Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Cầu nguyện và hành động



Cầu nguyện và hành động




Trong đời sống Kitô hữu, việc cầu nguyện là việc không thể thiếu được. Có thể nói, người Kitô hữu nào không cầu nguyện, thì không phải là Kitô hữu đích thực. Cầu nguyện là kết hợp với Chúa, nguồn sức mạnh, nguồn hạnh phúc, nguồn ân sủng. Trong Tông thư Sứ vụ Đấng Cứu Thế, Đức Gioan-Phaolô II đã xác nhận: tương lai của Giáo Hội, của công cuộc truyền giáo, tùy thuộc phần lớn vào việc cầu nguyện hay chiêm niệm (xem số 91 : AAS 83 [1991], 338).

Nhưng, người cầu nguyện đích thực thì không thể chỉ cầu nguyện mà không hành động. Vì cầu nguyện là tiếp xúc với Thiên Chúa, nguồn sức mạnh và năng động, nên không thể nào khi tiếp xúc với Thiên Chúa đích thực mà con người lại không được Thiên Chúa biến đổi. Không thể nào một người tiếp xúc thật sự với Thiên Chúa, nguồn sức mạnh và năng động lại không được Thiên Chúa truyền sức mạnh cho, mà vẫn cứ ở trong tình trạng ù lì thụ động. Nếu thánh Giacôbê bảo: «Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,17.26), thì một cách tương tự, cầu nguyện mà không hành động thì không phải là cầu nguyện thật. Thánh Giacôbê còn nói: «Nhờ hành động mà con người được nên công chính chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi» (Gc 2,24). Ngài đưa ra một thí dụ cụ thể: «Giả như có người anh em hay chị em không có áo mặc che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no nhé!” mà lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?» (Gc 2,15-16). Cũng tương tự như thế đối với cầu nguyện và hành động.

Chính vì thế, trong tông huấn Giáo Hội tại Châu Á (Ecclesia in Asia), Đức Gioan-Phaolô II cũng nhấn mạnh đến tính cách song hành của cầu nguyện và hành động. Ngài viết: «Sứ mạng ấy là hoạt động trong chiêm niệm và chiêm niệm trong hoạt động» (Mission is contemplative action and active contemplation) (xem 23§1)

Thật vậy, cầu nguyện mà không có việc làm cụ thể, chúng ta dễ tưởng rằng mình đã làm xong bổn phận của người Kitô hữu, là đã yêu mến Thiên Chúa rồi, và cũng dễ bị cám dỗ nghĩ rằng mình đạo đức. Khi đọc kinh cáo mình đọc đầu thánh lễ, người ta thường nghĩ đến những hành động sai trái của mình, chứ ít nghĩ đến «những điều thiếu sót». Thiếu sót ở đây là những điều đáng lẽ mình phải làm mà đã không làm. Do đó, để quân bình hóa đời sống Kitô hữu, chúng ta cần cầu nguyện thật nhiều, mà cũng cần hành động thật sự theo như việc cầu nguyện đòi hỏi và soi sáng cho mình. Cầu nguyện và hành động phải tương xứng với nhau. Cầu nguyện để được Chúa soi sáng và có sức mà hành động. Và hành động để biến cầu nguyện thành hiện thực, thành ích lợi đích thực cho bản thân và mọi người. Cầu nguyện chỉ trở thành hiện thực và có giá trị khi đi đến hành động thật sự.


Tinh thần hành động trong «thánh lễ đời sống»


Sau thánh lễ, linh mục nói một câu ra lệnh (impératif), nguyên văn Latinh là: «Ite, missa est» mà nếu dịch sát thì phải dịch: «Hãy ra đi, đó là thánh lễ», điều này ai biết tiếng Latinh cũng phải công nhận. Dịch rằng «Lễ xong, chúc anh chị em ra về bằng an!» thì tôi không biết là có đúng với ý của Giáo Hội không. Vì ra đira về diễn tả hai tinh thần khác nhau: ra đi – tức không về nhà – là để hành động, còn ra về – tức về nhà – là để nghỉ ngơi! Dịch bằng ra về, khiến người Kitô hữu dễ tưởng rằng thánh lễ đã xong, ta đã làm hết bổn phận rồi, giờ thì về nhà mà nghỉ ngơi hay làm gì khác thì làm. Chữ «bằng an» sau đó lại càng nhấn cho mạnh nghĩa của nghỉ ngơi! 

Nhưng tôi chắc chắn rằng câu nói cuối cùng của linh mục trong thánh lễ có dụng ý bảo mọi người hãy ra đi để hành động, để thực hiện ý nghĩa của thánh lễ là trở nên một hy tế bằng chính đời sống của mình. Và đó mới chính là thánh lễ (missa est! = voilà la messe! = it’s the mass!) Chắc chắn như thế, vì không khi nào Kitô giáo lại tách biệt thánh lễ ra khỏi đời sống thực tế cả.

Hơn nữa (xem chú thích 1),  mệnh đề «missa est» còn có thể hiểu theo một nghĩa khác rất phù hợp với ý nghĩa của thánh lễ. Missa là phân từ quá khứ (có nghĩa thụ động) của động từ mittere có nghĩa là gửi, sai đi. Như vậy, missa est có nghĩa là được sai đi, ở thì hiện tại, thể thụ động, và chủ từ phải là giống cái như missa. Vậy chủ từ giống cái là ai? Ai được sai đi? Trong ngữ cảnh, thì chủ từ phải được hiểu là ecclesia (nhà thờ / những người trong nhà thờ) hay communio (cộng đoàn) cùng là giống cái với missa. 

Như thế, người được sai đi là toàn thể cộng đoàn vừa bẻ bánh chung với nhau, là Giáo Hội vừa tham dự thánh lễ. Vậy, ý nghĩa sâu thẳm của câu «Ite, missa est» có thể quảng diễn là: «Anh chị em hãy ra đi, ra khơi (duc in altum), thả lưới, bắt cá … với tư cách là Giáo Hội được sai phái đến khắp hang cùng, ngõ hẻm của nhân loại, mang Tin Mừng là Đức Kitô, Tin Mừng Thứ Tha của Ngôi Cha, cho mọi người, nhất là những ai là người nghèo. Tin Mừng ấy đã được khai mở lần đầu tiên, từ Thánh Giá … Anh chị em hãy ra đi, tiếp nối những gì Đức Kitô đã khởi đầu. Ecclesia – cộng đồng nầy là cộng đồng Eucharistica, tức cộng đồng bẻ bánh, cộng đồng yêu thương, cộng đồng huynh đệ "làm việc nầy mà nhớ đến Thầy"» (Xem chú thích 2).  Vậy thì câu cuối cùng của vị linh mục trong thánh lễ là một lời yêu cầu hay là lệnh sai phái cộng đoàn ra đi để hành động, để cụ thể hóa tinh thần yêu thương của thánh lễ qua hành động.

Như vậy, thánh lễ ở trong nhà thờ mới chỉ là nửa thánh lễ, còn phần chính của thánh lễ là đời sống thực tế. Và khi ra khỏi nhà thờ, thì chúng ta bắt đầu phần thứ hai của thánh lễ chứ không phải là lễ đã xong! Thánh lễ trong nhà thờ và thánh lễ trong đời sống chỉ là một thánh lễ duy nhất, mà chúng ta nhiều khi tách ra thành hai mảng biệt lập nhau, không liên quan gì với nhau. Rất nhiều người đi lễ hằng ngày, nhưng luôn luôn chỉ dự có nửa phần đầu thánh lễ – là phần trong nhà thờ – mà bỏ mất phần sau – là phần trong đời sống thực tế – đây mới là phần chính yếu

Thánh lễ trong nhà thờ ban sức mạnh cho thánh lễ ngoài đời sống, thánh lễ ngoài đời sống biến thánh lễ trong nhà thờ thành hiện thực. Nếu nhận được sức mạnh mà không làm gì cả, thì sức mạnh ấy dùng để làm gì?

Trong thánh lễ nhà thờ, chúng ta cầu nguyện: xin cho con yêu Chúa, yêu tha nhân, cho con biết khiêm nhường, biết cảm thông với người nghèo, biết chiến đấu cho công lý, v.v… Còn trong thánh lễ đời sống, chúng ta cố gắng biến những lời cầu đó thành hành động. Nếu chỉ biết cầu xin mà không quyết tâm hay cố gắng thực hiện, thì không biết đến bao giờ Chúa mới cho được những điều ấy. Cũng như miệng nói «xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày», mà tay chân lại chẳng thèm làm gì để kiếm sống cả, thì có cầu xin hoài cũng vô ích. Nếu tôn giáo mà như thế thì đúng là tôn giáo ru ngủ con người.


Các nhân đức thường đi với nhau từng cặp

a) «Ora et labora»

Vào trong nhiều đan viện, ta thấy câu này được viết ở nhiều nơi: «Ora et labora!» (cầu nguyện và làm việc!). Hai việc ấy phải gắn liền với nhau. Không nên quá nhấn mạnh đến cầu nguyện, mà quên nhấn mạnh đến hành động, nhất là những hành động thực tế đáp ứng đúng những gì thực tế đang đòi hỏi. Dường như các nhân đức Kitô giáo luôn luôn phải đi với nhau theo cặp. Có nhân đức này thì nhân đức ấy lại đòi hỏi phải có một nhân đức khác đối lập với nó thì nhân đức ấy mới chịu là nhân đức! Không có nhân đức đối lập đó thì có thể nhân đức kia không còn là nhân đức đúng nghĩa nữa! Khôn ngoan như con rắn, nhưng lại phải hiền lành như con bồ câu thì khôn ngoan ấy mới là nhân đức! Ngược lại hiền như bồ câu mà chẳng khôn ngoan chút nào cả thì thành ra «hiền quá hóa đần»!

Tôi được tập thói quen từ hồi còn học giáo lý lúc nhỏ là khi cầu nguyện thì hãy hỏi Chúa: «Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?». Cách cầu nguyện ấy rất hay vì nó gắn liền việc cầu nguyện với hành động. Và cầu nguyện như thế thì sau khi cầu nguyện là thấy có việc để mà làm ngay. Chẳng hạn nếu chung quanh tôi mọi người đang bị áp bức, nghèo khổ, mà tôi hỏi Chúa câu ấy, chắc chắn Chúa sẽ đề nghị ngay tức khắc với tôi một hành động cụ thể. Hành động cụ thể ấy thế nào thì còn tùy thuộc vào khả năng và chức vụ của tôi trong xã hội. Nếu tôi là một người dân thường, chỉ giúp được những việc nhỏ, thì Chúa sẽ bảo tôi làm việc nhỏ. Nếu tôi là một bộ trưởng, chắc chắn Chúa không bảo tôi làm những việc nhỏ như thế, mà phải làm một việc lớn hơn đúng với tầm mức một vị bộ trưởng.

Nếu sau khi cầu nguyện, mà ta không thấy mình được thúc đẩy phải làm gì cả, đang khi chung quanh ta có biết bao việc đòi hỏi ta phải làm, phải thực hiện, phải nhúng tay vào, phải dấn thân hành động, v.v… thì ta nên nghi ngờ việc cầu nguyện của mình chỉ là một hình thức giả đạo đức, trốn chạy, thu vào vỏ ốc. Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ hài lòng với kiểu cầu nguyện ấy.

Như vậy, trở về với Chúa, với lòng mìnhra đi để đến với tha nhân cũng là hai việc phải đi đôi. Tinh thần của thánh lễ đích thực phối hợp và điều hòa hai hành động có vẻ ngược lại nhau ấy. Có cái này mà không có cái kia thì cũng dễ bị khập khiễng.


b) Khiêm nhường và lòng tôn trọng thực tế hay sự thật

Cầu nguyện cần phải đi đôi với hành động. Thật vậy, Kitô giáo không phải là một mớ lý thuyết phải tin, phải học, mà là một tôn giáo nhắm đến thực hành, dẫn đến hành động (action oriented). Nhưng hành động dù có tốt đến đâu cũng phải đặt nó trên nền tảng khiêm nhường. Không đặt trên nền tảng ấy thì coi chừng những động lực để làm việc tốt của ta chỉ là nhằm được tiếng khen, được sự ủng hộ, v.v… Với động lực đó, thì việc tốt lành ta làm chỉ có tác dụng làm tăng thêm lòng kiêu căng của ta, một tác nhân hủy hoại toàn bộ giá trị công trình tốt đẹp của ta trước mặt Thiên Chúa. Lucifer trước khi sa ngã chắc chắn đã làm được việc nhiều việc tốt lành hơn các thiên thần khác, vì ông là thiên thần cao trọng, đáng yêu đáng mến và có khả năng nhất trong các thiên thần. Nhưng kiêu căng đã biến ông thành ma quỉ. Do đó, những người đang làm những công việc tốt đẹp phải coi chừng kẻo bị «xôi hỏng, bỏng không» vì sự tự hào về những việc tốt đẹp của mình, mà lên mặt với người khác.

Vì thế, khiêm nhường là nhân đức hết sức cần thiết, nhưng khiêm nhường cũng lại phải luôn luôn đi đôi với lòng tôn trọng sự thật. Khiêm nhường không có nghĩa là tự hạ đến nỗi phải phủ nhận bản chất và khả năng của mình, hay không dám hành động đúng với bản chất và khả năng của mình. Khiêm nhường vẫn đòi hỏi mình phải nhận chân được bản chất, giá trị, chức vụ, quyền hành, khả năng, bổn phận của mình, và hành xử đúng với những điều đó. 

Một em bé làm trưởng một lớp học nhưng lại không dám thi hành quyền trưởng lớp của mình khiến cho lớp đó như thể không có trưởng lớp, trở thành lộn xộn mất trật tự, thì hành động đó không phải là khiêm nhường. Một người con thấy cha mình cứ làm hoài một việc mà mình cho là không đúng, mà không dám lên tiếng một cách tế nhị để người cha nhận ra lỗi của mình hầu sửa sai, cũng không phải là khiêm nhường. Mà tế nhị quá, sợ mất lòng quá đến nỗi không nói đúng được điều mình muốn nói cũng không phải là khiêm nhường, vì có tế nhị tới đâu, thì sự thật vẫn khó có thể làm người nghe hài lòng. Mà người cha ấy nếu thấy con nói có lý và chân tình mà không sửa sai, thì cũng không phải là khiêm nhường.

Nếu không nắm vững ý nghĩa của khiêm nhường, chúng ta dễ có khuynh hướng đồng hóa khiêm nhường với nhu nhược, nhút nhát.

Các thánh nhân nói: «Nhân đức thì đứng giữa» (virtus in medio stat). Nhưng quả thật, khó mà đứng ngay chính giữa, chỉ có thể đứng ở khoảng giữa giữa thôi! Nếu đứng được ngay giữa thì đã là thánh rồi. Vả lại, hai đầu mà luôn luôn thay đổi – vì tình huống luôn luôn đổi thay – thì điểm giữa cũng luôn luôn thay đổi. Nên đứng giữa được thì chỉ có Thiên Chúa! Khiêm nhường cũng chính là chấp nhận giới hạn của mình, nhận chân rằng mình chỉ làm được như thế, tuy nhiên, vẫn phải cố gắng tiến về giữa được chừng nào tốt chừng nấy. Còn đứng hẳn qua một bên thì chắc chắn không phải là nhân đức rồi.

Tóm lại, cầu nguyện phải đi đôi với hành động, khiêm nhường phải đi đôi với tôn trọng thực tế hay sự thật.



Cầu nguyện và hành động trong ba chức năng của người Kitô hữu


Ba chức vụ mà người Kitô hữu đã lãnh nhận từ Chúa Kitô là vua, tư tế, ngôn sứ, được thể hiện thành ba chức năng căn bản của người Kitô hữu là làm chủ, làm lễ và làm chứng. Thực hiện ba chức năng căn bản ấy chính là thực hiện tinh thần cầu nguyện và hành động. 

Chức năng làm lễ (tương ứng với chức tư tế) đòi hỏi ta phải liên kết mật thiết với Thiên Chúa và với Chúa Kitô, nguồn sức mạnh, để nhờ đó thực hiện hai chức năng kia, là làm chủ (tương ứng với chức vua), và làm chứng (tương ứng với chức ngôn sứ). Nếu chúng ta chỉ chú trọng tới chức năng làm lễ, mà coi nhẹ hai chức năng kia, thì đời sống Kitô hữu của chúng ta hết sức què quặt. Chúa Kitô không chỉ làm lễ, mặc dù cả cuộc đời Ngài là một thánh lễ, nhưng thánh lễ cuộc đời Ngài được đan kết bằng những hành động làm chủlàm chứng.

Người Kitô hữu cần làm chủ bản thân, gia đình, xã hội, đất nước và Giáo Hội. Để làm chủ bản thân, con người luôn luôn phải chiến đấu với chính mình. Nếu cứ chiều theo ý muốn của mình cả trong những điều sai quấy, con người sẽ trở thành nô lệ cho chính mình. Muốn làm chủ các tập thể mà mình đang là thành viên, con người không thể không hành động hay chiến đấu mà làm chủ được. Quyền làm chủ không ai chịu cho mình một cách nhưng không, nên mình không thể ngửa tay xin người khác bố thí cho mình quyền đó, mà mình phải hành động và chiến đấu mới có được.

Người Kitô hữu cũng còn phải làm ngôn sứ, hay làm chứng cho sự thật, cho công lý, cho tình yêu, là những biểu hiện của chính Thiên Chúa hay Đức Kitô. Làm chứng như thế giữa một thế giới thích gian dối, trong một xã hội đầy bất công, trong một môi trường tàn ác, lắm thù hận không phải là chuyện dễ làm. Làm chứng đòi hỏi phải có can đảm, phải làm chủ được bản thân, phải thắng được tính sợ hãi, sợ khổ, sợ chết. 

Như vậy, khi thực hành chức năng làm chủ, làm ngôn sứ, nghĩa là khi dám tranh đấu với những cái xấu trong bản thân, trong tập thể của mình, khi can đảm làm chứng cho chân lý, cho công lý trong môi trường sống của mình, người Kitô hữu đã «làm lễ» một cách đúng nghĩa nhất, vì đã sẵn sàng biến mình trở nên của lễ toàn thiêu, chịu sát tế trước những đòi hỏi của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nếu «làm lễ» mà chúng ta lại chẳng muốn mất mát hay thiệt thòi điều gì, chẳng muốn chấp nhận một đau khổ nào cho Thiên Chúa và tha nhân, thì chắc chắn đó chỉ là «làm lễ» một cách hình thức, ngoài vỏ, chứ không có nội dung hay thực chất.

Như thế, khi sống ba chức năng làm chủ, làm lễ, và làm chứng, người Kitô hữu đã sống một cách hài hòa tinh thần cầu nguyện và hành động (ora et labora). Mọi người Kitô hữu, nhất là giáo dân sống giữa đời, được kêu gọi cầu nguyện bằng hành động, và hành động trong cầu nguyện. Hai thực thể ấy không bao giờ nên tách rời nhau trong đời sống Kitô hữu, đúng như chủ trương của Đức Gioan-Phaolô II trong tông huấn Giáo Hội tại Châu Á là «hoạt động trong chiêm niệm và chiêm niệm trong hoạt động» (contemplative action and active contemplation) (xem số 23§1).





Nguyễn Chính Kết

____________________
Chú thích:

(1) Phần này tôi viết theo sự bổ túc của Giáo sư NGUYỄN VĂN THÀNH ở Lausanne, Thụy Sĩ, mà tôi cho là rất hay và ý nghĩa.

(2) Nguyên văn lời chuyển nghĩa của Giáo sư Nguyễn Văn Thành.



Để biết về Giáo sư Nguyễn Văn Thành, xin đọc:
http://ttntt.free.fr/archive/VINHBIETTHANH.html
https://vietbao.com/a121694/giao-su-fx-nguyen-van-thanh-da-tu-tran-tai-thuy-si
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét