Suy nghĩ về luyện ngục và đau khổ
1. Niềm tin của người Công giáo về luyện ngục
Hôm nay và suốt tháng 11 này, người Công giáo chúng ta đặc biệt quan tâm cầu nguyện cho những người quá cố. Chúng ta thường nghĩ họ đang phải chịu thanh luyện bằng đau khổ để trở nên hoàn hảo. Sự thanh luyện đó được Giáo Hội định tín: «Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là “Thanh Luyện”» (DS* 856/464).
*(DS là viết tắt của tên bộ sách "Denzinger-Schönmetzer Enchiridion", là bộ sách tóm tắt tất cả các văn bản cơ bản về giáo điều và đạo đức Công giáo kể từ thời các tông đồ. Bộ sách này được thực hiện theo ý muốn của Đức Giáo Hoàng Piô IX, được Denzinger thu thập, biên tập, và được Schönmetzer biên soạn lại và sửa đổi về số. Chữ "Enchiridion" có nghĩa là "sổ tay". Có thể nói đây là bộ sách tóm tắt về đức tin của Giáo Hội Công giáo. Bộ sách này bắt đầu được sử dụng từ năm 1854, thường được dùng để tra cứu những tín điều và những văn bản quan trọng của Giáo Hội. Khi trưng dẫn, người ta thường viết DS cùng hai con số: một số của ấn bản cũ và một số của ấn bản mới. Ấn bản mới có tựa là "Enchiridion Symbolorum")
Mục đích của việc thanh luyện là làm cho linh hồn trở nên hoàn hảo, hoàn toàn vị tha, đầy tình thương, không còn một chút tâm địa ích kỷ, độc ác, tham lam nào nữa. Thiên Đàng đòi hỏi một sự hoàn hảo như thế thật là hợp lý, vì đó là một «nơi»* hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn thánh thiện, là «nơi» chúng ta sẽ trở về để hưởng hạnh phúc muôn đời.
* (Gọi là «nơi» thì chỉ là tạm gọi, vì thật ra, Thiên Đàng, luyện ngục hay hỏa ngục không phải là nơi chốn, là không gian vật lý cho bằng là những tình trạng tâm linh hoặc tâm lý. Chẳng hạn: Thiên Đàng là tình trạng tâm linh hoàn toàn hạnh phúc, không còn một chút đau khổ, của những tâm hồn hoàn hảo, thánh thiện. Còn Hỏa Ngục là tình trạng tâm linh hết sức đau khổ của những tâm hồn độc ác, xấu xa, ích kỷ...)
2. Thiên Đàng đòi hỏi người trong đó phải thật hoàn thiện
Không cần phải xét về phía Thiên Chúa, mà ngay chính chúng ta cũng đòi hỏi rằng: để vào Thiên Đàng thì phải thật trọn hảo. Thật vậy, thử hỏi, khi trở về «nơi» lý tưởng đó để hưởng hạnh phúc, ta có thể hoàn toàn hạnh phúc khi phải sống chung với những thân nhân, bạn bè vẫn còn những tính nết xấu như họ đang có bây giờ không? Nếu người ở Thiên Đàng mà còn ích kỷ, còn ác ý, còn lãnh đạm, còn hẹp hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù chỉ một chút xíu, thì chính bản thân họ sẽ đau khổ, đồng thời còn gây nên đau khổ cho người khác nữa. Chưa hoàn hảo mà đã sống ở Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền của Thiên Đàng, và biến Thiên Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng nữa. Do đó, Thiên Đàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn trong sạch, tốt lành, nếu còn chút gì xấu xa thì phải thanh luyện cho hết. Tình trạng thanh luyện ấy được gọi là «Luyện Ngục».
3. Tội lỗi hay tính vị kỷ là đầu mối gây đau khổ
Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải đau khổ. Việc Ngài sai Con Một mình xuống chịu chết một cách thảm thương để cứu nhân loại chứng tỏ điều ấy. Nhưng Ngài không thể trực tiếp cứu chúng ta khỏi đau khổ, mà chỉ có thể cứu chúng ta khỏi những nguyên nhân gây nên đau khổ là tội lỗi. Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan viết: «Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta» (Kh 1,5). Đau khổ chỉ là ngọn, còn tội lỗi mới là gốc.
Muốn tránh khổ thì phải tránh tội lỗi. Diệt khổ thì chỉ là diệt ngọn, khổ vẫn có thể tiếp tục phát sinh. Diệt tội lỗi mới là diệt khổ tận gốc. Nhưng con người vì còn u mê nên thường sợ khổ chứ không sợ nguồn gốc phát sinh ra đau khổ là tội lỗi, là tính ích kỷ. Họ vẫn cứ tiếp tục phạm tội, sống ích kỷ. Vì thế, dù tìm đủ mọi cách để tránh khổ, con người vẫn cứ rơi vào đau khổ, hết khổ này đến khổ khác. Trong việc cứu khổ cho người khác, cho các linh hồn được thanh luyện, con người cũng chỉ nghĩ tới việc cứu họ khỏi đau khổ, chứ không nghĩ tới việc cứu họ khỏi những nguyên nhân gây đau khổ.
Nguồn gốc của tội lỗi chính là tính ích kỷ. Ích kỷ là chỉ biết nghĩ tới đau khổ và hạnh phúc của mình chứ không quan tâm hay biết đến đau khổ và hạnh phúc của người khác. Vì thế, nguyên nhân sâu xa hơn của đau khổ chính là tính ích kỷ.
4. Tình yêu hóa giải đau khổ và đem lại hạnh phúc
Nếu ích kỷ là nguồn gốc phát sinh đau khổ, thì ngược lại, tính vị tha hay tình yêu chính là nguồn tạo nên hạnh phúc. Do đó, người ta chỉ có thể vào được Thiên Đàng khi họ có đầy tràn tình yêu và không còn chút tính ích kỷ nào nữa. Nắm vững điều này, ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa câu nói Đức Giêsu, khi có người – vốn đã giữ rất chu đáo các lề luật – hỏi Ngài về cách đạt được sự sống đời đời: «Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mc 10,21). Điều đó có nghĩa là phải biết yêu thương và thật sự thể hiện tình yêu ấy thì mới được sự sống đời đời, tức được hạnh phúc đích thực. Kho tàng ở trên trời mà mọi người muốn lên đó phải sắm cho mình chính là kho tàng tình yêu.
Người trộm lành cùng chịu đóng đinh cạnh Đức Giêsu đã thể hiện được tinh thần vị tha và tình yêu ấy. Trong cảnh khổ như thế mà anh không hề nghĩ tới đau khổ của bản thân mình, mà chỉ nghĩ tới đau khổ của Đức Giêsu, thương cho Ngài bị hàm oan: «Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!» (Lc 23,41). Chính vì thế, anh đã được Đức Giêsu nói: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (Lc 23,43). Người trộm lành tuy đầy tội lỗi, nhưng cuối cùng anh đã phát tâm yêu thương, và tình yêu đã biến anh thành người tốt lành, xứng đáng với hạnh phúc Thiên Đàng. Đúng như câu nói của thánh Phaolô: «Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi» (1Pr 4,8).
Người trộm lành cùng chịu đóng đinh cạnh Đức Giêsu đã thể hiện được tinh thần vị tha và tình yêu ấy. Trong cảnh khổ như thế mà anh không hề nghĩ tới đau khổ của bản thân mình, mà chỉ nghĩ tới đau khổ của Đức Giêsu, thương cho Ngài bị hàm oan: «Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!» (Lc 23,41). Chính vì thế, anh đã được Đức Giêsu nói: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (Lc 23,43). Người trộm lành tuy đầy tội lỗi, nhưng cuối cùng anh đã phát tâm yêu thương, và tình yêu đã biến anh thành người tốt lành, xứng đáng với hạnh phúc Thiên Đàng. Đúng như câu nói của thánh Phaolô: «Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi» (1Pr 4,8).
5. Chấp nhận đau khổ vì tình yêu là bí quyết của hạnh phúc
Câu chuyện về người trộm lành trên làm tôi nghĩ đến một câu chuyện của Đức Phật. Trong một tiền kiếp nọ của ngài, ngài đã phạm một trọng tội khiến ngài bị đọa vào địa ngục. Tại đó, ngài cùng nhiều người khác bị đau khổ ghê gớm. Khi nhìn thấy những người trong đó đang quằn quại với những cực hình vô cùng đau đớn như mình, ngài thương họ vô cùng. Tình thương ấy khiến ngài phát tâm nguyện rằng: Tôi nguyện sẵn sàng chịu thay cho mọi người trong địa ngục này tất cả những đau khổ mà họ đang phải chịu, để họ thoát khỏi những cực hình ghê gớm này! Vừa nguyện như thế xong thì lập tức ngài tự nhiên thoát khỏi cảnh đau khổ ấy. Còn những người kia thì vẫn tiếp tục ở lại đấy chịu đau khổ.
Tôi chỉ coi chuyện trên như một dụ ngôn. Tuy không có thực, nhưng nó nói lên một chân lý mà chính tôi đã thực nghiệm thấy rất đúng. Khi tôi chỉ quan tâm chú ý tới những đau khổ tôi đang phải chịu, thì tôi thấy đau khổ ấy – một cách chủ quan – tăng lên gấp bội. Nhưng khi tôi quan tâm tới những đau khổ của người khác đang phải chịu, khi tôi muốn làm giảm bớt đau khổ cho họ, khi tôi chấp nhận chịu đau khổ thay cho họ, hay sẵn sàng chịu khổ nhiều hơn nữa để họ bớt khổ hay để họ được hạnh phúc, thì lập tức tôi cảm thấy tâm hồn mình mạnh mẽ lên. Lúc ấy những đau khổ tôi đang chịu – tuy dù một cách khách quan không hề thay đổi, mà có thể còn tăng lên – bỗng nhiên mất đi tính dữ dội hay thảm khốc của chúng đối với tôi. Chúng không còn làm tôi đau khổ được như trước.
Áp dụng kinh nghiệm này vào đời sống gia đình, tôi nhận thấy: khi tôi sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả, mọi đau khổ, mọi buồn phiền để làm những người thân yêu của tôi bớt khổ và được hạnh phúc, thì điều lạ lùng tôi cảm nghiệm được là tôi không hề đau khổ mà lại thấy hạnh phúc hơn. Tôi hạnh phúc hơn vì tôi thấy nhờ hành động ấy của tôi mà những người tôi yêu thương được hạnh phúc hơn. Điều làm họ hạnh phúc nhất là thấy tôi yêu thương họ, hết mình với họ. Và chính vì thế, họ cũng chẳng để tôi phải vất vả hay chịu đau khổ thay cho họ, ngược lại họ lại sẵn sàng chịu đau khổ thay cho tôi. Và thế là cả gia đình tôi – trong đó có tôi – đều cảm thấy hạnh phúc trong bầu khí đầm ấm yêu thương. Thế là chỉ vì tôi sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả, cực nhọc, đau khổ thay cho những người thân yêu, mà tôi biến gia đình tôi thành một gia đình hạnh phúc. So với nhiều người chủ gia đình khác, tôi thấy mình hạnh phúc hơn họ nhiều, xét cả mặt khách quan lẫn chủ quan.
Tôi nhận thấy: không phải khi mình sẵn sàng chịu đau khổ thay cho người khác thì tất nhiên mình sẽ phải chịu đau khổ nhiều hơn đâu! Mà ngược lại, thái độ quên mình ấy lại đem lại hạnh phúc cho cả tôi lẫn những người chung quanh tôi. Đó là kinh nghiệm của tôi trong gia đình. Và tôi đang áp dụng kinh nghiệm này ra ngoài gia đình, trong xã hội… và tôi vẫn thấy nó đúng. Xin chia sẻ với mọi người kinh nghiệm có thật này để may ra hữu ích cho ai đó!
Nguyễn Chính Kết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét