Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

DTTGIV-Chuong1-A-chau-voi-cac-ton-giao



ĐỐI THOẠI TÔN GIÁO



Phần IV

Sự chuyển biến
của thần học Kitô giáo
trong cách nhìn về các tôn giáo

Chương 1

Á châu với các tôn giáo


Á châu, nơi phát sinh các tôn giáo lớn trên thế giới

Á châu là một lục địa sản sinh ra các tôn giáo lớn trên thế giới: Khổng giáo và Lão giáo tại Trung Hoa, Ấn giáo và Phật giáo tại Ấn độ, Kitô giáo tại Do Thái, Hồi giáo tại Á Rập. Đó là chưa kể tới các tôn giáo nhỏ của Á châu, như đạo Sikh và Jainism ở Ấn Độ, Thần giáo tại Nhật, Cao Đài, Hòa Hảo và đạo tổ tiên tại Việt Nam… Ngoại trừ Kitô giáo có khuynh hướng phát triển sang Tây phương và lớn mạnh tại đó, các tôn giáo kia phát triển ngay tại Châu Á – nơi chúng phát sinh – kể từ khởi thủy cho tới nay. Vì thế, các tôn giáo này đã ảnh hưởng mạnh trên dân chúng Châu Á, đã giáo hóa và nuôi dưỡng đời sống tinh thần và tâm linh các dân tộc Á châu mấy chục thế kỷ nay. Các tôn giáo này đã chiếm tới trên 90% dân số Châu Á.



a/ Kitô giáo cũng phát sinh tại Á châu

Còn Kitô giáo, tuy xuất phát từ Á châu, nhưng lại phát triển mạnh và có cở sở vững chắc tại Âu châu. Đến thế kỷ 6 Kitô giáo mới được các thừa sai thuộc giáo phái Nestoriô (Nestorianisme) (*1) và Manikêô (Manichéisme) (*2) truyền trở lại Á châu, nhưng không phát triển mạnh. Đến thế kỷ 13, Kitô giáo tại Á châu bị chết yểu vì sự tàn sát của Hồi Giáo Mông Cổ. Mãi tới thế kỷ 16, các giáo sỹ Âu châu mới truyền bá Kitô giáo trở lại Á châu một cách có qui mô và hệ thống.

Như vậy, sứ điệp Kitô giáo nguyên thủy xuất phát từ Á châu, vốn mang đậm sắc thái văn hóa Á châu như bao nhiêu tôn giáo khác tại đây. Nhưng vì ngay từ đầu, sứ điệp này được truyền sang Âu châu, được người Âu châu diễn đạt và khai triển theo cung cách văn hóa của họ, nên khi truyền trở lại sang Á châu, Kitô giáo đã mang đậm sắc thái văn hóa Âu châu. Do đó, một cách nào đó, ngay tại Á châu, nơi Kitô giáo phát sinh, Kitô giáo đã bị coi như một tôn giáo ngoại lai, khá xa lạ với não trạng văn hóa của người Châu Á. Vì thế, sau 4 thế kỷ truyền giáo, Kitô giáo chỉ chiếm được khoảng 3,2% dân số Á châu.

Hiện nay, trong chiều hướng hội nhập văn hóa của Công Đồng Vatican II, các nhà thần học Á châu đang nỗ lực Á châu hóa trở lại sứ điệp Kitô giáo vốn đã bị Âu hóa quá nhiều. Và trong chiều hướng của thần học giải phóng, các nhà thần học Á châu như Aloysius Pieris còn chủ trương phải giải phóng cho sứ điệp Kitô giáo khỏi bộ áo văn hóa Âu châu để mặc lấy bộ áo văn hóa Á châu như nguyên thủy của nó, để sứ điệp Kitô giáo thích hợp với các dân tộc Châu Á hơn.



b/ Bối cảnh tôn giáo: Á châu khác Âu châu

Bối cảnh tôn giáo tại Á châu như thế, khác hẳn bối cảnh tôn giáo tại Âu châu, nơi Kitô giáo đã chiếm đa số. Do đó, suy tư thần học của người Á châu về các tôn giáo không thể giống như suy tư của người Âu châu được. Áp đặt người Á châu chấp nhận những suy tư thần học đặc thù của người Âu châu thì thật là phi lý. Thật vậy, tâm trạng của người Kitô hữu Á châu trong một bối cảnh như thế, đương nhiên là phải thắc mắc về số phận chung cuộc của những đồng bào chung quanh mình, có thể là những người ruột thịt rất thân thiết với mình, hiện đang sống chung với mình, hay sống chung quanh mình, là những người không cùng niềm tin tôn giáo với mình. Số người này quá đông so với số người Kitô giáo. Cứ 100 người, thì có tới 97 người không phải là Kitô hữu. Nếu cứ theo quan niệm xưa nay của Giáo Hội là: «Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ», thì số phận những người anh em đồng bào mình sẽ ra sao? Chẳng lẽ họ «sa hỏa ngục» hết tất cả như các vị thừa sai Tây phương vẫn quả quyết sao? (*3)

Đương nhiên có những Kitô hữu Á châu cảm thấy tình thương của họ đối với người thân yêu của mình khiến họ không thể chấp nhận sự ngăn cách: Chẳng thà xuống hỏa ngục hết tất cả mà được gần gũi nhau, nhìn thấy nhau, cùng chịu khổ chung với nhau còn hạnh phúc hơn là hưởng sung sướng một mình trên Thiên Đàng đang khi cha mẹ anh em mình bị trầm luân dưới hỏa ngục! Lúc đó có được ở Thiên Đàng thì cũng chẳng hạnh phúc được. Người Á châu thường nặng về tình cảm như thế đấy! Họ ít tinh thần của «chủ nghĩa cá nhân» hơn người Âu châu. Quan niệm «ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ» quả là khó chấp nhận đối với họ.



c/ Suy tư về các tôn giáo: Á châu khác Âu châu

Vì thế, suy tư thần học của các Kitô hữu Á châu chủ yếu là suy tư về các tôn giáo. Bối cảnh sống đạo của họ khác hẳn với bối cảnh của các nhà thần học Âu châu. Các nhà thần học Âu châu sống giữa những người cũng là Kitô hữu như mình, và chung quanh họ chẳng có một tôn giáo nào khác có tầm cỡ như Kitô giáo. Kitô giáo tại Âu châu là một Kitô giáo độc hữu, toàn tòng, chiếm đa số, còn Kitô giáo tại Á châu là một Kitô giáo, cô đơn, nhỏ bé ở giữa những tôn giáo lớn khác. Thật vậy, tại Âu châu, trong những thập niên vừa qua, Kitô giáo chiếm tới 70% dân số Âu châu, trước đó, tỷ lệ Kitô hữu còn cao hơn nữa. Những nhà thần học Âu châu ít có người gặp cảnh chính ông bà cha mẹ mình suốt đời ăn ngay ở lành nhưng chưa thể chấp nhận theo Kitô giáo được vì những lý do chính đáng riêng của họ. Trong bối cảnh đó, người Âu châu có thể dễ dàng đưa ra và chấp nhận lập trường «Ngoài Kitô giáo không có ơn cứu độ». Nhưng đối với người Á châu, lập trường đó thật là khó hiểu, thậm chí phi lý đến độ không thể chấp nhận được, nhất là những ai nhiều tình cảm, đặt nặng tình người.


d/ Ảnh hưởng của thần học Á châu

Chính những suy tư thần học của các Kitô hữu Á châu đã ảnh hưởng nhiều đến suy tư của các nhà thần học Âu châu như Karl Rahner, Hans Kung, … và các nghị phụ trong Công Đồng Vatican II. Vì thế, quan điểm của Giáo Hội về các tôn giáo khác, nhất là sau Công Đồng Vatican II, đã dần dần thay đổi, bớt khắt khe và cởi mở hơn rất nhiều. Trong tương lai, Giáo Hội còn có thể quan niệm cởi mở và lạc quan hơn nữa trong cách nhìn về các tôn giáo khác.

Chúng ta thử tìm hiểu sự chuyển biến của thần học Kitô giáo trong việc đánh giá các tôn giáo khác qua dòng lịch sử của Giáo Hội.


Chuyển biến của thần học Kitô giáo trong cái nhìn về các tôn giáo khác

Thần học là những suy tư của Giáo Hội về Thiên Chúa, về con người và thế giới dựa trên những mặc khải của Thiên Chúa. Những suy tư này vẫn được Thánh Thần hướng dẫn để canh tân đổi mới hầu càng ngày càng gần với chân lý hơn. Do đó, không thể đồng hóa những suy tư thần học này với chân lý được. Đã là chân lý thì không thể thay đổi, còn cách nhìn và cách diễn tả chân lý thì có thể thay đổi để ngày càng phù hợp với chân lý và với trình độ của con người hơn. Nếu trong quá khứ, Giáo Hội đã từng thay đổi nhiều lần cách nhìn và cách diễn tả chân lý, thì chắc chắn trong tương lai, Giáo Hội cũng sẽ tiếp tục thay đổi cách nhìn và cách diễn tả của của mình.

Trong việc suy tư về các tôn giáo, một cách tiệm tiến, Giáo Hội càng ngày càng khám phá ra sự sâu thẳm trong ý định của Thiên Chúa về các tôn giáo. Do đó, có sự chuyển biến trong quan niệm của Giáo Hội về các tôn giáo trên thế giới. Sự chuyển biến này được Paul F. Knitter chia làm 4 giai đoạn tương phản nhau: (*4)
1. Đức Kitô chống lại các tôn giáo.
2. Đức Kitô trong các tôn giáo.
3. Đức Kitô trên các tôn giáo.
4. Đức Kitô cùng với các tôn giáo.

Trong quá khứ, khi các nhà thần học đưa ra một quan điểm mới khác với quan điểm hiện hành của Giáo Hội, thì quan điểm đó sẽ phải chịu thử thách của thời gian trước khi được chấp nhận để trở thành quan điểm của Giáo Hội. Trước tiên quan điểm đó bị đả phá, thậm chí những nhà thần học chủ trương quan điểm ấy còn bị kết án như một sai lầm, bị cấm viết sách, cấm dạy học, hoặc sách của các nhà thần học ấy bị cấm lưu hành trong Giáo Hội. Nếu trước những thử thách như thế mà quan điểm này vẫn đứng vững, nghĩa là khi mọi vấn đề trở nên sáng tỏ hơn, quan điểm đó vẫn tỏ ra hợp lý và đúng đắn hơn những quan điểm cũ, thì Giáo Hội cuối cùng sẽ chấp nhận nó. Và nó sẽ trở thành quan điểm chính thống của Giáo Hội. Sự thận trọng như thế của Giáo Hội trong việc xác định và diễn tả chân lý là một điều hợp lý và cần thiết.

Hiện nay, quan điểm thứ tư – Đức Kitô cùng với các tôn giáo (*5) – là một quan điểm chưa được Giáo Hội chấp nhận. Quan điểm này đang bị thử thách. Tuy nhiên, nó cũng sẽ được trình bày ở đây – tương tự như những quan điểm cũ đã bị Giáo Hội vượt qua – để giúp mọi người rộng đường suy nghĩ.

Các quan điểm được trình bày ra đây không có nghĩa là tác giả – người viết tiểu luận này – đồng ý với những quan điểm đó. Đó là những quan điểm đã được nhiều nhà thần học nổi tiếng nêu lên: có quan điểm đã  từng được Giáo Hội chấp nhận nhưng đã bị vượt qua (nghĩa là hiện nay không còn là quan điểm của Giáo Hội hiện tại nữa), có quan điểm đang là quan điểm chính thức của Giáo Hội, và có quan điểm đang được cứu xét, chưa được chính thức chấp nhận.


Nguyễn Chính Kết


_____________________


Chú thích:

(*1) Thuyết Nestoriô do Nestorius đề xướng vào thế kỷ thứ 5, chủ trương rằng Đức Giêsu có hai ngôi vị riêng biệt chứ không có sự đồng nhất về ngôi vị giữa hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại. Từ đó, chủ trương Đức Maria là Mẹ Đức Giêsu chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa. Giáo thuyết này bị công đồng Êphêsô kết án năm 431.

(*2) Mani, người Ba Tư, sinh năm 216 tại Baghdad (hiện nay là thủ đô của Iraq), và tuẫn đạo năm 276 (bị Kirder, một thượng tế rất nổi tiếng của Bái Hỏa giáo ra lệnh lột da sống cho đến chết). Người ta không biết tên thật của ông là gì, Mani chỉ là một danh hiệu các tín đồ gọi ông để biểu lộ lòng kính trọng (Mani là một từ Ba Tư, có gốc là mânâ, có nghĩa là ánh sáng-tinh thần). Là một Kitô hữu, nhưng đến năm 25 tuổi, ông lập ra một tôn giáo mới – Manichéisme – với chủ trương nhị nguyên như đã nói trên. Ông tự xưng là ngôn sứ cuối cùng và lớn nhất của Thiên Chúa, là người kế thừa các vị giáo chủ của 3 tôn giáo lớn tại Ba Tư: Bái Hỏa giáo (Zoroastrianisme), Phật giáo và Kitô giáo.

(*3) Xem câu trả lời của thánh Phanxicô Xavier về số phận những người không theo đạo trang 241, §2. 

(*4) X. PAUL F. KNITTER, No Other Name? Mary-Knoll, Orbis Books 1985. 

(*5) Sẽ được trình bày trong chương 3 (phần IV).




Đọc tiếp:




Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét