Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

TN31b - Hai thứ đạo đức: giả và thật




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 31 Thường Niên

(5-11-2017)

Bài đào sâu

Hai thứ đạo đức: giả và thật


  TIN MỪNG: Mt 23,1-12

Các kinh sư và người Pharisêu giả hình



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Động lực căn bản nào khiến những người Pharisêu hành động như vậy? Ta có bị thúc đẩy bởi động lực đó không? 
2. Nếu mọi việc tốt đẹp ta làm đều làm nhằm để được tiếng khen, để được ca tụng, thì người khác có nghĩ rằng ta tốt, ta đạo đức không? Thiên Chúa sẽ đánh giá ta thế nào? Trước mặt Ngài, đạo đức của ta là đạo đức gì? 
3. Muốn thánh thiện đích thực, ta phải xây dựng sự thánh thiện đó trên nền tảng nào?


Suy tư gợi ý:

1. Tâm lý chung của con người: muốn được mọi người nể phục tôn trọng, muốn được hơn người khác

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy ngay hai phần rõ rệt diễn tả hai tinh thần đối chọi nhau. Phần đầu nói lên tinh thần «phình to bản ngã» của người Pharisêu, thích đặt nặng «cái tôi», đưa «cái tôi» của mình lên trên «cái tôi» của người khác. Còn phần sau là tinh thần «tự hủy» của Đức Giêsu, là tinh thần từ bỏ mình, quên mình, xả kỷ, đặt «cái tôi» của mình dưới «cái tôi» của kẻ khác. 

Tinh thần «phình to bản ngã» không chỉ là tâm lý của những người Pharisêu, mà còn là tâm lý của đại đa số nhân loại chúng ta. Chúng ta thích được mọi người nể phục, ca tụng, đề cao; thích khoe những ưu điểm, thành tích của mình; thích có địa vị hay quyền lực trong xã hội hay Giáo Hội; thích được người khác phục vụ, qụy lụy; ai nói đụng chạm đến mình thì tỏ ra bực bội; thấy những người chung quanh hơn mình thì đâm ra buồn nản, ganh tức, v. v… 

Tâm lý như thế là tâm lý rất bình thường, không mang tính bệnh hoạn. Nó chỉ trở thành bệnh hoạn khi trở nên quá đáng, nghĩa là ước muốn được hơn người trở thành một nỗi ám ảnh, hay biến ta thành một người đầy tham vọng, và muốn thỏa mãn những mong ước ấy với bất cứ giá nào, bất chấp phải làm những điều trái lương tâm… Tình trạng bệnh hoạn ấy sẽ khiến tâm hồn ta thường xuyên mất bình an và làm người khác khó chịu. 

Muốn nên thánh, ta phải vượt lên trên tâm lý bình thường ấy. Nếu ta thắng vượt được tâm lý đó, thì ta đã trở nên hơn người bình thường một bậc. Và lên được bậc này là lên được bậc căn bản nhất để nên thánh rồi. Thật vậy, không ai có thể nên thánh nếu vẫn còn trong tình trạng tâm lý coi «cái tôi» của mình là «cái rốn của vũ trụ», là hơn hết mọi người, và coi ý riêng, ý kiến, quyền lợi mình cao hơn ý riêng, ý kiến, quyền lợi người khác. 



2. Coi chừng kẻo thứ đạo đức của ta đang được xây dựng trên tâm lý muốn «phình to bản ngã»

Khi ta tự đặt ta cao hơn người khác hoặc những gì của ta cao hơn của người khác thì ta cũng mong muốn, thậm chí đòi hỏi người khác phải coi ta hơn bản thân họ, hoặc những gì của ta hơn của họ. Một người luôn đặt nặng «cái tôi» của mình như thế vẫn có thể được mọi người coi là đạo đức, thậm chí là «đạo cao đức cả», nhờ tuân giữ chi tiết và hoàn hảo các luật lệ tôn giáo, hoặc làm được những việc phúc đức lớn lao như những người Pharisêu thời Đức Giêsu. Họ sẵn sàng tuân giữ mọi quy luật tôn giáo, làm những hành động tốt, không phải vì mến Chúa yêu người, mà vì muốn được mọi người chung quanh nể phục, ca tụng, coi mình là người đạo đức, và nhờ đó, tín nhiệm mình, tôn mình lên những địa vị cao trong xã hội hay Giáo Hội. 

`Nhưng trước con mắt Thiên Chúa, tinh thần «phình to bản ngã» ấy làm hỏng tất cả những gì có vẻ tốt đẹp của họ. Tinh thần ấy đã biến những hành vi đạo đức như đọc kinh cầu nguyện, làm phúc bố thí, có vẻ yêu thương… thành những hành vi vị kỷ. Vì những hành vi ấy không xuất phát từ động lực yêu thương. Trước mặt Thiên Chúa, giá trị đạo đức của một hành động phần rất lớn hệ tại động lực thúc đẩy: càng vị tha, càng vì yêu thương thì càng có giá trị, còn càng vị kỷ thì càng giảm giá trị. 

Điều này thánh Phaolô nói rất rõ: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Những hành vi ấy, cho dù vĩ đại, có vẻ đầy tình thương, hay đem lại lợi ích cho rất nhiều người khác, nhưng vì không được thúc đẩy bởi động lực yêu thương, nên chẳng có giá trị trước Thiên Chúa, và chẳng đem lại lợi ích tâm linh cho ta. Khi làm vì ta, thì ta đã đạt được những lợi ích trần thế, nghĩa là «đã được phần thưởng rồi» (Mt 6,5b).

Chính trong viễn ảnh này mà câu Kinh Thánh sau đây trở nên dễ hiểu: «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,22-23). Việc nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, tự bản chất đều là những việc đạo đức, nhưng nếu làm với động lực vị kỷ chứ không phải vì yêu thương, thì chẳng có giá trị gì về tâm linh. Nếu dựa vào những việc đạo đức kém giá trị ấy để lên mặt tự hào và khinh khi người khác, thì những việc ấy lại trở thành tội ác! Vì thế, muốn nên thánh, ta cần phải thường xuyên thanh luyện động lực khi làm những điều thiện, những việc đạo đức.



3. Sự thánh thiện đích thực được xây dựng trên nền tảng tự hủy, quên mình, xả kỷ, yêu thương

Thứ đạo đức của người Pharisêu được xây dựng trên nền tảng «phình to bản ngã», nên đó là thứ đạo đức giả, có thể được người đời lầm tưởng mà đánh giá cao, nhưng trước mặt Thiên Chúa chẳng có giá trị gì. Đức Giêsu muốn chúng ta, những kẻ theo Ngài, là những người đạo đức thật sự. Nghĩa là đạo đức của ta phải được xây dựng trên nền tảng tự hủy và yêu thương. Ngài khuyên chúng ta đừng ham được mọi người gọi mình là «rápbi», là «cha», là «thầy», là «người lãnh đạo»… nghĩa là đừng ham được mọi người nể phục, kính trọng, đề cao, đừng khao khát quyền lực, địa vị… Hãy tự coi mình là một số không, chẳng có gì đáng tự hào, đáng cậy công… Vì xét cho cùng, ta chẳng có một điều gì có giá trị do tự ta làm ra cả. Tất cả những gì có giá trị nơi ta đều đến từ Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: «Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?» (1Cr 4,7). 

Khi ta tự hào với người khác về đạo đức, tài năng, lòng can đảm… thì điều ấy giả thiết rằng ta đã tự coi những thứ tốt đẹp ấy là do ta chứ không phải do ai khác. Thế là ta đã trở thành kẻ vô ơn đối với Thiên Chúa, vì không gì ta có mà không phải do Ngài ban. Gioan Tẩy giả nói với những người Pharisêu: «Đừng tự hào rằng : "Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham» (Mt 3,9). 

Cũng vậy, Thiên Chúa có thể biến những kẻ vô dụng, hèn kém nhất trong thế gian này, những kẻ mà ta đang khi rẻ thành những kẻ đạo đức và tài năng hơn ta. Và Ngài cũng có thể giảm các ân huệ Ngài vẫn ban cho ta, lập tức lúc đó ta trở thành kẻ không ra gì. Biết bao người đang được mọi người coi là cao cả mà chỉ vì bị mất ơn Chúa đã trở thành kẻ tầm thường! Như vậy, người hiểu biết và khôn ngoan đích thực sẽ không bao giờ dám tự hào về mình điều gì. Thánh Phaolô khuyên: «Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa» (1Cr 1,31; x. 2Cr 10,17).

Một người đạo đức thật sự sẽ không «làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy» (Mt 23,5), «cốt để người ta khen» (Mt 6,2) như những người Pharisêu, mà trái lại sẽ làm theo lời khuyên của Đức Giêsu: «Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm» (Mt 6,3); «khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo» (6,6). Những việc tốt đẹp ấy nếu ta không làm vì ta, để vinh danh ta, mà làm vì yêu thương, vì ích lợi của tha nhân, thì dù nhỏ mọn, chúng vẫn có giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa. 

Còn nếu làm vì ta, để được khen, được nể phục, thì việc ấy dù có lớn lao đến đâu, cũng trở nên vô giá trị trước Thiên Chúa, bất chấp chúng được người đời ca tụng thế nào. Vậy chính tinh thần tự hủy, quên mình, xả kỷ, vị tha khi hành động mới làm cho hành động của ta có giá trị, và giúp ta nên thánh thật sự.



CẦU NGUYỆN

Tôi nghe Thiên Chúa nói với tôi: «Cha dựng nên con từ hư vô, và dựng nên người khác cũng từ hư vô. Tự bản chất và tự bản thân con, con chẳng hơn người khác một chút nào. Ngược lại người khác cũng chẳng hơn con chút nào. Con có hơn người khác được điều gì, thì do chính Cha đã ban đủ ơn để con hơn được như vậy. Thế thì con có lý do gì để lên mặt với những kẻ thua kém con? Rất có thể một lúc nào đó, Cha sẽ lại cho những kẻ kém con, những kẻ con khinh thường ấy hơn con. Tốt hơn là con hãy quên con đi, đừng tự coi mình là gì cả. Chính thái độ ấy làm cho con trở nên cao cả trước mặt Cha, làm đời sống con hạnh phúc và tốt đẹp biết bao! Cha mong con có thái độ ấy».



Share:

TN31a - Hai phong cách lãnh đạo trong Giáo Hội




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 31 Thường Niên

(5-11-2017)

Hai phong cách lãnh đạo trong Giáo Hội



ĐỌC LỜI CHÚA

  Ml 1,14b–2,2b.8-10: (1) Đức Chúa các đạo binh phán: «Hỡi các tư tế, (2) nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, (8) các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. (9) Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta».

  1 Tx 2,7b-9.13: (7) Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. (8) Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.

  TIN MỪNG: Mt 23,1-12

Các kinh sư và người Pharisêu giả hình

(1) Bấy giờ, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: (2) «Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. (3) Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. (4) Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (5) Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. (6) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, (7) ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”.

(8) «Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. (9) Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. (10) Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. (11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. (12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1.   Những thói xấu mà Đức Giêsu nói về các kinh sư và Pharisêu có thể quy về điều căn bản nào? Phải có tinh thần nào mới tránh được những thói xấu ấy? 
2.   Những điều Đức Giêsu khuyên các môn đệ mình phải có quy về điều căn bản nào? Muốn thực hiện những điều ấy, phải có tinh thần nào?

Suy tư gợi ý:

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mô tả chân dung của giới chức sắc đạo Do Thái thời Ngài. Ngài nhấn mạnh đến khuynh hướng vị kỷ, ham danh, tự tôn tự đại, chuộng hình thức bề ngoài nhưng rỗng tuếch bề trong của họ. Để rồi Ngài yêu cầu các môn đệ, những người theo Ngài, phải có một thái độ ngược lại: tự xóa mình, quên mình, coi mình không là gì cả, để dấn thân hết mình phục vụ tha nhân. Như thế, bài Tin Mừng này mô tả hai phong cách: 

a) Phong cách của những người lãnh đạo trong Do Thái giáo thời Ngài, và 

b) Phong cách mà người lãnh đạo trong tôn giáo mới của Ngài phải có. 

Ngài mong những người lãnh đạo trong tôn giáo mới của Ngài đừng đi vào vết xe cũ đã đổ của những người đi trước. Sự khác biệt căn bản giữa hai phong cách ấy, một đằng là khuynh hướng vị kỷ của giới lãnh đạo cũ, và đằng kia là khuynh hướng vị tha mà giới lãnh đạo tôn giáo mới phải có.



1.   Khuynh hướng đặt nặng «cái tôi» của giới chức sắc tôn giáo cũ

Trong môi trường tôn giáo, trong các hoạt động tôn giáo, các kinh sư và những người Pharisêu xưa có một động lực rất căn bản là «vì mình», coi «cái tôi» của mình là quan trọng nhất, muốn quy tất cả vinh quang, uy tín, quyền bính, quyền lợi về cho mình, để được sống vinh quang và an nhàn trên đầu trên cổ mọi người. Đang khi thực chất về mặt tâm linh của họ thì chẳng có gì, tất cả chỉ là bề ngoài. Họ giảng dạy những điều hay lẽ phải vì đó là chức năng của họ, nhưng họ giảng là để người khác nghe và thực hiện, chứ chính họ thì chẳng thèm làm. Vì thế, Đức Giêsu khuyên các môn đệ: «Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì không buồn động ngón tay vào» (Mt 23,3-4).

Đức Giêsu tố cáo tính thích hư danh của họ, tính thích «cái tôi» của mình được đề cao, ca tụng, được phình to lên trước mặt mọi người: «Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”» (Mt 23,5-7). Ai không chào hỏi hay xưng hô với họ như thế thì họ khó chịu ra mặt. Điều họ ham thích nhất là quyền bính: có quyền là có thể ép buộc người khác làm theo ý mình, có thể chi phối người khác, được mọi người quỵ lụy, xin xỏ, cầu cạnh, nể sợ. Họ thích mọi người phải nghe lời họ, làm theo ý họ, còn họ thì không thích nghe ai hay làm theo ai cả, vì thế, họ thường bỏ ngoài tai tất cả những góp ý của người khác.

Với một tâm thức như thế, mọi việc làm của họ dù tốt đẹp hay vĩ đại đến đâu, đều trở nên những con số không to tướng trước mặt Thiên Chúa. Vì chỉ những việc làm nào được thúc đẩy hay phát xuất từ tình yêu thương chân thực mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa (x. 1Cr 12,1-3). Họ chỉ có thể được đánh giá cao trước người đời chứ không phải trước Thiên Chúa. Và như thế, họ đã được người đời thưởng công rồi (x. Mt 6,2.5), nên họ chẳng còn công trạng gì trước Thiên Chúa nữa. Việc truyền giáo của họ chỉ đạt được những thành quả hời hợt bên ngoài, không có chiều sâu tâm linh bên trong.



2.   Khuynh hướng từ bỏ «cái tôi» của người theo Chúa

Để theo Ngài, Đức Giêsu đưa ra hai điều kiện rõ ràng: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24). Như vậy, điều kiện căn bản nhất của những ai muốn theo Chúa là từ bỏ chính mình, nghĩa là coi nhẹ «cái tôi» của mình; và điều kiện kế đó là sẵn sàng chấp nhận hy sinh, thiệt thòi, đau khổ vì tình yêu đối với Ngài và tha nhân.

Một khi đã thật sự từ bỏ mình, coi nhẹ «cái tôi» của mình, thì không còn ham được ca tụng, đề cao, không còn ham những hư danh ngoài đời, không còn thích được người ta gọi mình bằng những danh này hiệu nọ, và cũng không còn ham hố quyền bính nữa. Ngài khuyên những người theo Ngài: «Phần anh em, đừng để ai gọi mình là “rápbi”»* (Mt 23,8a).
*("Rápbi" hay "Rabbi", nghĩa là "Thầy", "Tôn Sư")
Khi ta sống một cuộc đời thánh thiện, được mọi người cảm phục, thì một cách tự phát, người ta muốn biểu lộ sự kính trọng cảm phục ấy với ta bằng cách gọi ta là «rápbi» hay «thầy». Ngay cả trong trường hợp này, Ngài cũng khuyên ta đừng để họ gọi mình như vậy. Nghĩa là Ngài muốn ta chủ động khuyên họ đừng gọi mình như thế. Lý do: «Vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau» (Mt 23,8b). Ngài muốn người theo Ngài, dù có cao cả đến đâu, cũng tự hạ mình xuống ngang với mọi người, coi mọi người là anh chị em ngang hàng với mình. Có thế ta mới tôn trọng họ, lắng nghe họ, không muốn áp đặt họ phải nghe mình, phải làm theo ý mình. Nếu họ có nghe lời mình thì là vì họ nhận ra lẽ phải ở nơi mình, và họ làm theo lẽ phải ấy chứ không phải làm theo ý mình vì nể nang hay vì sợ mình phật lòng. 

Ý tưởng này được Đức Giêsu nói rất rõ trong câu: «Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô» (Mt 23,10). Nghĩa là làm sao để mọi người quan tâm nghe theo ý muốn của Thiên Chúa được tỏ lộ trong lương tâm họ, chứ không phải nghe theo ý muốn của ta. Làm sao để mọi người nhận ra không phải ta lãnh đạo, mà là Đức Kitô lãnh đạo nơi con người ta. Phải có tinh thần như Gioan Tẩy Giả: «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30); và ý riêng của ta cũng phải lu mờ đi để thánh ý của Ngài được nổi bật lên.

Khuynh hướng từ bỏ «cái tôi» ấy không chỉ cần áp dụng trong Giáo Hội, giáo xứ, giữa giáo sĩ với giáo dân, mà trong tất cả mọi đoàn thể, tập thể, gia đình, giữa giáo dân với giáo dân, giữa người lãnh đạo với tập thể mình lãnh đạo. Phải làm sao để người ta thấy chính Đức Kitô đang lãnh đạo gia đình, tập thể, cộng đoàn… chứ không phải ta lãnh đạo. Cần ý thức rằng bản thân ta và ý của ta không là gì cả, mà Đức Kitô và thánh ý của Ngài mới là quan trọng. 

Hãy coi chừng, nếu không có ý thức phản tỉnh cao, thì khi điều hành cộng đoàn, rất nhiều trường hợp ta đặt bản thân ta cao hơn cả Thiên Chúa, và coi ý riêng của ta quan trọng hơn thánh ý Ngài. Mà thánh ý Ngài, trong rất nhiều trường hợp, được biểu lộ qua ý kiến hay ý muốn của đa số trong cộng đoàn: «Ý dân là ý Trời» (Vox populi, vox Dei). Nhưng nhiều khi ta lại ỷ vào quyền lãnh đạo của mình phủ nhận mọi ý kiến của người khác, để áp đặt ý riêng của ta lên ý của Thiên Chúa hay ý của đa số. Tất cả chỉ vì ta đã coi «cái tôi» của mình quá quan trọng, nghĩa là ta chưa thật sự «từ bỏ chính mình» như Đức Giêsu đòi hỏi những người theo Ngài.



3. Một nghịch lý rất thực tế

Trong đời sống tâm linh, nếu ta hồi tâm suy nghĩ, ta thấy ngay chân lý này: ta càng quan trọng hóa «cái tôi» của mình thì tâm linh ta càng trống rỗng Thiên Chúa, trống rỗng sức mạnh và tình yêu của Ngài. Giữa «cái tôi» của ta và sự sống của Thiên Chúa trong ta luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Cái này càng lớn lên thì tất nhiên cái kia càng nhỏ đi, và ngược lại. Nếu sự sống của Thiên Chúa trong ta quá ít do «cái tôi» của ta quá lớn, thì cách hành xử của ta sẽ trở nên y hệt như cách hành xử của các kinh sư và Pharisêu xưa. Ta sẽ là bản sao rất trung thành của họ, cho dù ta có dáng vẻ bên ngoài thánh thiện hay đạo mạo tới đâu, cho dù chức vụ trong tôn giáo của ta có cao vời tới đâu. 

Khi ấy, tất cả những gì tốt đẹp mà người ta thấy nơi ta chỉ hoàn toàn là bên ngoài, rỗng tuếch chiều sâu bên trong. Lúc đó ta cần lắng nghe lời cảnh báo của ngôn sứ Malakia trong bài đọc 1: «Hỡi các tư tế, nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta, các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta» (Ml 1,14b–2,2b.8-9). Lúc đó, lời của Đức Giêsu sẽ được ứng nghiệm: «Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên» (Mt 23,12).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, điều kiện để theo Đức Giêsu là «phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24). Nhưng trong thực tế đời sống con, con vừa muốn theo Ngài, lại vừa muốn giữ «cái tôi» của con thật lớn, vừa muốn được hưởng thụ mọi ưu đãi của trần gian. Như thế con có còn là môn đệ đích thực của Ngài nữa không? Xin Cha giúp con thành thật và can đảm nhận ra sự thật nơi con, để con cải thiện thành môn đệ đích thực của Đức Giêsu, Con Cha.



Share:

Suy nghĩ về luyện ngục và đau khổ



Suy nghĩ về luyện ngục và đau khổ



1. Niềm tin của người Công giáo về luyện ngục

Hôm nay và suốt tháng 11 này, người Công giáo chúng ta đặc biệt quan tâm cầu nguyện cho những người quá cố. Chúng ta thường nghĩ họ đang phải chịu thanh luyện bằng đau khổ để trở nên hoàn hảo. Sự thanh luyện đó được Giáo Hội định tín: «Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là “Thanh Luyện”» (DS* 856/464). 
*(DS là viết tắt của tên bộ sách "Denzinger-Schönmetzer Enchiridion", là bộ sách tóm tắt tất cả các văn bản cơ bản về giáo điều và đạo đức Công giáo kể từ thời các tông đồ. Bộ sách này được thực hiện theo ý muốn của Đức Giáo Hoàng Piô IX, được Denzinger thu thập, biên  tập, và được Schönmetzer biên soạn lại và sửa đổi về số. Chữ "Enchiridion" có nghĩa là "sổ tay". Có thể nói đây là bộ sách tóm tắt về đức tin của Giáo Hội Công giáo. Bộ sách này bắt đầu được sử dụng từ năm 1854, thường được dùng để tra cứu những tín điều và những văn bản quan trọng của Giáo Hội. Khi trưng dẫn, người ta thường viết DS cùng hai con số: một số của ấn bản cũ và một số của ấn bản mới. Ấn bản mới có tựa là "Enchiridion Symbolorum")

Mục đích của việc thanh luyện là làm cho linh hồn trở nên hoàn hảo, hoàn toàn vị tha, đầy tình thương, không còn một chút tâm địa ích kỷ, độc ác, tham lam nào nữa. Thiên Đàng đòi hỏi một sự hoàn hảo như thế thật là hợp lý, vì đó là một «nơi»* hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn thánh thiện, là «nơi» chúng ta sẽ trở về để hưởng hạnh phúc muôn đời. 
* (Gọi là «nơi» thì chỉ là tạm gọi, vì thật ra, Thiên Đàng, luyện ngục hay hỏa ngục không phải là nơi chốn, là không gian vật lý cho bằng là những tình trạng tâm linh hoặc tâm lý. Chẳng hạn: Thiên Đàng là tình trạng tâm linh hoàn toàn hạnh phúc, không còn một chút đau khổ, của những tâm hồn hoàn hảo, thánh thiện. Còn Hỏa Ngục là tình trạng tâm linh hết sức đau khổ của những tâm hồn độc ác, xấu xa, ích kỷ...)


2. Thiên Đàng đòi hỏi người trong đó phải thật hoàn thiện

Không cần phải xét về phía Thiên Chúa, mà ngay chính chúng ta cũng đòi hỏi rằng: để vào Thiên Đàng thì phải thật trọn hảo. Thật vậy, thử hỏi, khi trở về «nơi» lý tưởng đó để hưởng hạnh phúc, ta có thể hoàn toàn hạnh phúc khi phải sống chung với những thân nhân, bạn bè vẫn còn những tính nết xấu như họ đang có bây giờ không? Nếu người ở Thiên Đàng mà còn ích kỷ, còn ác ý, còn lãnh đạm, còn hẹp hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù chỉ một chút xíu, thì chính bản thân họ sẽ đau khổ, đồng thời còn gây nên đau khổ cho người khác nữa. Chưa hoàn hảo mà đã sống ở Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền của Thiên Đàng, và biến Thiên Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng nữa. Do đó, Thiên Đàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn trong sạch, tốt lành, nếu còn chút gì xấu xa thì phải thanh luyện cho hết. Tình trạng thanh luyện ấy được gọi là «Luyện Ngục».


3. Tội lỗi hay tính vị kỷ là đầu mối gây đau khổ

Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải đau khổ. Việc Ngài sai Con Một mình xuống chịu chết một cách thảm thương để cứu nhân loại chứng tỏ điều ấy. Nhưng Ngài không thể trực tiếp cứu chúng ta khỏi đau khổ, mà chỉ có thể cứu chúng ta khỏi những nguyên nhân gây nên đau khổ là tội lỗi. Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan viết: «Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta» (Kh 1,5). Đau khổ chỉ là ngọn, còn tội lỗi mới là gốc. 

Muốn tránh khổ thì phải tránh tội lỗi. Diệt khổ thì chỉ là diệt ngọn, khổ vẫn có thể tiếp tục phát sinh. Diệt tội lỗi mới là diệt khổ tận gốc. Nhưng con người vì còn u mê nên thường sợ khổ chứ không sợ nguồn gốc phát sinh ra đau khổ là tội lỗi, là tính ích kỷ. Họ vẫn cứ tiếp tục phạm tội, sống ích kỷ. Vì thế, dù tìm đủ mọi cách để tránh khổ, con người vẫn cứ rơi vào đau khổ, hết khổ này đến khổ khác. Trong việc cứu khổ cho người khác, cho các linh hồn được thanh luyện, con người cũng chỉ nghĩ tới việc cứu họ khỏi đau khổ, chứ không nghĩ tới việc cứu họ khỏi những nguyên nhân gây đau khổ.

Nguồn gốc của tội lỗi chính là tính ích kỷ. Ích kỷ là chỉ biết nghĩ tới đau khổ và hạnh phúc của mình chứ không quan tâm hay biết đến đau khổ và hạnh phúc của người khác. Vì thế, nguyên nhân sâu xa hơn của đau khổ chính là tính ích kỷ



4. Tình yêu hóa giải đau khổ và đem lại hạnh phúc

Nếu ích kỷ là nguồn gốc phát sinh đau khổ, thì ngược lại, tính vị tha hay tình yêu chính là nguồn tạo nên hạnh phúc. Do đó, người ta chỉ có thể vào được Thiên Đàng khi họ có đầy tràn tình yêu và không còn chút tính ích kỷ nào nữa. Nắm vững điều này, ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa câu nói Đức Giêsu, khi có người – vốn đã giữ rất chu đáo các lề luật – hỏi Ngài về cách đạt được sự sống đời đời: «Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mc 10,21). Điều đó có nghĩa là phải biết yêu thương và thật sự thể hiện tình yêu ấy thì mới được sự sống đời đời, tức được hạnh phúc đích thực. Kho tàng ở trên trời mà mọi người muốn lên đó phải sắm cho mình chính là kho tàng tình yêu.

Người trộm lành cùng chịu đóng đinh cạnh Đức Giêsu đã thể hiện được tinh thần vị tha và tình yêu ấy. Trong cảnh khổ như thế mà anh không hề nghĩ tới đau khổ của bản thân mình, mà chỉ nghĩ tới đau khổ của Đức Giêsu, thương cho Ngài bị hàm oan: «Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!» (Lc 23,41). Chính vì thế, anh đã được Đức Giêsu nói: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (Lc 23,43). Người trộm lành tuy đầy tội lỗi, nhưng cuối cùng anh đã phát tâm yêu thương, và tình yêu đã biến anh thành người tốt lành, xứng đáng với hạnh phúc Thiên Đàng. Đúng như câu nói của thánh Phaolô: «Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi» (1Pr 4,8).


5. Chấp nhận đau khổ vì tình yêu là bí quyết của hạnh phúc

Câu chuyện về người trộm lành trên làm tôi nghĩ đến một câu chuyện của Đức Phật. Trong một tiền kiếp nọ của ngài, ngài đã phạm một trọng tội khiến ngài bị đọa vào địa ngục. Tại đó, ngài cùng nhiều người khác bị đau khổ ghê gớm. Khi nhìn thấy những người trong đó đang quằn quại với những cực hình vô cùng đau đớn như mình, ngài thương họ vô cùng. Tình thương ấy khiến ngài phát tâm nguyện rằng: Tôi nguyện sẵn sàng chịu thay cho mọi người trong địa ngục này tất cả những đau khổ mà họ đang phải chịu, để họ thoát khỏi những cực hình ghê gớm này! Vừa nguyện như thế xong thì lập tức ngài tự nhiên thoát khỏi cảnh đau khổ ấy. Còn những người kia thì vẫn tiếp tục ở lại đấy chịu đau khổ.

Tôi chỉ coi chuyện trên như một dụ ngôn. Tuy không có thực, nhưng nó nói lên một chân lý mà chính tôi đã thực nghiệm thấy rất đúng. Khi tôi chỉ quan tâm chú ý tới những đau khổ tôi đang phải chịu, thì tôi thấy đau khổ ấy – một cách chủ quan – tăng lên gấp bội. Nhưng khi tôi quan tâm tới những đau khổ của người khác đang phải chịu, khi tôi muốn làm giảm bớt đau khổ cho họ, khi tôi chấp nhận chịu đau khổ thay cho họ, hay sẵn sàng chịu khổ nhiều hơn nữa để họ bớt khổ hay để họ được hạnh phúc, thì lập tức tôi cảm thấy tâm hồn mình mạnh mẽ lên. Lúc ấy những đau khổ tôi đang chịu – tuy dù một cách khách quan không hề thay đổi, mà có thể còn tăng lên – bỗng nhiên mất đi tính dữ dội hay thảm khốc của chúng đối với tôi. Chúng không còn làm tôi đau khổ được như trước. 

Áp dụng kinh nghiệm này vào đời sống gia đình, tôi nhận thấy: khi tôi sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả, mọi đau khổ, mọi buồn phiền để làm những người thân yêu của tôi bớt khổ và được hạnh phúc, thì điều lạ lùng tôi cảm nghiệm được là tôi không hề đau khổ mà lại thấy hạnh phúc hơn. Tôi hạnh phúc hơn vì tôi thấy nhờ hành động ấy của tôi mà những người tôi yêu thương được hạnh phúc hơn. Điều làm họ hạnh phúc nhất là thấy tôi yêu thương họ, hết mình với họ. Và chính vì thế, họ cũng chẳng để tôi phải vất vả hay chịu đau khổ thay cho họ, ngược lại họ lại sẵn sàng chịu đau khổ thay cho tôi. Và thế là cả gia đình tôi – trong đó có tôi – đều cảm thấy hạnh phúc trong bầu khí đầm ấm yêu thương. Thế là chỉ vì tôi sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả, cực nhọc, đau khổ thay cho những người thân yêu, mà tôi biến gia đình tôi thành một gia đình hạnh phúc. So với nhiều người chủ gia đình khác, tôi thấy mình hạnh phúc hơn họ nhiều, xét cả mặt khách quan lẫn chủ quan. 

Tôi nhận thấy: không phải khi mình sẵn sàng chịu đau khổ thay cho người khác thì tất nhiên mình sẽ phải chịu đau khổ nhiều hơn đâu! Mà ngược lại, thái độ quên mình ấy lại đem lại hạnh phúc cho cả tôi lẫn những người chung quanh tôi. Đó là kinh nghiệm của tôi trong gia đình. Và tôi đang áp dụng kinh nghiệm này ra ngoài gia đình, trong xã hội… và tôi vẫn thấy nó đúng. Xin chia sẻ với mọi người kinh nghiệm có thật này để may ra hữu ích cho ai đó!



Nguyễn Chính Kết

Share:

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Cầu nguyện và hành động



Cầu nguyện và hành động




Trong đời sống Kitô hữu, việc cầu nguyện là việc không thể thiếu được. Có thể nói, người Kitô hữu nào không cầu nguyện, thì không phải là Kitô hữu đích thực. Cầu nguyện là kết hợp với Chúa, nguồn sức mạnh, nguồn hạnh phúc, nguồn ân sủng. Trong Tông thư Sứ vụ Đấng Cứu Thế, Đức Gioan-Phaolô II đã xác nhận: tương lai của Giáo Hội, của công cuộc truyền giáo, tùy thuộc phần lớn vào việc cầu nguyện hay chiêm niệm (xem số 91 : AAS 83 [1991], 338).

Nhưng, người cầu nguyện đích thực thì không thể chỉ cầu nguyện mà không hành động. Vì cầu nguyện là tiếp xúc với Thiên Chúa, nguồn sức mạnh và năng động, nên không thể nào khi tiếp xúc với Thiên Chúa đích thực mà con người lại không được Thiên Chúa biến đổi. Không thể nào một người tiếp xúc thật sự với Thiên Chúa, nguồn sức mạnh và năng động lại không được Thiên Chúa truyền sức mạnh cho, mà vẫn cứ ở trong tình trạng ù lì thụ động. Nếu thánh Giacôbê bảo: «Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,17.26), thì một cách tương tự, cầu nguyện mà không hành động thì không phải là cầu nguyện thật. Thánh Giacôbê còn nói: «Nhờ hành động mà con người được nên công chính chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi» (Gc 2,24). Ngài đưa ra một thí dụ cụ thể: «Giả như có người anh em hay chị em không có áo mặc che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no nhé!” mà lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?» (Gc 2,15-16). Cũng tương tự như thế đối với cầu nguyện và hành động.

Chính vì thế, trong tông huấn Giáo Hội tại Châu Á (Ecclesia in Asia), Đức Gioan-Phaolô II cũng nhấn mạnh đến tính cách song hành của cầu nguyện và hành động. Ngài viết: «Sứ mạng ấy là hoạt động trong chiêm niệm và chiêm niệm trong hoạt động» (Mission is contemplative action and active contemplation) (xem 23§1)

Thật vậy, cầu nguyện mà không có việc làm cụ thể, chúng ta dễ tưởng rằng mình đã làm xong bổn phận của người Kitô hữu, là đã yêu mến Thiên Chúa rồi, và cũng dễ bị cám dỗ nghĩ rằng mình đạo đức. Khi đọc kinh cáo mình đọc đầu thánh lễ, người ta thường nghĩ đến những hành động sai trái của mình, chứ ít nghĩ đến «những điều thiếu sót». Thiếu sót ở đây là những điều đáng lẽ mình phải làm mà đã không làm. Do đó, để quân bình hóa đời sống Kitô hữu, chúng ta cần cầu nguyện thật nhiều, mà cũng cần hành động thật sự theo như việc cầu nguyện đòi hỏi và soi sáng cho mình. Cầu nguyện và hành động phải tương xứng với nhau. Cầu nguyện để được Chúa soi sáng và có sức mà hành động. Và hành động để biến cầu nguyện thành hiện thực, thành ích lợi đích thực cho bản thân và mọi người. Cầu nguyện chỉ trở thành hiện thực và có giá trị khi đi đến hành động thật sự.


Tinh thần hành động trong «thánh lễ đời sống»


Sau thánh lễ, linh mục nói một câu ra lệnh (impératif), nguyên văn Latinh là: «Ite, missa est» mà nếu dịch sát thì phải dịch: «Hãy ra đi, đó là thánh lễ», điều này ai biết tiếng Latinh cũng phải công nhận. Dịch rằng «Lễ xong, chúc anh chị em ra về bằng an!» thì tôi không biết là có đúng với ý của Giáo Hội không. Vì ra đira về diễn tả hai tinh thần khác nhau: ra đi – tức không về nhà – là để hành động, còn ra về – tức về nhà – là để nghỉ ngơi! Dịch bằng ra về, khiến người Kitô hữu dễ tưởng rằng thánh lễ đã xong, ta đã làm hết bổn phận rồi, giờ thì về nhà mà nghỉ ngơi hay làm gì khác thì làm. Chữ «bằng an» sau đó lại càng nhấn cho mạnh nghĩa của nghỉ ngơi! 

Nhưng tôi chắc chắn rằng câu nói cuối cùng của linh mục trong thánh lễ có dụng ý bảo mọi người hãy ra đi để hành động, để thực hiện ý nghĩa của thánh lễ là trở nên một hy tế bằng chính đời sống của mình. Và đó mới chính là thánh lễ (missa est! = voilà la messe! = it’s the mass!) Chắc chắn như thế, vì không khi nào Kitô giáo lại tách biệt thánh lễ ra khỏi đời sống thực tế cả.

Hơn nữa (xem chú thích 1),  mệnh đề «missa est» còn có thể hiểu theo một nghĩa khác rất phù hợp với ý nghĩa của thánh lễ. Missa là phân từ quá khứ (có nghĩa thụ động) của động từ mittere có nghĩa là gửi, sai đi. Như vậy, missa est có nghĩa là được sai đi, ở thì hiện tại, thể thụ động, và chủ từ phải là giống cái như missa. Vậy chủ từ giống cái là ai? Ai được sai đi? Trong ngữ cảnh, thì chủ từ phải được hiểu là ecclesia (nhà thờ / những người trong nhà thờ) hay communio (cộng đoàn) cùng là giống cái với missa. 

Như thế, người được sai đi là toàn thể cộng đoàn vừa bẻ bánh chung với nhau, là Giáo Hội vừa tham dự thánh lễ. Vậy, ý nghĩa sâu thẳm của câu «Ite, missa est» có thể quảng diễn là: «Anh chị em hãy ra đi, ra khơi (duc in altum), thả lưới, bắt cá … với tư cách là Giáo Hội được sai phái đến khắp hang cùng, ngõ hẻm của nhân loại, mang Tin Mừng là Đức Kitô, Tin Mừng Thứ Tha của Ngôi Cha, cho mọi người, nhất là những ai là người nghèo. Tin Mừng ấy đã được khai mở lần đầu tiên, từ Thánh Giá … Anh chị em hãy ra đi, tiếp nối những gì Đức Kitô đã khởi đầu. Ecclesia – cộng đồng nầy là cộng đồng Eucharistica, tức cộng đồng bẻ bánh, cộng đồng yêu thương, cộng đồng huynh đệ "làm việc nầy mà nhớ đến Thầy"» (Xem chú thích 2).  Vậy thì câu cuối cùng của vị linh mục trong thánh lễ là một lời yêu cầu hay là lệnh sai phái cộng đoàn ra đi để hành động, để cụ thể hóa tinh thần yêu thương của thánh lễ qua hành động.

Như vậy, thánh lễ ở trong nhà thờ mới chỉ là nửa thánh lễ, còn phần chính của thánh lễ là đời sống thực tế. Và khi ra khỏi nhà thờ, thì chúng ta bắt đầu phần thứ hai của thánh lễ chứ không phải là lễ đã xong! Thánh lễ trong nhà thờ và thánh lễ trong đời sống chỉ là một thánh lễ duy nhất, mà chúng ta nhiều khi tách ra thành hai mảng biệt lập nhau, không liên quan gì với nhau. Rất nhiều người đi lễ hằng ngày, nhưng luôn luôn chỉ dự có nửa phần đầu thánh lễ – là phần trong nhà thờ – mà bỏ mất phần sau – là phần trong đời sống thực tế – đây mới là phần chính yếu

Thánh lễ trong nhà thờ ban sức mạnh cho thánh lễ ngoài đời sống, thánh lễ ngoài đời sống biến thánh lễ trong nhà thờ thành hiện thực. Nếu nhận được sức mạnh mà không làm gì cả, thì sức mạnh ấy dùng để làm gì?

Trong thánh lễ nhà thờ, chúng ta cầu nguyện: xin cho con yêu Chúa, yêu tha nhân, cho con biết khiêm nhường, biết cảm thông với người nghèo, biết chiến đấu cho công lý, v.v… Còn trong thánh lễ đời sống, chúng ta cố gắng biến những lời cầu đó thành hành động. Nếu chỉ biết cầu xin mà không quyết tâm hay cố gắng thực hiện, thì không biết đến bao giờ Chúa mới cho được những điều ấy. Cũng như miệng nói «xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày», mà tay chân lại chẳng thèm làm gì để kiếm sống cả, thì có cầu xin hoài cũng vô ích. Nếu tôn giáo mà như thế thì đúng là tôn giáo ru ngủ con người.


Các nhân đức thường đi với nhau từng cặp

a) «Ora et labora»

Vào trong nhiều đan viện, ta thấy câu này được viết ở nhiều nơi: «Ora et labora!» (cầu nguyện và làm việc!). Hai việc ấy phải gắn liền với nhau. Không nên quá nhấn mạnh đến cầu nguyện, mà quên nhấn mạnh đến hành động, nhất là những hành động thực tế đáp ứng đúng những gì thực tế đang đòi hỏi. Dường như các nhân đức Kitô giáo luôn luôn phải đi với nhau theo cặp. Có nhân đức này thì nhân đức ấy lại đòi hỏi phải có một nhân đức khác đối lập với nó thì nhân đức ấy mới chịu là nhân đức! Không có nhân đức đối lập đó thì có thể nhân đức kia không còn là nhân đức đúng nghĩa nữa! Khôn ngoan như con rắn, nhưng lại phải hiền lành như con bồ câu thì khôn ngoan ấy mới là nhân đức! Ngược lại hiền như bồ câu mà chẳng khôn ngoan chút nào cả thì thành ra «hiền quá hóa đần»!

Tôi được tập thói quen từ hồi còn học giáo lý lúc nhỏ là khi cầu nguyện thì hãy hỏi Chúa: «Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?». Cách cầu nguyện ấy rất hay vì nó gắn liền việc cầu nguyện với hành động. Và cầu nguyện như thế thì sau khi cầu nguyện là thấy có việc để mà làm ngay. Chẳng hạn nếu chung quanh tôi mọi người đang bị áp bức, nghèo khổ, mà tôi hỏi Chúa câu ấy, chắc chắn Chúa sẽ đề nghị ngay tức khắc với tôi một hành động cụ thể. Hành động cụ thể ấy thế nào thì còn tùy thuộc vào khả năng và chức vụ của tôi trong xã hội. Nếu tôi là một người dân thường, chỉ giúp được những việc nhỏ, thì Chúa sẽ bảo tôi làm việc nhỏ. Nếu tôi là một bộ trưởng, chắc chắn Chúa không bảo tôi làm những việc nhỏ như thế, mà phải làm một việc lớn hơn đúng với tầm mức một vị bộ trưởng.

Nếu sau khi cầu nguyện, mà ta không thấy mình được thúc đẩy phải làm gì cả, đang khi chung quanh ta có biết bao việc đòi hỏi ta phải làm, phải thực hiện, phải nhúng tay vào, phải dấn thân hành động, v.v… thì ta nên nghi ngờ việc cầu nguyện của mình chỉ là một hình thức giả đạo đức, trốn chạy, thu vào vỏ ốc. Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ hài lòng với kiểu cầu nguyện ấy.

Như vậy, trở về với Chúa, với lòng mìnhra đi để đến với tha nhân cũng là hai việc phải đi đôi. Tinh thần của thánh lễ đích thực phối hợp và điều hòa hai hành động có vẻ ngược lại nhau ấy. Có cái này mà không có cái kia thì cũng dễ bị khập khiễng.


b) Khiêm nhường và lòng tôn trọng thực tế hay sự thật

Cầu nguyện cần phải đi đôi với hành động. Thật vậy, Kitô giáo không phải là một mớ lý thuyết phải tin, phải học, mà là một tôn giáo nhắm đến thực hành, dẫn đến hành động (action oriented). Nhưng hành động dù có tốt đến đâu cũng phải đặt nó trên nền tảng khiêm nhường. Không đặt trên nền tảng ấy thì coi chừng những động lực để làm việc tốt của ta chỉ là nhằm được tiếng khen, được sự ủng hộ, v.v… Với động lực đó, thì việc tốt lành ta làm chỉ có tác dụng làm tăng thêm lòng kiêu căng của ta, một tác nhân hủy hoại toàn bộ giá trị công trình tốt đẹp của ta trước mặt Thiên Chúa. Lucifer trước khi sa ngã chắc chắn đã làm được việc nhiều việc tốt lành hơn các thiên thần khác, vì ông là thiên thần cao trọng, đáng yêu đáng mến và có khả năng nhất trong các thiên thần. Nhưng kiêu căng đã biến ông thành ma quỉ. Do đó, những người đang làm những công việc tốt đẹp phải coi chừng kẻo bị «xôi hỏng, bỏng không» vì sự tự hào về những việc tốt đẹp của mình, mà lên mặt với người khác.

Vì thế, khiêm nhường là nhân đức hết sức cần thiết, nhưng khiêm nhường cũng lại phải luôn luôn đi đôi với lòng tôn trọng sự thật. Khiêm nhường không có nghĩa là tự hạ đến nỗi phải phủ nhận bản chất và khả năng của mình, hay không dám hành động đúng với bản chất và khả năng của mình. Khiêm nhường vẫn đòi hỏi mình phải nhận chân được bản chất, giá trị, chức vụ, quyền hành, khả năng, bổn phận của mình, và hành xử đúng với những điều đó. 

Một em bé làm trưởng một lớp học nhưng lại không dám thi hành quyền trưởng lớp của mình khiến cho lớp đó như thể không có trưởng lớp, trở thành lộn xộn mất trật tự, thì hành động đó không phải là khiêm nhường. Một người con thấy cha mình cứ làm hoài một việc mà mình cho là không đúng, mà không dám lên tiếng một cách tế nhị để người cha nhận ra lỗi của mình hầu sửa sai, cũng không phải là khiêm nhường. Mà tế nhị quá, sợ mất lòng quá đến nỗi không nói đúng được điều mình muốn nói cũng không phải là khiêm nhường, vì có tế nhị tới đâu, thì sự thật vẫn khó có thể làm người nghe hài lòng. Mà người cha ấy nếu thấy con nói có lý và chân tình mà không sửa sai, thì cũng không phải là khiêm nhường.

Nếu không nắm vững ý nghĩa của khiêm nhường, chúng ta dễ có khuynh hướng đồng hóa khiêm nhường với nhu nhược, nhút nhát.

Các thánh nhân nói: «Nhân đức thì đứng giữa» (virtus in medio stat). Nhưng quả thật, khó mà đứng ngay chính giữa, chỉ có thể đứng ở khoảng giữa giữa thôi! Nếu đứng được ngay giữa thì đã là thánh rồi. Vả lại, hai đầu mà luôn luôn thay đổi – vì tình huống luôn luôn đổi thay – thì điểm giữa cũng luôn luôn thay đổi. Nên đứng giữa được thì chỉ có Thiên Chúa! Khiêm nhường cũng chính là chấp nhận giới hạn của mình, nhận chân rằng mình chỉ làm được như thế, tuy nhiên, vẫn phải cố gắng tiến về giữa được chừng nào tốt chừng nấy. Còn đứng hẳn qua một bên thì chắc chắn không phải là nhân đức rồi.

Tóm lại, cầu nguyện phải đi đôi với hành động, khiêm nhường phải đi đôi với tôn trọng thực tế hay sự thật.



Cầu nguyện và hành động trong ba chức năng của người Kitô hữu


Ba chức vụ mà người Kitô hữu đã lãnh nhận từ Chúa Kitô là vua, tư tế, ngôn sứ, được thể hiện thành ba chức năng căn bản của người Kitô hữu là làm chủ, làm lễ và làm chứng. Thực hiện ba chức năng căn bản ấy chính là thực hiện tinh thần cầu nguyện và hành động. 

Chức năng làm lễ (tương ứng với chức tư tế) đòi hỏi ta phải liên kết mật thiết với Thiên Chúa và với Chúa Kitô, nguồn sức mạnh, để nhờ đó thực hiện hai chức năng kia, là làm chủ (tương ứng với chức vua), và làm chứng (tương ứng với chức ngôn sứ). Nếu chúng ta chỉ chú trọng tới chức năng làm lễ, mà coi nhẹ hai chức năng kia, thì đời sống Kitô hữu của chúng ta hết sức què quặt. Chúa Kitô không chỉ làm lễ, mặc dù cả cuộc đời Ngài là một thánh lễ, nhưng thánh lễ cuộc đời Ngài được đan kết bằng những hành động làm chủlàm chứng.

Người Kitô hữu cần làm chủ bản thân, gia đình, xã hội, đất nước và Giáo Hội. Để làm chủ bản thân, con người luôn luôn phải chiến đấu với chính mình. Nếu cứ chiều theo ý muốn của mình cả trong những điều sai quấy, con người sẽ trở thành nô lệ cho chính mình. Muốn làm chủ các tập thể mà mình đang là thành viên, con người không thể không hành động hay chiến đấu mà làm chủ được. Quyền làm chủ không ai chịu cho mình một cách nhưng không, nên mình không thể ngửa tay xin người khác bố thí cho mình quyền đó, mà mình phải hành động và chiến đấu mới có được.

Người Kitô hữu cũng còn phải làm ngôn sứ, hay làm chứng cho sự thật, cho công lý, cho tình yêu, là những biểu hiện của chính Thiên Chúa hay Đức Kitô. Làm chứng như thế giữa một thế giới thích gian dối, trong một xã hội đầy bất công, trong một môi trường tàn ác, lắm thù hận không phải là chuyện dễ làm. Làm chứng đòi hỏi phải có can đảm, phải làm chủ được bản thân, phải thắng được tính sợ hãi, sợ khổ, sợ chết. 

Như vậy, khi thực hành chức năng làm chủ, làm ngôn sứ, nghĩa là khi dám tranh đấu với những cái xấu trong bản thân, trong tập thể của mình, khi can đảm làm chứng cho chân lý, cho công lý trong môi trường sống của mình, người Kitô hữu đã «làm lễ» một cách đúng nghĩa nhất, vì đã sẵn sàng biến mình trở nên của lễ toàn thiêu, chịu sát tế trước những đòi hỏi của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nếu «làm lễ» mà chúng ta lại chẳng muốn mất mát hay thiệt thòi điều gì, chẳng muốn chấp nhận một đau khổ nào cho Thiên Chúa và tha nhân, thì chắc chắn đó chỉ là «làm lễ» một cách hình thức, ngoài vỏ, chứ không có nội dung hay thực chất.

Như thế, khi sống ba chức năng làm chủ, làm lễ, và làm chứng, người Kitô hữu đã sống một cách hài hòa tinh thần cầu nguyện và hành động (ora et labora). Mọi người Kitô hữu, nhất là giáo dân sống giữa đời, được kêu gọi cầu nguyện bằng hành động, và hành động trong cầu nguyện. Hai thực thể ấy không bao giờ nên tách rời nhau trong đời sống Kitô hữu, đúng như chủ trương của Đức Gioan-Phaolô II trong tông huấn Giáo Hội tại Châu Á là «hoạt động trong chiêm niệm và chiêm niệm trong hoạt động» (contemplative action and active contemplation) (xem số 23§1).





Nguyễn Chính Kết

____________________
Chú thích:

(1) Phần này tôi viết theo sự bổ túc của Giáo sư NGUYỄN VĂN THÀNH ở Lausanne, Thụy Sĩ, mà tôi cho là rất hay và ý nghĩa.

(2) Nguyên văn lời chuyển nghĩa của Giáo sư Nguyễn Văn Thành.



Để biết về Giáo sư Nguyễn Văn Thành, xin đọc:
http://ttntt.free.fr/archive/VINHBIETTHANH.html
https://vietbao.com/a121694/giao-su-fx-nguyen-van-thanh-da-tu-tran-tai-thuy-si
Share:

Lễ Các Thánh ● Nên thánh hay không, tùy thuộc vào thái độ của ta đối với «cái tôi» của mình




CHIA SẺ TIN MỪNG

Lễ Các Thánh

(1-11-2017)


Nên thánh hay không,
tùy thuộc vào thái độ của ta
đối với «cái tôi» của mình




ĐỌC LỜI CHÚA

  Kh 7,2-4.9-14: (9) Tôi thấy : kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. (10) Họ lớn tiếng tung hô : «Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta».

  1Ga 3,1-3: (2) Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

  TIN MỪNG: Mt 5,1-12a

Tám mối Phúc

(1) Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng : (3) «Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. (7) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. (8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (9) Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. (11) Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.




CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có ý thức rằng chính bạn được Thiên Chúa mời gọi nên thánh, nghĩa là sống đúng với phẩm giá của mình là con cái Thiên Chúa, sống trung thực với bản chất của mình là hình ảnh của Thiên Chúa không? 
2. So sánh ơn gọi nên thánh của mỗi người Kitô hữu với ơn gọi làm linh mục, tu sĩ, ơn gọi nào quan trọng hơn, cao cả hơn, cần thiết hơn? Cái nào là phương tiện để phục vụ cái nào? 
3. Có phải việc nên thánh hệ tại việc giữ cho đúng những tập tục tôn giáo cổ truyền không (đọc kinh sớm tối, ngày Chúa Nhật phải tham dự thánh lễ, v.v…)? Hay điều cốt yếu để nên thánh nằm ở chỗ khác? chỗ khác đó là chỗ nào?

Suy tư gợi ý:

1. Ơn gọi lớn nhất của con người: nên thánh

Thông thường, khi nói về ơn gọi, người ta nghĩ ngay tới ơn gọi làm linh mục, ơn gọi làm tu sĩ. Và tới thế kỷ 20, giáo dân cũng bắt đầu được coi là một ơn gọi: ơn gọi giáo dân. Nhưng cho tới nay, một chủng sinh hay tu sĩ mà bỏ tu ra làm giáo dân, thì nhiều người – kể cả linh mục, giám mục, hay những nhà trí thức trong Giáo Hội – nói rằng người đó «mất ơn gọi». Người ta làm như thể chỉ có linh mục, giám mục, tu sĩ là có ơn gọi, và họ coi ơn gọi của những vị ấy hết sức cao cả. Còn giáo dân thì chẳng sợ bị mất ơn gọi, vì giáo dân có ơn gọi đâu mà mất! Thật ra người ta quên rằng bất cứ Kitô hữu nào cũng có một ơn gọi rất cao cả là nên thánh.

Sau Công Đồng Vatican II, quan niệm trên đã trở nên lỗi thời. Hiện nay Giáo Hội quan niệm rằng ơn gọi lớn nhất, cao cả nhất của mọi Kitô hữu là nên thánh, như Đức Giêsu từng mời gọi: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Công Đồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: «Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người» (GH 11§3). 



2. Không hẳn cứ phải làm linh mục / tu sĩ mới nên thánh được

Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người, dù là giáo dân, linh mục, giám mục, hay giáo hoàng, và là ơn gọi cao cả nhất. Tất cả mọi người – chứ không phải chỉ các linh mục và tu sĩ – đều được kêu gọi nên thánh. Cũng không phải tất cả mọi người đều được kêu gọi làm tu sĩ, linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng. Đó chỉ là những con đường nên thánh cá biệt, chứ không phổ quát. Làm tu sĩ, linh mục, giám mục… thiết tưởng là việc tương đối dễ và không hẳn là cần thiết hay quan trọng lắm, làm thánh mới là khó và cần thiết hay quan trọng hơn rất nhiều.

Đối với mỗi cá nhân Kitô hữu, ơn gọi nên thánh quan trọng hơn rất nhiều so với ơn gọi làm các chức vụ trong Giáo Hội, cho dù cao đến đâu! Vì thử hỏi: làm linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng, dù có hiển hách lẫy lừng đến đâu, nếu bản thân không nên thánh thì có ích lợi gì? Tương tự như «được cả trần gian mà mất linh hồn thì được ích gì?» (Mt 16,26). Tóm lại, để làm thánh thì không nhất thiết là phải làm linh mục hay tu sĩ; và không phải hễ là linh mục hay tu sĩ thì tất nhiên là thánh.

Trong Giáo Hội hiện nay, vẫn còn có những quan niệm sai lầm, nhưng rất phổ biến, nhất là tại Việt Nam, là làm như ơn gọi làm linh mục, giám mục… thì cao trọng hoặc quí trọng hơn ơn gọi nên thánh phổ quát của mọi Kitô hữu! Thiết tưởng, dưới con mắt của Thiên Chúa, một vị thánh – cho dù là giáo dân, dù là một người có địa vị thật thấp kém trong xã hội – vẫn luôn luôn cao cả và giá trị hơn một linh mục, giám mục, hay giáo hoàng mà không thánh, thậm chí giá trị hơn hàng triệu lần! Nhưng người ta vẫn thích nhìn bằng con mắt của người đời hơn bằng con mắt của Thiên Chúa! Sở dĩ có quan niệm này là vì đã một thời Giáo Hội có khuynh hướng thượng tôn các chức thánh, chẳng hạn coi chức linh mục còn cao trọng hơn cả chức vị các thiên thần… (xem cuốn Tôi muốn làm linh mục, xuất bản trước 1975).

Để chỉnh lại quan niệm này, cần tự hỏi và xác định: Thiên Chúa muốn ta nên thánh hay muốn ta làm tu sĩ, linh mục, giám mục…? Nên thánh, và nên linh mục, giám mục… cái nào cần thiết cho chúng ta hơn? Cần phải quan niệm cho đúng: quan niệm có đúng thì hành xử mới đúng được!



3. Làm tông đồ, không nhất thiết cứ phải là linh mục hay tu sĩ

Cũng vậy, qua bí tích Rửa tội và Thêm sức, Thiên Chúa kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu làm tông đồ, hoạt động cho Nước của Thiên Chúa. Để làm tông đồ, người ta có thể làm giáo dân, hay đặc biệt hơn, làm tu sĩ, linh mục, giám mục hay giáo hoàng, nhưng rõ ràng là không phải cứ làm linh mục, giám mục hay giáo hoàng thì người ta mới trở nên tông đồ đích thực. Nhiều linh mục, giám mục, giáo hoàng không phải là tông đồ đúng với nghĩa của từ ấy. Trái lại, người ta có thể là vừa giáo dân mà cũng vừa là tông đồ đích thực của Chúa! Vấn đề cần phải đặt lại nghiêm chỉnh là: Giáo Hội cần những tông đồ đích thực hơn là cần những linh mục, giám mục hay giáo hoàng mà không phải là tông đồ thật sự! Các chủng viện, tu viện, cần đào tạo nên những tông đồ, những vị thánh, hơn là chỉ bằng lòng với việc tạo nên những linh mục, tu sĩ mà thôi! Linh mục, tu sĩ hay bất kỳ ai mang danh làm tông đồ mà không thánh thiện, thì cũng chỉ như muối mà không mặn, đèn mà không sáng thôi! (x. Mt 5,13-16).



4. «Tám mối phúc»: bí quyết để nên thánh

Hôm nay, khi mừng kính lễ các Thánh, Giáo Hội muốn nhắc lại ý thức căn bản này, là tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh, và một khi ý thức được lời mời gọi ấy, thì ai cũng có thể nên thánh được. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta bí quyết để nên thánh. Điều rất đáng tiếc là bí quyết này, nhiều người Kitô hữu không thèm biết tới, không thèm quan tâm suy niệm để thực hiện, mà chỉ quan tâm thực hiện những tập tục tôn giáo được truyền từ đời cha ông đến đời con cháu. Những tập tục ấy rất tốt, rất nên bảo tồn, nhưng đó không phải là điều cốt yếu để nên thánh. Giữ những tập tục ấy thật hoàn hảo, tốt đẹp, mà không sống tinh thần «tám mối phúc» của bài Tin Mừng hôm nay thì việc nên thánh sẽ chẳng đi đến đâu! Rốt cuộc cũng chỉ là «công dã tràng»!

Cả 8 mối phúc đều xây dựng trên nền tảng căn bản này: tinh thần tự hủy hay từ bỏ mình của Đức Kitô. Tinh thần tự hủy hay từ bỏ mình là tinh thần coi nhẹ «cái tôi» và những «cái của tôi» trước Thiên Chúa và tha nhân: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» hay «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30). Có coi nhẹ «cái tôi» của mình thì mới có thể yêu thương đích thực và mới dễ dàng thể hiện tình yêu thương ấy ra hành động. Một khi «cái tôi» đã được coi nhẹ, thì «tám mối phúc» cũng như việc bác ái yêu thương trở nên rất dễ thực hiện. Trái lại, còn đặt nặng «cái tôi» thì những việc tốt đẹp ấy trở nên rất khó khăn.

Kinh nghiệm trong đời sống tâm linh của tôi là: mọi thánh giá ta phải vác hằng ngày dù nhẹ đến đâu cũng đều trở nên nặng nề khi «cái tôi» của ta đã bị chính ta coi nặng. Tôi thấy câu «tâm không thông, vác bình không cũng nặng» rất đúng! Mà «tâm không thông» chính là tâm trạng coi «cái tôi» của mình quá nặng. Ngược lại, mọi thánh giá, dù nặng đến đâu, cũng đều trở nên nhẹ nhõm khi «cái tôi» của ta được chính ta coi nhẹ. Coi nhẹ «cái tôi» của mình giúp ta trở nên sáng suốt, thông đạt, lạc quan, khách quan, mạnh mẽ, hạnh phúc, vui tươi, nhẹ nhõm… Còn đặt nặng «cái tôi» của mình khiến ta trở nên u tối, bi quan, chủ quan, yếu đuối, buồn bã, nặng nề hơn.

Tình cờ tiếng Việt trở thành sâu sắc khi gọi ngôi thứ nhất là «tôi», vì «tôi» (không dấu) có nghĩa là tôi tớ, người phục vụ.  Khi nào ta đặt nhẹ «cái tôi» để có thể trở nên như tôi tớ, để phục vụ tha nhân, thì ta sống đúng với ý nghĩa của «cái tôi», lúc đó ta trở nên đúng đắn, sáng suốt.  Khi ta ý thức quá sâu sắc về «cái tôi» của mình, thì «cái tôi» trở thành «tôi sắc tối», nghĩa là u mê, tối tăm.  Khi để cho «cái tôi» của mình lười biếng, ươn hèn, ủy mị, chiều chuộng (tượng trưng bằng dấu huyền) «cái tôi» mình quá, «cái tôi» trở thành «tôi huyền tồi», nghĩa là tồi tệ.  Và khi đặt nặng «cái tôi» của mình quá, thì «cái tôi» trở thành «tôi nặng tội», nghĩa là tội lỗi, xấu xa. 

Có thể nói bí quyết để nên thánh một phần rất lớn nằm ngay trong thái độ coi nhẹ của ta đối với chính «cái tôi» của ta. Thái độ ấy chính là tinh thần tự hủy hay từ bỏ mà Tin Mừng luôn đề cao.




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha ban cho con một «cái tôi» thật là kỳ diệu. Con càng coi nó là nhỏ, là nhẹ, thì giá trị của nó trước mặt Cha càng lớn, càng nặng. Trái lại, con càng coi nó là lớn, là nặng, thì giá trị của nó trước mặt Cha càng nhỏ, càng nhẹ. Xin cho con ý thức được rằng ngoài ân sủng của Cha ra, việc nên thánh của con trở nên dễ dàng hay khó khăn tùy thuộc rất nhiều vào thái độ của con đối với chính «cái tôi» của con. Xin cho con biết coi nhẹ «cái tôi» của mình, để trở nên ngày một thánh thiện hơn.

Nguyễn Chính Kết



Share:

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

TN30b - Yêu Thiên Chúa bằng cách yêu đồng loại là cách yêu đúng ý Ngài nhất




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 30 Thường Niên

(29-10-2017)

Bài đào sâu

Yêu Thiên Chúa bằng cách yêu đồng loại
là cách yêu đúng ý Ngài nhất




  TIN MỪNG: Mt 22,34-40

Điều răn trọng nhất



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:
1. Theo tinh thần của Đức Giêsu, thì trong hai điều răn quan trọng nhất ấy, điều răn nào quan trọng hơn? Phải ưu tiên sống điều răn nào?  
2. Tại sao thánh Phaolô tóm toàn bộ lề luật vào một điều răn duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8)? Ngài bỏ điều răn yêu Chúa sao?  
3. Nếu bạn là một người cha đông con, đồng thời là người cha tốt lành không chút vị kỷ, bạn muốn con cái yêu thương mình bằng cách nào? 


Suy tư gợi ý:

1. Hai điều răn trọng nhất của Do Thái giáo và Kitô giáo

Người khôn ngoan thì trong mọi lãnh vực luôn luôn phân biệt điều chính và điều phụ, điều cốt lõi và điều «bì phu», điều cần thiết và điều ích lợi, điều quan trọng và điều không quan trọng. Phân biệt như thế không phải để chỉ làm điều chính và bỏ điều phụ, mà để khi không thể làm được cả hai, thì phải ưu tiên cho điều chính. Vì điều chính là yếu tố quyết định thành công, không thực hiện nó thì chắc chắn sẽ thất bại. Còn điều phụ, nếu làm được thì rất tốt, rất ích lợi, có thể làm cho sự thành công rực rỡ hơn, nhưng không làm được thì cũng vẫn có thể thành công. 

Trong việc giữ đạo và nên thánh, chúng ta cũng cần biết điều nào là cốt tủy, là quan trọng nhất; nếu không giữ điều này thì coi như chưa phải là giữ đạo, và không thể nên thánh, cho dù có giữ những điều phụ thuộc một cách thật hoàn hảo. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, giữa biết bao giới răn, thì giới răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Đó là cốt tủy của lề luật: «Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy» (Mt 22,40). 

Nếu giữ đạo mà không phân biệt điều nào chính điều nào phụ, thì chúng ta dễ giữ đạo theo «kiểu Pharisêu» đã bị Đức Giêsu tố cáo: «Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23); «Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà» (23,24). Hướng dẫn người khác giữ đạo và nên thánh mà không phân biệt chính phụ, thì dễ trở thành «những kẻ dẫn đường mù quáng» (23,16). Do đó, bài Tin Mừng hôm nay có tầm quan trọng đặc biệt cho mọi Kitô hữu muốn giữ đạo và nên thánh. 



2. Hai điều răn tóm lại thành một điều răn: «yêu thương» 

Cũng trong chiều hướng tìm cái chính yếu, ta có thể tiếp tục đặt vấn đề: trong hai điều răn ấy, điều răn nào quan trọng, chính yếu hơn? 

Phải nói đây là hai giới răn rất đặc biệt, có vẻ là hai giới răn khác nhau, nhưng thật ra chỉ là hai cách diễn tả khác nhau của một giới răn duy nhất. Cả hai giới răn chỉ có một động từ duy nhất là «yêu», đối tượng của động từ «yêu» này có vẻ là hai đối tượng khác biệt nhau: tuy có thể phân biệt rõ rệt trên lý thuyết, nhưng trên thực tế và thực hành thì dường như không thể phân biệt, và không nên phân biệt. Vì thế, hai điều răn ấy «tuy hai mà một», tương tự như hai trang của cùng một tờ giấy: tuy là hai mặt khác nhau, nhưng chỉ là một tờ giấy duy nhất.

Thật vậy, rất nhiều lời trong Thánh Kinh cố tình đồng hóa Thiên Chúa với tha-nhân-của-chúng-ta. Cụ thể nhất là trong đoạn nói về cuộc phán xét cuối cùng (x. Mt 25,31-46), Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân, đặc biệt với những người đau khổ, nhỏ bé, bị khinh thường, áp bức: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta» (Mt 25,40), và «mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta» (Mt 25,45). 

Tại sao thế? Vì con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26-27; 9,6). Có ai yêu một người mà lại không yêu bức ảnh của người ấy không, nhất là khi không thấy người mình yêu ở bên cạnh? Ta thấy những cặp tình nhân, khi không có mặt nhau, thường hôn lên ảnh của nhau. Hơn thế nữa, con người là con cái của Thiên Chúa: ngay khi được tạo dựng, con người đã được Thiên Chúa yêu thương và nâng lên hàng con cái Ngài (x. Kn 5,5; Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,16). Và Ngài yêu quí con người đến mức, sau khi họ sa ngã, Ngài đã cho Con Độc Nhất của Ngài xuống trần, chịu đau khổ và chết để cứu chuộc họ (x. Ga 13,1; Rm 5,6-8; 14,15b; 1Cr 15,3; 2Cr 5,15; 1Tx 5,10; 1Pr 3,18). Do đó, ai yêu Thiên Chúa, tất nhiên cũng phải yêu con cái của Ngài, những người mà Ngài hết mực yêu thương. Thánh Gioan viết: «Ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra» (1Ga 5,1). 

Như vậy, tha nhân bên cạnh và chung quanh chúng ta chính là hiện thân cụ thể và gần gũi chúng ta nhất của chính Thiên Chúa. Vì thế, yêu những người ấy là yêu chính Thiên Chúa, và không yêu họ chính là không yêu Ngài. Người Kitô hữu có đức tin đích thực phải nhìn thấy chính Thiên Chúa ở nơi những người mình gặp hằng ngày, và yêu Ngài ở nơi họ. Không thể yêu Ngài ở nơi một ai khác chính đáng hơn nơi tha nhân. Chính vì thế, thánh Gioan mới nói: «Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). Do đó, «ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình» (4,21). 

Quả thật, không phải là phi lý mà thánh Phaolô và Giacôbê đã tóm lại toàn bộ lề luật không còn vào hai giới răn, mà vào một giới răn duy nhất: «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2); «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8); «Các điều răn đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (…) Yêu thương là chu toàn Lề Luật» (Rm 13,9-10); «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”» (Gc 2,8). 

Không những ta phải yêu thương những người chung quanh mình, hy sinh cho họ, mà còn phải làm sao để họ cũng sống yêu thương và thúc đẩy nhau sống yêu thương nữa: «Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt» (Dt 10,24). 



3. Thực hiện việc yêu Thiên Chúa bằng việc yêu tha nhân

Để dễ hiểu những điều trên, ta hãy xét trường hợp của một người cha rất giàu có, rất khỏe mạnh, không thiếu thứ gì, cũng không cần thứ gì cả. Người cha ấy có một đàn con đông đảo, nhưng vì lỗi của chúng nên chúng trở nên nghèo nàn, đau khổ, thiếu thốn. Nguyên nhân gây nên tình trạng đau khổ ấy là chúng không biết yêu thương. Người cha ấy đã tìm đủ cách để đàn con hạnh phúc hơn, bằng cách giáo dục để chúng có nhiều tình thương hơn, vì một khi chúng biết yêu thương thì tất nhiên và tự nhiên hạnh phúc sẽ đến với chúng. Thử hỏi người cha ấy mong mỏi gì nơi đàn con? Chắc chắn là mong chúng yêu thương nhau (x. Ga 13,34-35).

Có một đứa con kia mong cha ban cho mình của này vật nọ, nên chỉ biết nghĩ đến cha, mong hầu hạ cha, lo cho cha từng chút, đang khi cha đã quá đầy đủ, chẳng cần ai lo cho mình một thứ gì. Ngược lại, đối với những anh em ruột thịt bên cạnh mình đang đau khổ và thiếu thốn, đang cần được chăm nom săn sóc, thì người ấy chẳng thèm đoái hoài đến. Thử hỏi người cha ấy có hài lòng về cách xử sự của người con ấy không? Cách xử sự như thế có hợp lý không? Nếu ta là người cha ấy, ta sẽ nghĩ gì về đứa con ấy, ta muốn nó xử sự thế nào? 

Nếu ta là người cha ấy, chắc chắn điều ta mong mỏi nhất là thấy con cái mình yêu thương nhau, lo cho nhau, hy sinh cho nhau, và hễ chúng làm được điều ấy, thì ta sẽ hài lòng vô cùng, vì tình thương của chúng đối với nhau sẽ làm cho chúng hạnh phúc, là điều ta mong muốn nhất. Ta nghĩ rằng chính những đứa biết yêu thương anh em mình một cách vô vị lợi mới là những đứa con hiếu thảo, vì chúng có tình thương đích thực. Vì nếu anh em chúng nghèo khó và khó thương mà chúng còn thương được, ắt chúng phải thương yêu cha chúng hơn nhiều. Còn những đứa chỉ nghĩ tới cha mình giàu có, nên lo chăm chút cho cha đang khi cha chẳng cần điều đó, mà chẳng hề nghĩ đến anh em mình, thì tình thương của chúng đối với cha rất đáng nghi ngờ. Có thể chúng chỉ yêu bản thân chúng mà thôi, còn việc chúng chăm chút đến cha có thể chỉ là một chiến thuật cầu lợi theo sự khôn ngoan ích kỷ của chúng.

Minh họa trên cho thấy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa bằng cách nào. Có thể nói điều răn quan trọng nhất chính là «yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn» (Mt 22,37; x. Đnl 6,5; 10,12). Nhưng phải thể hiện tình yêu ấy thế nào cho phù hợp với ý của Thiên Chúa? Qua giáo huấn của Đức Giêsu, ta thấy cách tốt nhất để thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa chính là thực hiện điều răn thứ hai: «yêu người thân cận như chính mình» (Mt 22,39; x. Lv 19,18). 

Đức Giêsu đã làm gương về điều ấy. Ngài chết trên thập giá vì yêu thương con người, đồng loại của Ngài (với tư cách Ngài là một con người), nhưng cái chết ấy chính là lễ hy sinh để thờ phượng Thiên Chúa được Thiên Chúa đánh giá cao nhất. Vậy cách thờ phượng Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa tốt nhất chính là yêu thương những người người chung quanh mình, những người mình gặp hằng ngày, và hy sinh bản thân mình cho họ.



CẦU NGUYỆN

Tôi nghe Thiên Chúa nói với tôi: «Cha là Thiên Chúa, Cha không cần và không thiếu một thứ gì. Vậy thì con yêu Cha cách nào đây? Nếu con muốn yêu Cha cách thực tế, con hãy yêu Cha nơi những người sống chung quanh con, họ chính là hiện thân của Cha ở bên cạnh con. Con yêu họ, chính là con yêu Cha, và đó là cách tốt nhất để con tỏ lòng hiếu thảo đối với Cha».  



Share: