CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 15 Thường Niên
(16-7-2017)
Để tiếp nhận chân lý, phải «từ bỏ mình»
và sẵn sàng đón nhận những hiểu biết mới
(16-7-2017)
Để tiếp nhận chân lý, phải «từ bỏ mình»
và sẵn sàng đón nhận những hiểu biết mới
• TIN MỪNG: Mt 13,1-9
Câu hỏi gợi ý:
1. Dụ ngôn là gì? Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn?
2. Tại sao Lời Chúa sinh hoa kết trái khác nhau giữa người này với người khác? Tại sao cùng nghe Đức Giêsu, nhưng có kẻ theo Ngài, có kẻ lại chống đối?
3. Những kẻ theo Ngài và những kẻ chống Ngài, trình độ hiểu biết của họ thế nào? Tại sao những kẻ hiểu biết rất nhiều về Kinh Thánh như các kinh sư, luật sĩ lại không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế và đi đến chỗ giết Ngài?
Suy tư gợi ý:
1. Dụ ngôn là gì?
Dụ ngôn là những minh họa bằng hình ảnh quen thuộc để giúp người ta hiểu được một thực tế khác cao siêu, trừu tượng, đồng thời nắm được chân lý bao hàm trong ấy. Các dụ ngôn thường có tính cách vừa tỏ lộ mà cũng vừa che dấu chân lý về Thiên Chúa, về Nước Trời. Che dấu đối với «những bậc khôn ngoan thông thái» (Mt 11,25a), những kẻ tự mãn với những gì mình đã biết về Thiên Chúa, cho rằng sự hiểu biết của mình về Ngài đã viên mãn, trọn vẹn rồi, không cần phải tìm kiếm hay học hỏi thêm. Còn tỏ lộ cho «những người bé mọn» (Mt 11,25b), tự cho mình chưa biết nhiều về Thiên Chúa, cho rằng những hiểu biết của mình còn rất thiếu sót, phiến diện, hời hợt, cần phải tìm hiểu sâu xa hơn để áp dụng vào đời sống.
Các dụ ngôn có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo trình độ tâm linh của người hiểu. Người mới bước vào đời sống tâm linh sẽ hiểu và áp dụng chúng vào đời sống theo cách đơn sơ của mình. Nhờ đó họ tiến bộ được một quãng đường. Khi đời sống tâm linh của họ tiến bộ hơn, họ lại khám phá ra dụ ngôn còn có ý nghĩa cao xa và thâm sâu hơn. Sau khi kể một dụ ngôn, Đức Giêsu thường nói: «Ai có tai thì nghe» (Mt 11,15; 13,9; 13,43). Câu này có nghĩa: ai hiểu được thì hiểu, hiểu cách nào thì tùy tình trạng hay trình độ tâm linh mỗi người; hoặc ai biết cách nghe thì sẽ hiểu, ai thật lòng tìm hiểu thì sẽ hiểu (x. Mt 7,7-8).
2. Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn?
Chắc chắn chúng ta cũng thắc mắc như các tông đồ xưa: «Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?» (Mt 13,10). Sao không nói cho rõ sự thật ra mà lại úp mở bằng dụ ngôn? Câu trả lời của Ngài chẳng làm ta hết thắc mắc mà còn làm ta thắc mắc hơn: «Bởi vì anh em được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất» (Mt 13,11-12).
a) Dụ ngôn dấu ẩn chân lý đối với người tự mãn
Như vậy, những người không được «ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời» mà họ không hiểu, thì phải chăng họ không có lỗi? – Thật ra họ có được ơn hiểu biết hay không, điều đó tùy thuộc vào việc họ có khiêm cung hay không trong những hiểu biết của họ. Những ai tự hào mình biết tất cả, không cần phải nghe hay học hỏi ai nữa – chẳng hạn các kinh sư, luật sĩ, biệt phái thời của Ngài – thì Ngài càng nói rõ, họ càng không chấp nhận, và càng muốn mưu toan hại Ngài hơn.
Họ không chấp nhận vì những giáo huấn của Ngài có nhiều điều vượt khỏi những gì họ đã học hỏi từ Kinh Thánh. Và họ đã dựa vào những sự thật Ngài nói ra để kết án tử hình Ngài. Vì thế, chính Đức Giêsu cũng khuyên các môn đệ đừng nói chân lý với những kẻ không xứng đáng: «Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em» (Mt 7,6).
b) Để hiểu được chân lý phải từ bỏ mình và dấn thân
Những chân lý tôn giáo đều là những chân lý «cho không biếu không», người dạy chân lý thường không đòi hỏi một khoản thù lao nào. Nhưng để hiểu và lãnh hội được, người muốn hiểu phải dám hy sinh tất cả, không tiếc một điều gì: từ của cải, sức khỏe cho đến mạng sống, nhất là phải «từ bỏ mình», nghĩa là không đặt nặng «cái tôi» và cố chấp vào những hiểu biết đang có của mình (x. Mt 13,44-46). Trong lịch sử Thiền tông Trung Hoa, Đạt-Ma tổ sư chỉ bắt đầu truyền đạo cho Huệ Khả – về sau trở thành Nhị Tổ – khi ông này dám tự chặt tay mình để chứng tỏ sự quyết tâm từ bỏ tất cả cho việc tìm chân lý.
Ngoài ra, kẻ tìm đạo còn phải sẵn sàng dẹp bỏ cả những kiến thức cũ của mình (x. Mt 11,25). Cố chấp vào những hiểu biết cũ còn thấp kém, thì không thể tiếp nhận những chân lý cao xa, vượt khỏi trình độ của những hiểu biết cũ. Cũng trong Thiền tông, Thần Tú tuy kiến thức uyên bác, nhưng vì cố chấp vào những kiến thức cũ của mình, nên không thể lãnh hội được chân lý của Ngũ Tổ; trái lại, Huệ Năng, ít học hơn Thần Tú rất nhiều, lại hiểu được và trở thành Lục Tổ Thiền tông.
Như vậy, để lãnh hội được chân lý về Thiên Chúa, về Nước Trời, phải có tâm cầu đạo. Ai đã có tâm cầu đạo, thì đã ít nhiều có đạo tâm rồi, đã hiểu được lẽ đạo là phải «từ bỏ mình», coi nhẹ «cái tôi» của mình, không tự mãn hay cậy vào những hiểu biết cũ của mình, và thật sự sống những gì họ biết về Thiên Chúa, cho dù còn ít ỏi. Nhờ dấn thân sống những hiểu biết dù ít ỏi đó, họ bắt đầu có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Càng kinh nghiệm về Thiên Chúa, họ càng có đạo tâm nhiều hơn. Còn kẻ không có tâm cầu đạo, là kẻ chưa có đạo tâm, nên luôn tự hào về «cái tôi» của mình, về những điều mình đã học biết về Thiên Chúa, không thể sống đạo thật sự vì chưa từ bỏ mình, do đó không thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Và nếu cứ cậy vào những hiểu biết mà họ tự mãn, họ sẽ ngày càng hiểu sai về đạo, và xa cách Thiên Chúa, cho dù bên ngoài họ có vẻ như rất gần Ngài.
Đó chính là ý nghĩa của câu «Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất» (Mt 13,12). Nghĩa là: ai đã có đạo tâm thì sẽ có kinh nghiệm về Thiên Chúa; ai không có, thì sẽ chẳng kinh nghiệm được gì về Thiên Chúa, về những chân lý cao siêu, và có thể bị sai lạc, xa rời chân lý.
c) Biết về Thiên Chúa khác với kinh nghiệm về Ngài
Người học biết nhiều về Thiên Chúa khác với người có kinh nghiệm về Ngài. Biết nhiều về Thiên Chúa giống như người có một bản đồ thành phố trong tay và thuộc kỹ tấm bản đồ đó, nhưng vì tự mãn lấy thế làm đủ, nên chưa hề dấn thân ra đi đến thành phố ấy. Còn người có kinh nghiệm về Ngài giống như người đã thật sự đi trên những con đường của thành phố, được ngắm tận mắt những cảnh trí trong thành phố.
Hai cách tiếp cận ấy rất khác nhau và đi đến những hệ quả khác nhau. Người hiểu biết nhiều thì hay tự mãn, tự đặt mình trên người khác, từ đó thích củng cố quyền uy, ham được ca tụng, và Lời Chúa bị chết ngạt trong họ. Còn người có kinh nghiệm về Thiên Chúa thì ngày càng giống Thiên Chúa, sống quên mình, phục vụ, khiêm nhu, và Lời Chúa sinh hoa kết trái trong họ.
Nhìn lại lịch sử, ta thấy các kinh sư Do Thái đều là những bậc thầy về tôn giáo, rất thông thạo những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế. Nhưng mỉa mai thay khi Đấng Cứu Thế đến, họ không nhận ra Ngài, thậm chí còn giết Ngài nữa. Lý thuyết về Đấng Cứu Thế mà họ rất tinh thông, trong thực tế, chẳng ích lợi gì cho họ mà còn cản trở họ nhận ra Ngài. Chính vì họ quá tự mãn, cố chấp vào lý thuyết ấy, dùng nó như một phương tiện để thăng tiến bản thân trong tôn giáo hơn là để dấn thân sống theo nó. Còn các môn đệ và một số dân chúng, chẳng biết nhiều về Đấng Cứu Thế, nhưng lạ thay, khi Ngài đến, họ nhận ra Ngài, theo Ngài, và được cứu rỗi, chính vì họ khiêm tốn, đơn sơ và chân thành. Họ là người được Thiên Chúa chúc phúc.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Lời Đức Giêsu gieo vào lòng mọi người nhưng lại sinh hoa kết trái khác nhau. Nơi người khiêm nhường, dám từ bỏ mình, dám dấn thân sống theo Lời Ngài, thì Lời Ngài sinh hoa kết quả bội phần. Còn kẻ tự hào tự mãn vì những hiểu biết của mình về Lời Ngài, thường không chịu sống theo Lời ấy. Lời Chúa trong họ bị ngạt bởi chính «cái tôi» của họ, bởi lòng ham uy danh và quyền lợi của họ, bởi chính những hiểu biết mà họ tự cho là đã quá đủ. Xin Cha cho con biết khiêm nhường, biết từ bỏ mình, để lòng con trở thành một thửa đất tốt thuận lợi cho Lời Chúa sinh hoa kết trái như Cha mong ước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét