người mà chúng ta cho rằng đã quan niệm sai lạc về một điểm nào đó trong đức tin, hơn là một người sống bê bối, ích kỷ, thiếu tình thương, gây thiệt hại cho người khác không? Giữa hai loại người đó, người nào đáng kết án hơn? người nào nguy hiểm cho Giáo Hội và xã hội hơn?


Cần bao dung hơn

Hiện nay, Giáo Hội đang khuyến khích các dân tộc tự diễn tả sứ điệp Kitô giáo bằng chính văn hóa và triết lý của dân tộc mình, đồng thời đang nỗ lực thực hiện sự đại kết đối với các giáo phái Kitô giáo. Vì thế, bây giờ hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần có một thái độ bao dung hơn, thông thoáng hơn đối với những quan điểm khác nhau về Thiên Chúa, về những thực tại siêu nhiên, miễn là những quan điểm ấy không gây ảnh hưởng tai hại thật sự cho đời sống của Giáo Hội hay của các tín hữu. Trong Giáo Hội, các nền thần học địa phương – của các dân tộc, trong những nền văn hóa khác nhau – chỉ có thể nẩy sinh, tồn tại và phát triển trong bầu khí bao dung và thông thoáng như thế mà thôi. Và công việc đại kết cũng chỉ có thể thành công trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt về suy nghĩ và niềm tin mà thôi.

Vả lại, cần phân biệt giữa sự thống nhất đức tin và sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Hai yếu tố này có thể bổ túc, nâng đỡ nhau, nhưng cũng có thể mâu thuẫn, xung đột nhau: được cái này thì sẽ phải hy sinh cái kia. Vấn đề là phải hy sinh cái nào cho cái nào, giữa hai giá trị đó, cái nào quan trọng hơn cái nào. Cần phải có sự thống nhất đức tin, nhưng chỉ cần thống nhất trong những nét đại cương, chính yếu, quan trọng, không cần phải thống nhất trong từng chi tiết nhỏ nhặt. Chính sự thống nhất trong chi tiết này tạo nên những rạn nứt, chia rẽ.

Thiên Chúa đã thiết lập luật đa dạng, luật tự khác biệt nhau nơi vạn vật: «Bá nhân bá tính». Vạn vật chỉ có thể giống nhau ở những nét đại cương, chứ không bao giờ giống nhau trong từng chi tiết. Cố thống nhất trong từng chi tiết là đi ngược lại luật đa dạng của Thiên Chúa. Trong quá khứ, Giáo Hội dường như đã đặt nặng việc thống nhất đức tin hơn là sự hiệp nhất. Chính vì thế mà ngày nay sự hiệp nhất đã bị tổn thương một cách trầm trọng, không biết đến bao giờ mới phục hồi lại được.



Nguyễn Chính Kết


_____________________

Chú thích:

(*1) Tâm vật: tinh thần và vật chất.

(*2) Giết một con vật ăn thịt để sống và tồn tại là một điều tốt, là chính đáng trong luân lý Kitô giáo, nhưng trong luân lý Phật giáo, đó lại là một hành động không tốt nếu không muốn nói là ác, là phạm giới sát sinh. Phá thai, hay ngừa thai một cách phản tự nhiên luôn luôn là một tội ác trong luân lý Kitô giáo, nhưng đối với chính quyền của một nước nghèo, quá đông dân và nhất là vô thần, hành động đó lại được coi là một biện pháp tốt, thậm chí cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của đất nước. 

(*3) Nói sự thật trong những trường hợp bình thường là điều tốt, nhưng trong những trường hợp mà nói thật gây tai hại nghiêm trọng cho người khác, hoặc cho một tập thể lớn như quốc gia, nhân loại thì nói thật trở thành điều ác. Chẳng hạn nói cho bệnh nhân ung thư biết sự thật về bệnh của họ sẽ làm hại họ (làm họ tuyệt vọng và chết sớm hơn), khai thật với kẻ thù tên hay hành động của đồng đội mình thì nói thật có thể trở thành điều ác. Chiến tranh là một điều xấu, điều ác, nhưng trong quá khứ, chiến tranh để làm vinh danh Thiên Chúa, để bênh vực Giáo Hội thì lại từng được gọi là «thánh chiến» (chiến tranh thánh thiện), và người chết vì lý tưởng đó có thể được coi là tử đạo. Tuy nhiên hiện nay Giáo Hội không còn chấp nhận «thánh chiến» như thế là tốt nữa nếu chưa muốn nói là xấu. 

(*4) Tôi mừng vì được tuyển chọn vào một vị trí tốt trong một công xưởng, điều này mang lại hạnh phúc, no ấm cho gia đình tôi, nhưng chính điều này lại là một bất hạnh, là điều gây nghèo khổ cho một gia đình khác, vì người chủ gia đình ấy đã bị loại khỏi vị trí ấy. Vì phải ăn mới sống được, nên sự sống hay sự ngon miệng của tôi được trả giá bằng cái chết đau đớn của biết bao nhiêu sinh vật vô tội. 

(*5) Nhiều người cày cục xin xỏ người quyền thế điều này điều khác, đồng thời coi sự được chấp thuận là một ơn huệ, và nghĩ mình hành động như thế là khôn ngoan. Trong khi người khác lại coi hành động như thế là hèn, là thiếu tiết tháo (pudeur), và coi việc nhận ơn huệ ấy là một sự nhục nhã. Trong lịch sử có biết bao trường hợp như Trần bình Trọng: «Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc», đang khi nhiều người lại suy nghĩ ngược hẳn. 

(*6) LÃO TỬ, Đạo Đức Kinh, chương 2, đoạn a, b. Một vài câu khác: «Vinh và nhục đều là sợ hãi. Quý và hoạn đều là vì có thân» (chương 13, a); «Nặng là gốc rễ của nhẹ, tịnh là chủ của náo loạn» (ch.26, a); «Quý lấy tiện làm gốc, cao lấy thấp làm nền»; «Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ núp của họa» (ch.58, b); «Trong phúc họa thường mọc sẵn, trong họa phúc thường núp sẵn» (ch.58, b)

(*7) Sự quân bình trong vũ trụ là một thứ quân bình động, chứ không phải là thứ quân bình tĩnh. Hình ảnh quả lắc đứng yên một chỗ tại tử điểm minh họa cho thứ quân bình tĩnh: trong tất cả mọi thời điểm, quả lắc luôn ở vị trí quân bình. Hình ảnh quả lắc qua lại minh họa cho thứ quân bình động: trong tất cả mọi thời điểm, quả lắc dường như luôn luôn ở vị trí không quân bình, khiến nó phải di động đến vị trí quân bình. Nhưng khi đến đúng vị trí quân bình, nó không dừng lại, mà quán tính khiến nó tiếp tục di chuyển cho đến khi tiêu tan hết trọng lực tác động vào nó, thì nó không thể di chuyển tiếp theo chiều cũ nữa. Lúc đó nó đang ở một vị thế mất quân bình tối đa, nên nó phải di chuyển ngược lại. Cứ như thế, quả lắc di động mãi không ngừng. Nhưng nhìn một cách toàn bộ, quả lắc luôn luôn quân bình (hiểu theo nghĩa động), còn xét theo từng thời điểm hay từng vị trí một, thì quả lắc luôn luôn bị mất quân bình (hiểu theo nghĩa tĩnh). Cũng vậy, nhìn một cách cục bộ, vũ trụ luôn luôn bị mất quân bình, nhờ đó mới có sự thay đổi, linh động; nhưng nhìn một cách toàn bộ, vũ trụ luôn luôn quân bình, nghĩa là luôn tự điều chỉnh để không bao giờ đi quá mức.

(*8) Theo khuynh hướng nhất nguyên, sự toàn hảo (perfection) nằm ở chỗ những thế lực đối lập nhau trong các cặp âm dương – trong đó có cả thiện ác – được điều hòa một cách quân bình, hợp lý. Còn theo khuynh hướng nhị nguyên, sự toàn hảo được coi như sự toàn thiện, nghĩa là chỉ có thiện chứ không có ác, chỉ có hạnh phúc chứ không có đau khổ, hay nói một cách tổng quát, chỉ có dương chứ không có âm. Câu chuyện sau đây nói lên phần nào sự toàn hảo theo khuynh hướng nhất nguyên: «Tử Hạ hỏi Khổng Tử: - Nhan Hồi là người thế nào? Khổng Tử đáp: -- Cái Nhân của Hồi hơn ta. - Tử Lộ là người thế nào? -- Cái Dũng của Lộ hơn ta. - Tử Trương là người thế nào? -- Cái Nghiêm của Trương hơn ta. - Tử Cống là người thế nào? -- Cái Trí của Cống hơn ta. Tử Hạ bèn thắc mắc thưa: - Thế sao bốn người này còn theo học với thầy? Thế nghĩa là làm sao? Khổng Tử nói: -- Hồi chỉ biết Nhân mà không biết khi nào cần phải bất nhân. Lộ chỉ biết hùng dũng mà không biết lúc nào nên nhút nhát. Trương chỉ biết trang nghiêm mà không biết lúc nào phải vui vẻ để hòa đồng với mọi người. Cống chỉ biết Trí nhưng không biết lúc nào cần phải tỏ ra bất trí. Nay gồm tất cả những cái hay mà bốn người ấy có mà đổi lấy cái ta có, ta không đổi. Bởi vậy họ phải tôn ta làm thầy mà không dám hai lòng» (sách Liệt Tử, thiên Trọng Ni). 

(*9) Chính trong quan niệm này mà Đức Phật cho rằng: ta đau khổ là do cái nhìn của ta còn vô minh, không hiểu vấn đề. Chỉ cần thay đổi cách nhìn về mọi vật thì ta thấy mọi vật đều thay đổi. Cũng trong cùng một cảnh đó, người vô minh thấy khổ, người giác ngộ thấy hạnh phúc. Xem lại tư tưởng này ở trang 19, §2.

(*10) Câu chuyện «Tái ông thất mã» của người Trung Hoa: Có ông già nọ ở gần biên giới phía bắc giáp nước Hung Nô. Một hôm con ngựa duy nhất mà ông rất quí biến đi đâu mất, hàng xóm cho đó là điều rủi nên đến chia buồn với ông, nhưng ông nói: «Biết đâu đây là một điều may! ». Một tuần lễ sau, con ngựa ấy trở về đem theo một con ngựa khác cũng đẹp và cùng nòi với nó. Hàng xóm lại đến chúc mừng ông lão được may mắn. Nhưng ông lão nói: «Biết đâu đây là một điều rủi! ». Từ khi có hai con ngựa, con trai ông ngày nào cũng cùng với chúng bạn đua ngựa với nhau, nên một hôm con ông bị té ngựa gẫy chân. Hàng xóm lại đến chia buồn, nhưng ông lão lại bảo: «Biết đâu đây là một điều may! ». Một năm sau, rợ Hung Nô ở phía bắc tấn công vào các làng mạc ở biên giới, các trai tráng trong làng đều phải nhập ngũ ra trận, cứ 10 người nhập ngũ thì chết mất 9. Riêng con ông lão vì bị què chân nên không phải nhập ngũ, nhờ đó nó vẫn sống đang khi nhiều bạn bè nó bị chết. Nhưng ông lão vẫn không mừng vì ông nghĩ: «Biết đâu đây là một điều rủi! »… Ông lão tuy «ba phải» nhưng quả là chí lý! Quan niệm đó khiến ông lão luôn luôn bình tâm trước mọi biến cố cuộc đời! 

(*11) Chẳng hạn người ta có thể quan niệm một thiên đàng chỉ có hạnh phúc, hoàn toàn vắng bóng đau khổ, hay một hỏa ngục chỉ có đau khổ thuần túy, không có một chút hạnh phúc nào. 

(*12) Xem lại cước chú số 34, trang 189.

(*13) Thánh Augustin (354-430), một giáo phụ cũng là một giám mục rất nổi tiếng của Giáo Hội, sinh tại Thagasta (Numidia). Hồi còn trẻ, sống phóng túng, tội lỗi. Nhưng về sau được thánh giám mục Ambrôsiô hoán cải, ngài trở lại cuộc đời Kitô hữu năm 387, lúc 33 tuổi. Ngài rất đạo đức và rất giỏi, nên được phong linh mục rồi giám mục. Ngài là một nhà hùng biện và viết nhiều sách về siêu hình học, tâm lý học, thần học, tu đức học và sử học. Sách của ngài có tới 1.030 cuốn. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất là Confessions (=Tự thú) và Cité de Dieu (Thành trì Thiên Chúa). 

(*14) Sự ác tràn lan khắp nơi trên thế giới: những cuộc chiến tranh ghê rợn tàn phá con người, đem lại biết bao tang tóc đau khổ cho con người, trước sự chết đau đớn và oan uổng của biết bao người vô tội (chẳng hạn trong những lò thiêu người của Đức Quốc Xã có biết bao trẻ em vô tội bị hành hạ và giết chết cách hết sức dã man), những bất công xảy ra ở khắp nơi trên thế giới… Nhiều người không tìm được câu giải đáp dung hòa giữa sự im lặng dường như bất lực của Thiên Chúa và đức tin vào một Thiên Chúa vô cùng quyền năng và yêu thương.


Đọc tiếp:

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét