Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

TN16a - Thiên Chúa để kẻ thiện và kẻ ác sống chung cho đến ngày chung cuộc



CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 16 Thường Niên

(23-7-2017)


Thiên Chúa để kẻ thiện và kẻ ác sống chung cho đến ngày chung cuộc



ĐỌC LỜI CHÚA

  Kn 12,13.16-19: (17) Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội. (18) Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.

  Rm 8,26-27: (26) Chúng ta là những kẻ yếu hèn, không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.


  TIN MỪNG: Mt 13,24-30.36-43


Dụ ngôn cỏ lùng

(24) Khi ấy, Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: «Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. (25) Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27) Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: «Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?» (28) Ông đáp: «Kẻ thù đã làm đó!» Đầy tớ nói: «Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?» (29) Ông đáp: «Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. (30) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi».


Giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng

(36) Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: «Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe». (37) Người đáp: «Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. (38) Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. (39) Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. (40) Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, (42) rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (43) Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Tại trần gian, người tốt kẻ xấu, người thiện kẻ ác phải chung sống với nhau. Điều đó có nằm trong kế hoạch hay ý muốn của Thiên Chúa không? Chúng ta có dễ dàng phân biệt kẻ tốt người xấu không? 
2.   Kẻ xấu người tốt tương đối dễ phân biệt. Nhưng người tốt thật và người tốt giả thì sao? Có dễ phân biệt không? Có nên xét đoán ai tốt thật ai tốt giả không? Tại sao? 
3.   Tình trạng chung sống giữa kẻ tốt người xấu có kéo dài mãi không? Người tốt giả có lừa dối mọi người mãi được chăng? Kết cục sẽ ra sao?

Suy tư gợi ý:

1. Trần gian, nơi người thiện người ác cùng chung sống

Trên đời, ta thấy người thiện và người ác đều sống chung với nhau trong cùng một xã hội. Môi trường nào cũng có đủ hai hạng người ấy. Trong triều đình luôn luôn có trung thần và nịnh thần. Cai trị xã hội bao giờ cũng có những thanh quan, sống liêm khiết, yêu thương dân, lo cho dân, lẫn những cẩu quan, luôn tham ô, coi dân như đối tượng đàn áp, ức hiếp, bóc lột. Trong một tôn giáo, luôn luôn có những mục tử nhân lành, sẵn sàng sống chết cho đàn chiên, và cũng không bao giờ thiếu các mục tử giả, coi tín đồ mình như một bầy chiên có nhiệm vụ cung cấp «thịt và sữa» (x. Ed 34,2) cho mình, khi nguy hiểm thì sẵn sàng phó mặc đàn chiên cho sói dữ (x. Ga 10,12). 

Hai hạng người tốt và xấu ấy luôn luôn sống cạnh nhau, lẫn lộn nhau, ảnh hưởng nhau, làm lợi mà cũng làm hại lẫn nhau. Người tốt thường phải đau khổ vì bị người xấu hãm hại, ức hiếp để họ được giàu có, uy quyền… Nhưng không thiếu những trường hợp người tốt cảm hóa được kẻ xấu, biến kẻ xấu thành người tốt.

Do ảnh hưởng lẫn nhau, người xấu có thể trở thành người tốt, và ngược lại. Chính vì thế, nếu người tốt biết tích cực hoạt động cho điều thiện, biết làm gương sáng, họ có thể trở thành «men tốt» (Mt 13,33), biến những người xấu chung quanh mình thành người tốt. Gương sáng của họ giống như những «hạt cải» mà Đức Giêsu nói đến (Mt 13,31-32), tuy nhỏ bé, nhưng sẽ lớn lên, ảnh hưởng đến toàn xã hội và thế giới. Trường hợp của Mẹ Têrêxa Calcutta là một điển hình. Giáo Hội mà có được thật nhiều «hạt cải» hay «men tốt» như vậy thì thế giới mới trở thành Nước Trời.

Thiên Chúa vẫn muốn trần gian này người tốt và người xấu sống chung với nhau, để cả hai được lợi. Người xấu có thể nhờ gương sáng của người tốt mà bớt xấu hơn, nhưng cũng có những trường hợp vì hại người tốt mà trở nên xấu hơn. Còn người tốt thì được thánh hóa nhờ những đau khổ do người xấu gây nên. Thiên Chúa vẫn thường thánh hóa những người Ngài chọn, những người Ngài yêu bằng đau khổ. Chính «Đức Giêsu cũng phải trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn» (Dt 2,10) và Ngài cũng «đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5,8). 

Hãy xem cục đá mài và con dao: sau khi mài, con dao tuy bị mòn nhưng trở nên sắc bén và tăng giá trị lên; còn cục đá mài khi làm cho dao bị mòn thì chính nó cũng bị mòn đi, nhưng nó càng bị mòn thì càng bị giảm giá trị. Cũng vậy, người tốt khi chịu đau khổ vì người ác thì được thánh hóa và tăng giá trị lên. Còn người ác khi làm cho người thiện đau khổ cũng sẽ bị đau khổ vì hậu quả của việc ác, nhưng lại trở nên xấu hơn, kém giá trị đi.



2. Trần gian, nơi người thật người giả không phân biệt

Giữa người xấu và người tốt, người tinh tường có thể phân biệt được. Nhưng giữa những người được coi là tốt, vẫn luôn luôn có những người tốt thật và những người tốt giả. Trong số những người được tiếng là đạo đức, luôn luôn có những người đạo đức thật và những người đạo đức giả. Họ cùng làm những hành động tốt y như nhau, nhưng được thúc đẩy bởi những động lực khác nhau. Người tốt thật thì làm điều tốt vì thật sự yêu Chúa và thương tha nhân; còn kẻ tốt giả thì làm điều tốt là để được khen, để lấy lòng người, để được thăng tiến trong xã hội hay tôn giáo mình, v.v… Toàn là vì những động lực vị kỷ, chứ không vì yêu thương. 

Thánh Phaolô nói về cách đánh giá của Thiên Chúa đối với những người tốt giả này: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Chính Đức Giêsu cũng nói: «Khi bố thí, đừng như bọn đạo đức giả thích biểu diễn để người ta khen. Thầy bảo thật: họ đã được phần thưởng rồi» (Mt 6,2; x. 6,5; 6,16).

Con mắt hay trí tuệ người trần khó có thể phân biệt được tốt thật và tốt giả, vì tiêu chuẩn để phân biệt thật hay giả nằm sâu trong đáy lòng người: «Sông sâu biển rộng dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người?» Các nhà tu đức diễn tả thực trạng khó phân biệt này bằng câu: «Sanctus est sed non videtur, videtur sed non est»: người thánh thiện thực thì lại không có vẻ thánh thiện (vì không cố ý ra vẻ thánh thiện), còn người thánh thiện giả thì cố làm ra vẻ thánh thiện để mọi người nể phục, ca tụng.

Cứ so sánh Đức Giêsu, người thật sự thánh thiện, với những người Pharisêu, những kẻ cũng được tiếng là đạo đức thì thấy rõ điều ấy. Đức Giêsu chẳng làm ra vẻ thánh thiện bao giờ: Ngài thật “bụi đời”, hay giao thiệp với hạng tội lỗi, lại ăn uống nhậu nhẹt với họ, và hay vi phạm luật sabát. Ngài cũng chẳng có vẻ gì là gắn bó với đền thờ cho lắm, lại còn nói một câu thật khó lọt tai người Pharisêu: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải tại (đền thờ) trên núi này hay ở Giêrusalem» (Ga 4,21). Còn mấy ông Pharisêu thì lúc nào cũng làm ra vẻ đạo mạo, đáng kính, thích cầu nguyện, bố thí ở những nơi công cộng, có ăn chay thì cũng làm ra vẻ âu sầu cho mọi người biết mình đang ăn chay. Họ có vẻ thánh thiện hơn Đức Giêsu nhiều! Nhưng Ngài nói về họ: «bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác» (Mt 23,28).

Để dễ hiểu hơn, ta hãy so sánh hai chàng nọ theo đuổi một cô nhà giàu kia: một anh yêu cô chân thực, còn anh kia có ý “đào mỏ”. Anh “đào mỏ” có vẻ yêu cô hơn: những dịp sinh nhật, bổn mạng, ngày phụ nữ 8-3 hay ngày Valentine, anh mau mắn tặng cô những bông hoa thật tươi, những tặng phẩm đắt giá… Còn anh kia nếu không xảy ra những chuyện hệ trọng thì xem ra chẳng sốt sắng mặn mà với cô được như vậy. Nhưng cô gái tinh ý sẽ nhận ra ai thật sự yêu mình. Nếu khờ khạo thì cô sẽ phải lòng anh “đào mỏ”!



3. Chung cuộc: thiện ác, thật giả phân minh

Người đời thật khó mà phân biệt được người tốt thật và người tốt giả, vì họ chỉ có thể nhìn thấy những gì bề ngoài, chứ không thấy những gì xảy ra trong đáy lòng con người. Vì thế, việc xét đoán người tốt người xấu, người tốt thật người tốt giả không phải là chuyện của con người, mà là của Thiên Chúa. Chỉ mình Ngài mới có khả năng «dò thấu lòng dạ con người» (Tv 7,10; Kh 2,23). Chúng ta không nên làm công việc mà chỉ Thiên Chúa mới làm được và chỉ dành cho Ngài: «Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán» (Mt 7,1). «Chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, chúng ta là ai mà dám xét đoán người khác?» (Gc 4,12).

Dụ ngôn cỏ lùng cho thấy Thiên Chúa muốn ở trần gian này người tốt và người xấu sống chung với nhau, người tốt thật và tốt giả lẫn lộn nhau khó mà phân biệt. Nhưng đến ngày chung cuộc, kẻ tốt người xấu sẽ tách biệt nhau, kẻ tốt thật người tốt giả đều ra trước ánh sáng. Ngày ấy không ai che giấu ai được điều gì, vì «không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ» (Mt 10,26). «Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ» (Mt 13,43); còn «mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ bị tống ra khỏi Nước của Người, bị quăng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 13,41-42).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con đủ kiên nhẫn để chịu đựng những đau khổ mà người ác tâm gây ra cho con. Xin cho con biết yêu thương họ, dù họ làm hại con. Xin giúp con năng cầu nguyện cho họ, mong những điều tốt đẹp đến với họ, nhất là tìm cách làm họ nên tốt hơn. Xin cho con mặc lấy tâm tình yêu thương và cứu độ của Đức Giêsu: «Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» (Mt 9,13). Có yêu thương họ thì mới cứu họ được. Xin cho con yêu cả những người ác với con. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây . 

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét