DẪN VÀO
THẦN HỌC VUI NHÀN
1. Làm việc phải có nghỉ ngơi và giải trí
Khi làm việc cho một công ty khai thác quặng sắt tại Mỹ, kỹ sư Fréderick Winslow Taylor (1856-1915) đã thí nghiệm với các công nhân của ông như sau: Khi mới tới làm việc tại công ty, ông ghi nhận các công nhân đang dùng một loại sẻng mỗi lần xúc được 38 pound quặng, và mỗi ngày xúc được 21 tấn quặng. Ông nhận thấy sẻng đó quá lớn so với sức lực của công nhân. Vì thế ông đã cho họ dùng một loại sẻng nhỏ hơn mỗi lần xúc được 21 pound. Lạ thay, số quặng xúc được mỗi ngày tăng lên thành 30 tấn. Sau ông lại cho công nhân dùng sẻng 18 pound thì năng xuất tăng lên thành 38 tấn/ngày. Ðó là hiệu suất tối đa có thể đạt được khi thay đổi loại sẻng.
Hồi đó, công nhân làm việc mỗi tuần 7 ngày, không nghỉ ngày nào, và làm mỗi ngày 10 tiếng, nên họ không có thì giờ nghỉ ngơi và giải trí. Vì thế, ông giảm số giờ và số ngày làm việc để thỏa mãn nhu cầu đó thì năng suất của công nhân tăng lên rõ rệt. Khi ông cho công nhân được nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, thì năng suất cũng tăng lên.
Câu chuyện trên cho ta thấy không phải cứ làm việc liên tục một cách tích cực và chăm chỉ thì công việc sẽ đạt được hiệu quả tối đa. Muốn đạt được hiệu quả ấy, cần phải phối hợp một cách hợp lý giữa làm việc và nghỉ ngơi giải trí. Và cũng không phải càng cố gắng nhiều càng tốt, mà chỉ nên cố gắng vừa sức mình thì sự cố gắng đó mới lâu dài và đem lại năng suất cao nhất.
Do đó, những người phải làm việc nhiều nên lưu tâm đến chuyện nghỉ ngơi và vui chơi giải trí để có thể làm việc lâu dài và công việc có hiệu quả hơn. Ðồng thời cũng phải lượng sức mình để gắng sức vừa phải, phù hợp với khả năng tinh thần và thể chất của mình.
Những người ưu tú trong xã hội thường phải đảm trách những công việc quan trọng hoặc phải đảm trách quá nhiều công việc và lúc nào cũng phải cấp bách làm xong cho kịp thời hạn, nên cảm thấy mình không thể dành nhiều thì giờ để nghỉ ngơi hay giải trí được. Những người này thường để cho trách nhiệm và công việc lôi cuốn đến nỗi mình bị chúng làm chủ hơn là mình làm chủ chúng. Mặc dù họ rất mệt và cần nghỉ ngơi giải trí để lấy lại sức, nhưng ý thức trách nhiệm quá cao khiến họ không nỡ bỏ dở công việc đang tiến hành tốt đẹp. Và kết quả là sau một thời gian dài ráng sức nhiều quá, họ bị «surmenage» (quá mệt vì lao lực) không thể tiếp tục làm việc được nữa. Lúc đó, công việc có cần thiết hay cấp bách tới đâu cũng phải bỏ. Nếu cứ tiếp tục làm việc nữa sẽ bị kiệt sức và suy nhược cơ thể, phải mất nhiều thời gian mới có thể phục hồi lại được. Ðó là chưa nói đến những chứng bệnh nan y tất nhiên sẽ phát sinh do thường xuyên làm việc căng thẳng như các bệnh về tim mạch, dạ dầy, ruột, bệnh cao huyết áp, bệnh trĩ, tiểu đường, hoặc tai biến mạch máu não, v.v...
Làm việc đến nỗi đi đến những tình trạng bệnh hoạn như thế quả là thiếu sáng suốt, mặc dù về mặt luân lý cũng có phần nào đáng khen! Vì khi làm việc trong tình trạng mỏi mệt, chắc chắn hiệu quả không cao, thậm chí có thể vì thiếu sáng suốt mà đi đến những quyết định sai lầm tai hại. Nếu khi cảm thấy mệt mỏi, ta cứ «can đảm» hy sinh một chút thời gian để đi đến một chỗ nào đó nghỉ ngơi và vui chơi một hay hai ngày, thì chắc chắn khi trở lại với công việc, ta sẽ hăng hái, sáng suốt và làm việc hữu hiệu hơn trước rất nhiều, kết quả công việc bảo đảm sẽ tốt đẹp hơn. Thời gian để vui chơi giải trí đó sẽ đuọc bù lại xứng đáng, chứ không uổng phí vô ích. Cũng như khi F. Taylor cho công nhân nghỉ mỗi tuần một ngày, thì năng xuất hàng tuần chẳng những không giảm đi mà còn tăng lên, chưa nói tới mối lợi của công ty là chỉ phải trả có 5 hoặc 6 ngày công thay vì 7 ngày.
Nghỉ ngơi giải trí không phải chỉ là ích lợi cho công việc, mà còn là cần thiết, thậm chí tối cần thiết để có thể tiếp tục làm việc và làm việc cho có hiệu quả. Làm việc và nghỉ ngơi giải trí phải luôn luôn đi đôi với nhau và phối hợp với nhau nhịp nhàng như hai thời trong việc đóng đinh. Khi đóng đinh, có hai tác động: giáng búa xuống và nhấc búa lên. Tác động nhấc búa lên, tuy không làm cho đinh lún xuống chút nào, nhưng cũng cần thiết không kém tác động giáng xuống. Vì nếu không nhấc búa lên thì tuyệt đối ta không thể giáng búa xuống lần thứ hai để làm cho đinh tiếp tục cắm sâu vào gỗ. Làm việc và nghỉ ngơi giải trí cũng phải phối hợp với nhau chặt chẽ như thế mới hợp tự nhiên và mang lại hiệu quả tốt đẹp.
Luật tự nhiên là như thế. Thánh Kinh có nói: «Mọi việc dưới gầm trời đều có thời của nó. Có thời sinh ra thì cũng có thời chết đi. Có thời trồng thì cũng có thời phải nhổ (nhổ vật đã trồng). Có thời giết thì cũng có thời cứu sống. Có thời phá đổ thì cũng có thời xây dựng... Có thời im lặng thì cũng có thời nói ra. Có thời yêu thì cũng có thời ghét. Có thời chiến thì cũng có thời bình» (Gv 3,1-8). Theo tinh thần đó, có thời làm việc thì phải có thời nghỉ ngơi và vui chơi. Tuân theo luật tự nhiên ấy thì mọi sự đều tốt đẹp, trái với luật đó thì không tốt: «Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong».
2. Tinh Thần Vui Nhàn (vui chơi - nhàn nhã)
Lý thuyết là như thế, ai cũng biết việc nghỉ ngơi giải trí là cần thiết. Nhưng đối với ai phải đảm nhận nhiều trách nhiệm, nhiều khi không có đủ thời giờ để làm cho xong những công việc phải làm, đôi khi rất cấp bách phải hy sinh cả thời giờ nghỉ đêm để thức khuya làm việc, thì đào đâu ra thời giờ để vui chơi giải trí? Ông Trời rất công bằng, nhưng lại công bằng một cách bất công ở chỗ: người phải làm nhiều việc hay ít, và dù nhiều hay ít việc tới đâu thì ai cũng được cung cấp đúng 24 giờ một ngày, không ai được thêm hay bị bớt đi phút nào. Vì thế, có người tha hồ nghỉ ngơi vui chơi giải trí, có người phải xếp đặt khôn khéo mới có được thời giờ đó, và cũng có người tìm được thời giờ để nghỉ ngơi giải trí thì thật là khó khăn. Như đã nói ở trên, những người này cũng phải «can đảm» dứt bỏ công việc để nghỉ ngơi giải trí mỗi khi cảm thấy mệt mỏi vì quá rán sức. Nếu không «dứt» công việc thì công việc cũng sẽ «dứt» mình, nên thà rằng mình «dứt» công việc còn hơn để nó «dứt» mình.
Tuy nhiên cũng có cách để những người này có thể vui chơi giải trí mà không cần phải dành ra thời giờ rõ rệt để làm chuyện đó. Họ nên áp dụng tinh thần vui nhàn của Nguyễn Công Trứ: «Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?» (Biết nhàn thì đã là nhàn rồi, còn cứ chờ lúc được nhàn thì biết đến bao giờ mới nhàn?) Biết nhàn ở đây nghĩa là biết cách nhàn, có tinh thần nhàn. Được như vậy thì dù có bận bịu công việc vẫn giữ được tâm hồn ung dung thư thái, chứ không bị đảo điên tất bật vì công việc. Cũng như tự do và hạnh phúc, có thứ lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, có thứ tự tại, không lệ thuộc vào điều kiện nào cả. Nhiều người nói: Phải được thế này được thế kia thì tôi mới tự do, mới hạnh phúc được! Tự do mà phải tùy thuộc vào điều kiện này điều kiện kia thì đâu có phải là tự do đúng nghĩa?!
Tự do đích thực là tự do bất chấp điều kiện bên ngoài: cho dù ở tù vẫn cảm thấy tự do. Hạnh phúc cũng vậy, có nhiều người nghĩ rằng phải có tiền mới hạnh phúc được. Thứ hạnh phúc đó quả là mỏng manh và tạm bợ, vì khi nào không còn tiền thì cũng không còn hạnh phúc. Nhưng vẫn có những người luôn luôn hạnh phúc vì lúc nào cũng thấy «tên mình đã được ghi trên trời» (Lc 10,20). Hạnh phúc như thế thì trong hoàn cảnh nào cũng vẫn hạnh phúc. Ðó là thứ hạnh phúc không điều kiện. Tự do và hạnh phúc không điều kiện như thế là những thái độ nội tâm, biết tự bằng lòng với chính mình, không để nội tâm của mình lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài.
Tương tự như vậy, nhàn nhã cũng có hai thứ: thứ có điều kiện và thứ không lệ thuộc điều kiện. Nhiều người chỉ cho mình là nhàn khi không phải làm việc nhiều, không phải bận tâm nhiều việc, khi có nhiều thì giờ rảnh rang. Nhưng vẫn có những người tuy bận rất nhiều việc, gánh trên vai nhiều trách nhiệm, làm việc không ngừng ngày này qua ngày khác, vẫn luôn cảm thấy tâm hồn an nhiên thư thái, thái độ lúc nào cũng ung dung tự tại, nét mặt luôn luôn vui tươi, không khác gì một người lúc nào cũng nhàn nhã. Họ không cần phải dành thì giờ để vui chơi giải trí, vì họ đã vui chơi giải trí trong chính công việc của họ. Ít khi họ cảm thấy mệt nhọc vì công việc, vì đối với họ, họ đâu có làm việc. Công việc chính là trò chơi, là trò giải trí của họ. Cần gì phải giải trí bằng cách khác. Ðối với họ, trách nhiệm cũng chỉ là trò chơi giải trí, là một thách đố gây cho họ nhiều cảm hứng thích thú. Chu toàn trách nhiệm đã lãnh nhận, hay thành công trong công việc có nghĩa là họ đã thắng trong cuộc chơi. Thất bại hay không làm tròn trách nhiệm, dù đã cố gắng tối đa, thì cũng chỉ là thua cuộc, có gì là nghiêm trọng mà phải buồn phiền hay đặt thành vấn đề? Họ thấy trên đời chẳng có gì là nghiêm trọng khiến họ phải mất bình an trong tâm hồn. Tất cả đều chỉ là trò chơi, và cả cuộc đời là một trò chơi lớn. Nếu họ có phải dồn hết năng lực vào việc gì thì không phải vì họ coi việc đó là nghiêm trọng, mà vì họ cảm thấy «trò chơi» đó đáng cho họ dồn hết năng lực để thắng cuộc.
Tất cả đều chỉ là trò chơi, đều nhắm mục đích đem lại vui thú, hạnh phúc và thoải mái cho con người. Và người đầu tiên sáng tác ra mọi thứ vui chơi ấy chính là Thiên Chúa. Vì tình thương đối với mọi tạo vật, nhất là với các thiên thần và loài người, Ngài đã mời gọi tất cả tham dự vào cuộc chơi vĩ đại ấy, để chính Ngài và tất cả mọi tạo vật đều được một phen vui chơi thỏa thích, làm cho cuộc hiện sinh của mình có ý nghĩa. Còn mục đích nào đúng đắn cho sự hiện hữu của chính Ngài và cho tất cả mọi chúng sinh cho bằng để tất cả đều được hạnh phúc, đều được vui đùa với nhau trong tình yêu thương lẫn nhau? Và cũng không có gì làm cho mọi người được vui tươi, hạnh phúc và thoải mái bằng nô giỡn với nhau!
Ðối với người coi tất cả mọi sự đều chỉ là trò chơi, thì có điều gì được coi là quan trọng ngoài tương quan thân thiện giữa những người cùng chơi với nhau, trong đó có Thiên Chúa và tất cả mọi loài chúng sinh? Thắng bại trong trò chơi cũng là chuyện khá quan trọng mà ai cũng tự nhiên lưu tâm tới, nhưng đâu quan trọng bằng cái tình thương giữa những người cùng chơi?! Luật chơi − tức những luật tự nhiên cũng như những luật thiết định mà Thiên Chúa, người sáng tác ra trò chơi, lập ra để chơi − cũng là chuyện quan trọng thứ yếu. Chính vì muốn trò chơi được đúng đắn và đem lại sự vui tươi tối đa mà mọi người cần tôn trọng luật. Ðương nhiên ai lỗi luật chơi thì cũng cần phải chịu một hình phạt nào đó xứng hợp, giống như trong mọi trò chơi do loài người lập ra.
Quan niệm rằng mọi việc trong cuộc đời, ngay cả cuộc đời, thậm chí cả những chương trình vĩ đại của Thiên Chúa đều chỉ là những trò tiêu khiển, quan niệm đó giúp ta có một thái độ bình tâm, ung dung, nhàn nhã và vui tươi trước cuộc sống. Nó cũng giúp ta có một tinh thần siêu thoát, tâm hồn không bị vướng vào những thực tại trần tục. Vì thế cuộc đời lúc nào cũng thơ thới hân hoan, không có gì đáng phải buồn phiền, luôn luôn thấy mình sướng như tiên, dù hoàn cảnh bên ngoài có khó khăn. Ðã là trò chơi ắt phải có tính thách đố, nghĩa là phải có khó khăn để vượt qua. Nếu không có khó khăn để thách đố, thì đó là thứ trò chơi «lãng nhách» nếu không muốn nói đó không còn là trò chơi nữa. Trò chơi nào cũng phải có cái khó của nó. Chính cái khó đó mới làm cho trò chơi trở nên hấp dẫn. Người ham chơi đích thật càng ngày càng muốn dấn thân vào những trò chơi khó hơn. Và niềm vui của trò chơi chính là thắng vượt được khó khăn. Khó khăn càng lớn thì người thắng cuộc càng vinh quang. Do đó, càng khó khăn thì càng nên hứng chí, lẽ nào buồn phiền chán nản?
Quan niệm mọi sự chỉ là trò chơi và thực sự sống theo quan niệm ấy, đó là một thứ linh đạo cao cấp và hết sức đúng đắn và cũng rất chí lý. Ðương nhiên không thể tránh khỏi có những người quá nghiêm trang đến độ không thể coi quan niệm này là đúng đắn được. Họ thích nghiêm trang đạo mạo và hay quan trọng hóa mọi chuyện. Vì thế, trí óc họ bị căng thẳng khiến họ dễ bực bội quạu quọ với người khác, đồng thời làm mồi cho những căn bệnh nan y có nguyên nhân tâm lý. Ðể đề phòng đồng thời chữa trị những chứng bệnh ấy, khoa tâm lý thời nay đề nghị phương thức «hài hước trị liệu» (Humour therapy). Nhưng hài hước và pha trò đối với họ quả là khó vì họ không thích và không quen làm mất đi vẻ nghiêm trang, đạo mạo, «đúng đắn» của họ. Họ có vẻ đạo đức và thánh thiện, nhưng thánh thiện cách nghiêm trang hơn là vui vẻ. Các nhà tu đức học nói về họ: «Un saint triste est un triste saint» (Thánh mà buồn là thánh đáng buồn), và «Sanctus videtur sed non est» (Có vẻ là thánh chứ chẳng phải thánh), đang khi những vị thánh thật sự thì lại «Sanctus non videtur sed est» (Không có vẻ thánh mà hóa ra là thánh).
«Linh đạo vui chơi nhàn nhã» này được các nhà «thần học vui nhàn» (thần học về nhàn nhã vui chơi) ủng hộ và đặt nền tảng cho nó.
3. Thần Học Vui Nhàn
(Théologie des Loisirs)
(Théologie des Loisirs)
Ngày nay, tuy máy móc và tiện nghi kỹ thuật đã giảm cho con người biết bao nhiêu công việc, nhưng con người chẳng nhàn hạ rãnh rỗi hơn xưa, trái lại còn bận bịu tất bật hơn rất nhiều. Vì văn minh tiến bộ, một mặt giảm bớt cho con người biết bao nhiêu việc cũ, mặt khác lại gia tăng gấp bội những công việc mới. Vì thế, trong lịch sử con người, chưa bao giờ con người lại bận bịu công việc như ngày nay. Nước nào càng văn minh, càng kỹ nghệ hóa cao, thì dân nước đó càng phải chạy đua với công việc, tất bật với công việc tới độ căng thẳng. Vì thế, con người càng ngày càng ý thức được sự cần thiết của thời giờ rảnh rỗi, của vui đùa giải trí, của thư giãn...
Trong chiều hướng tái khám phá nhu cầu và giá trị nhân bản của việc vui chơi giải trí của con người, về mặt tôn giáo, người ta cũng tái khám phá chiều kích tâm linh của vui chơi, giải trí, và sự cần thiết của nó đối với tâm linh. Từ đó, trong Giáo Hội, phát sinh ra «Thần Học về nhàn nhã vui chơi», tìm hiểu chiều kích vui chơi của con người, của Giáo Hội, của Thiên Chúa.
Một trong những thần học gia đầu tiên của thần học này là Hugo Rahner (Anh của thần học gia Karl Rahner). Ông đã tái khám phá trong linh đạo của Thánh Tôma Aquinô chiều kích căn bản của lập trường Kitô giáo về hoạt động vui chơi của con người. Theo ông, sự vui chơi chính là một nguyên lý để giải thích và chú giải mặc khải Kitô giáo. Ông đi từ Homo ludens (con người vui chơi) đến Deus ludens (Thiên Chúa cũng vui chơi) và Ecclesia ludens (Giáo Hội cũng vui chơi). Ông cho rằng việc sáng tạo cũng như cứu chuộc là một trò chơi của sự khôn ngoan Thiên Chúa.
Ông lập luận như sau: Thiên Chúa dựng nên vũ trụ cũng như cứu chuộc để làm gì? Tại sao Ngài phải làm như vậy? Chúng ta làm hết việc này đến việc kia là do chúng ta muốn thỏa mãn một nhu cầu hay một thiếu thốn nào đó. Mà đã có nhu cầu, đã thiếu thốn thì có nghĩa là bất toàn. Thiên Chúa là Ðấng hoàn toàn, Ngài không thiếu thốn gì cả. Vì thế, không thể nói Ngài sáng tạo hay cứu chuộc vì một lý do nào khác ngoài tình yêu tự do vượt khỏi mọi tất yếu. Tình yêu đó khác với tình yêu của con người. Con người yêu thương vì có nhu cầu yêu và được yêu, hay vì sự hấp dẫn lôi cuốn (nét đẹp, sự thiện hảo) của đối tượng yêu. Còn Ngài yêu thương không vì một lý do nào cả, không vì nhu cầu yêu thương hay vì vẻ hấp dẫn của đối tượng yêu, cũng không phải vì nhu cầu giải trí do trí tuệ bị mệt mỏi. Ngài yêu vì Ngài muốn yêu, Ngài hoạt động vì Ngài muốn hoạt động. Do đó, tình yêu cũng như hoạt động của Ngài mang tính cách vui chơi, hoàn toàn tự do.
Theo các sách khôn ngoan trong Kinh Thánh, theo truyền thống các giáo phụ và các nhà thần bí, việc tạo dựng vũ trụ là một trò chơi, trong đó, Ngôi Lời (Logos) dấn thân vào trong thế giới để làm cho Thiên Chúa Cha vui thú. Vì thế, cuộc sáng tạo là một vũ khúc vũ trụ (danse cosmique), và vũ trụ là một trò chơi đang tiếp diễn của Ngài, một trò chơi vĩ đại, trong đó Thiên Chúa đang vui đùa.
Thánh Kinh không ngần ngại dùng từ «vui đùa», «vui chơi» để mô tả hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Sách Châm Ngôn mô tả: Sự Khôn Ngoan vốn ở luôn bên cạnh Ðấng Sáng Tạo «hằng ngày làm cho Ngài được vui thú và luôn luôn vui đùa trước nhan Ngài, và nơi trần gian cũng vui chơi và thích thú giữa con cái loài người» (Cn 8,30-31). Trong tinh thần đó, sự cứu chuộc, là cuộc sáng tạo mới, nói theo thuật ngữ của Thánh Kinh, cũng là một trò chơi của sự Khôn Ngoan Thiên Chúa. Trong đó Ðức Kitô, «bài thơ» của Chúa Cha, chính là sự vui chơi tuyệt hảo của Ngài.
Thế giới của chúng ta cũng là một hý trường, trong đó Thiên Chúa đang nô đùa với chúng ta, chúng ta cũng đang nô đùa với Ngài. Hình ảnh một người cha nô đùa với con cái, cảm thấy thích thú khi làm cho chúng cười, là hình ảnh rất đẹp để diễn tả tình yêu vui nhộn giữa Thiên Chúa và con người. Và chỉ trong trò chơi vui nhộn ấy giữa cha con, sự thân tình mới được bộc lộ cao điểm. Thật vậy, người ta dễ gần gũi với nhau nhất khi vui chơi nô đùa với nhau. Khi cùng làm việc, người ta phải tôn trọng tôn ti trật tự trên dưới, nên có sự xa cách nhau do địa vị chức tước quyền hành. Nhưng khi vui đùa với nhau, tất cả mọi khoảng cách đều ngắn lại, sự thân thiện phát sinh khiến mọi người cảm thấy gần gũi nhau. Vì thế, nhìn Thiên Chúa như một người Cha đang nô đùa với chúng ta, ta sẽ cảm thấy Ngài gần gũi thân mật với chúng ta hơn bao giờ hết. Nếu Ngài đang nô đùa với chúng ta thì thái độ thích hợp nhất của chúng ta là cùng nô đùa với Ngài, làm cho Ngài thích thú. Thái độ nghiêm trang quá đáng đối với Thiên Chúa cũng như đối với mọi người không phải là thái độ thích hợp. Ðức Kitô đã không có thái độ như thế.
Thần học gia Harvey Cox, trong một tiểu luận thần học (La fête des fous, Paris 1971, p.173), đã mô tả Ðức Giêsu như một người hài hước vui tính, một Ðức Giêsu vui tươi, linh động, hấp dẫn, để đến gần. Ông viết: «Như một người trào phúng, Ðức Kitô coi thường hủ tục, lề thói cũ, coi thường những người vẫn được người đời ca tụng nể vì. Như một thi sĩ lang thang, Ngài không có nơi gối đầu. Như một tay châm biếm chọc cười, Ngài chế giễu những quyền bính được người đời lập ra, bọn này lúc nào cũng sống xa hoa lộng lẫy bên cạnh đám dân nghèo thiếu thốn cùng khổ. Như một nhà thơ hát rong, Ngài tham dự các lễ hội và các buổi tiệc. Cuối cùng, những kẻ thù của Ngài đã dùng chính danh hiệu Vua, tạo thành một bức hoạt kê châm biếm chua chát (để trả thù những châm biếm của Ngài) và đóng đinh Ngài giữa những tiếng cười nhạo báng với bảng hiệu trên đầu Ngài (để trả thù những chế diễu của Ngài)...» Khi gán cho Ðức Kitô những nét đặc trưng của một người vui nhộn trào phúng, Harvey Cox muốn diễn tả một cái gì rất sâu xa và chính yếu.
Thật vậy, Ðức Kitô là một sự hòa hợp toàn hảo giữa một tâm hồn hết sức nghiêm chỉnh, trong sáng, đúng đắn, với một phong thái hết sức ung dung, tự tại, tự do phóng khoáng, với cách ứng xử luôn vui tươi, thoải mái, hài hước, đùa giỡn, để hòa hợp với mọi người, để gần gũi được mọi người. Phong độ của Ngài khác hẳn với bọn Kinh Sư Do Thái. Bọn này bên ngoài thì nghiêm trang đúng đắn, trịnh trọng lễ nghi khiến người khác phải kính trọng khép nép, nhưng bên trong thì đầy quanh quéo, ẩn khúc, độc ác, kiêu căng, tư tưởng của họ chẳng đúng đắn chút nào. Ðức Kitô thích vui chơi thoải mái, thích tham dự những buổi tiệc, lễ lạc, hòa mình vào nếp sống người bình dân. Ngài không kiêng kị giao du với những người bị xã hội coi là tội lỗi, như bọn gái điếm, những người thu thuế, người Samari... Ngài rất ghét và thường châm biếm vẻ «ta đây», kiêu căng, khoe mẽ, tính câu nệ lề luật mà thiếu tình thương của giai cấp lãnh đạo tôn giáo. Ngài thích vui vẻ đùa giỡn, chơi chữ, thoải mái, đặt nặng tình người, lòng yêu thương bên trong và coi nhẹ những biểu lộ giả tạo bên ngoài của luật lệ, truyền thống, phong tục... Theo Harvey Cox, chỉ khi nào chúng ta có những cách hành xử chơi đùa (comportements ludiques) về khía cạnh tôn giáo, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa những hành động của Ngài.
Các nhà thần học về nhàn nhã vui chơi cũng áp dụng tinh thần vui chơi đó vào Giáo Hội (Ecclesia ludens). Nhờ cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô, các Kitô hữu được giải phóng khỏi ách tội lỗi, ách của ma quỉ, của thần chết, của lề luật, của các u buồn. Nhờ vậy, Người Kitô hữu luôn sống trong niềm vui, tự do thoải mái, không bị ràng buộc vào những ách đau buồn đó. Ðược giải phóng khỏi những ách đó, tương quan giữa Giáo Hội và Ðức Kitô là tương quan vợ chồng, với tất cả những quan hệ yêu đương, những vui thú của tình yêu. Sách Nhã Ca đã tả chân mối tương quan đầy vui chơi và lạc thú đó. Thoát khỏi ách tội lỗi, ma quỉ, lề luật; tương quan giữa con người với Thiên Chúa là tương quan Con với Cha. Hình ảnh hai cha con vui vẻ đùa giỡn với nhau trong yêu thương chính là hình ảnh lý tưởng chân thực, diễn tả tương quan đúng đắn nhất giữa con người với Thiên Chúa...
Quan niệm như thế, Giáo Hội không phải là một cộng đoàn chỉ biết nghiêm chỉnh làm việc, mà là một Ecclesia ludens (Giáo Hội vui chơi) đầy sức sống, đầy vui tươi hoan lạc. Giáo Hội là bí tích của Nước Trời, mà Nước trời đã được Thánh Kinh mô tả như một yến tiệc linh đình, một hình thức vui chơi thoải mái. Chỉ trong tinh thần vui chơi nhàn nhã này, sứ điệp mà Giáo Hội rao giảng mới đích thực là Tin Mừng, tức cái tin làm cho mọi người nghe đều vui tươi phấn khởi. Chắc chắn vào thời cánh chung, Ecclesia celesta (Giáo Hội trên trời) phải là Ecclesia ludens (Giáo Hội vui chơi), một Giáo Hội đầy vui tươi hoan lạc. Viễn ảnh đó vừa là hy vọng, vừa là điều Giáo Hội trần gian phải cố gắng đạt tới ngay ở đời này. Giáo Hội trần gian phải phần nào là một Ecclesia ludens đầy nét tươi vui hấp dẫn để các con cái mình phần nào hưởng nếm trước niềm vui của cái cứu cánh mà cả Giáo Hội đang đi tới.
Con người được Thiên Chúa dựng nên để hưởng hạnh phúc chứ không để chịu đau khổ, để vui chơi hưởng nhàn chứ không để bận rộn làm việc. Nếu có làm việc thì chỉ là để vui chơi: làm việc cũng là một thứ trò chơi. Nhưng từ khi tội lỗi xen vào đời sống con người, đau khổ cũng xen vào như một hậu quả tất yếu, và sự làm việc trở thành khó khăn như một hình phạt, và con người bị bó buộc phải làm việc để sống. Việc làm đã mất đi sự vui thú của nó. Thiên Chúa cũng làm việc, các thiên thần cũng làm việc, nhưng cảm thấy vui thú trong công việc. Làm việc để vui thú, việc làm trở thành một trò vui hơn là một nhu cầu bắt buộc. Nhất là khi động lực để làm việc là tình yêu, làm việc để làm cho người mình yêu hạnh phúc. Một cô gái thêu một chiếc khăn tay, đan một chiếc áo len để tặng cho chàng trai mình yêu tha thiết, thì công việc đó là một niềm vui, cô cảm thấy hạnh phúc khi làm việc đó. Nhưng nếu cô bị ép buộc phải làm việc đó cho một người cô ghét cay ghét đắng, thì cũng là công việc y như vậy mà cô lại cảm thấy nặng nhọc như một hình phạt. Vấn đề chỉ là có hay không có tình yêu mà thôi. Tội lỗi hay tình trạng thiếu tình yêu chính là nguyên nhân khiến cho con người thấy công việc thành nặng nhọc, không còn là một trò vui thú nữa.
Do đó, củng cố tình yêu nơi bản thân, coi công việc là một cách để làm cho người mình thương yêu, Thiên Chúa, tha nhân, được vinh quang, hạnh phúc, ta sẽ thấy việc làm trở thành một niềm vui, một trò vui chơi. Như vậy, công việc là một điều vui thú hay là một gánh nặng, chủ yếu là do thái độ nội tâm của ta hơn là do chính công việc. Vậy, giải phóng mình khỏi sự nặng nhọc buồn chán của công việc, khỏi ách nô lệ công việc, không gì bằng giải phóng nhãn quan của mình về công việc, nghĩa là phải thay đổi cách nhìn cũng như quan niệm của mình về công việc. Ðừng nhìn nó một cách quá nghiêm chỉnh, coi công việc là công việc với tất cả tính nghiêm trọng của nó. Cách nhìn đó làm ta mất hết hứng thú thậm chí làm đầu óc ta căng thẳng và làm khả năng ta tê liệt.
Hãy coi công việc mình làm như một trò tiêu khiển, và cũng như một đứa trẻ, hễ chơi trò này mệt thì đổi sang trò chơi khác. Một linh mục khi «chơi trò» nghiên cứu kinh thánh hay soạn bài giảng thấy mệt thì chuyển sang «trò» đi thăm giáo dân hay ra nhà nguyện «vui đùa» với Cha mình. Một tu sĩ cảm thấy chán và mệt với «trò» học hành, hãy chuyển sang «trò» viết thư thăm gia đình hoặc bạn bè. Nói chung, lấy trò này để giải trí cho trò kia, dùng việc nhẹ để tiêu khiển sau khi làm một việc nặng. Một giáo dân cảm thấy mệt vì «trò chơi» kiếm tiền nuôi gia đình, thì hãy chuyển sang «trò» phục vụ đồng nghiệp mình, hoặc «trò» về nhà đùa giỡn với con cái, cùng đi picnic với gia đình ở một công viên nào đó…
Nếu tội lỗi khi đi vào thế gian đã biến sự làm việc thành một gánh nặng, một sự buồn chán, thì khuynh hướng đi ngược lại, tức biến công việc thành niềm vui, thành trò chơi, ắt là một khuynh hướng thánh thiện, tốt đẹp. Ðó cũng là một cách thánh hóa công việc, là vui đùa với Thiên Chúa bằng công việc mà mình vốn coi nó là trò chơi.
Tính cách vui chơi và nghỉ ngơi được đặt rất nặng trong Kitô giáo nguyên thủy, thậm chí trong phụng vụ. Thật vậy, không có tôn giáo nào trên thế giới có nhiều ngày mừng lễ như trong Giáo Hội Công Giáo. Ngoài những ngày lễ lớn như Giáng Sinh, Phục Sinh... ngày nào trong tháng hay trong tuần, Giáo Hội cũng mừng lễ để kỷ niệm một biến cố nào đó trong lịch sử cứu độ hay lịch sử Giáo Hội, hoặc để mừng kính một vị thánh nào đó.
Thời xưa, lễ thường đi liền với hội, nên người ta thường gọi là lễ hội. Lễ: có tính cách thờ phượng, phụng vụ; Hội: có tính cách vui chơi giải trí, để cụ thể hóa tinh thần mừng lễ. Hội là hội hè, đình đám, vui chơi. Vì thế, trong ngôn ngữ phụng vụ của Giáo Hội, các ngày trong tuần đều được gọi là FERIA (nguyên thủy có nghĩa là ngày nghỉ lễ): Feria prima hay Dies Dominica (ngày thứ nhất hay Chúa Nhật), Feria secunda (thứ hai), Feria tertia (thứ ba)...[*] Chỉ có ngày thứ bảy là vẫn giữ danh từ Cựu Ước tức Sabbat (cũng là ngày nghỉ lễ). Ðiều đó cho thấy quan niệm của Giáo Hội xưa coi ngày nào trong năm phụng vụ cũng là ngày lễ nghỉ cả, đều là ngày để ăn mừng một điều gì đó. Do đó, bầu khí vui chơi ăn mừng có quanh năm suốt tháng.
[*] Tên của các ngày trong tuần trong Giáo Hội Công giáo:
● Dies Dominica (hay Feria prima) = Chúa nhậtÐiều đó thật hợp với ý nghĩa của hai chữ Tin Mừng (Tin làm vui mừng). Vì Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội rao giảng Tin Mừng, nên Tin Mừng đó phải làm cho mọi người trong Giáo Hội vui mừng trước đã. Thật vậy, rao giảng Tin Mừng với tâm trạng chẳng vui mừng gì cả, làm sao ta có thể làm người nghe cảm nhận thực sự đó là Tin Mừng? Do đó, Giáo Hội Công Giáo phải là một Giáo Hội lúc nào cũng vui mừng, cũng mừng lễ, cũng vui nhộn, ca hát... để biểu lộ đức tin đáng vui mừng của mình: Vui mừng vì được cứu độ. Còn gì đáng vui bằng điều đó? Chúa Giêsu đã chẳng bảo các môn đệ: «Anh em chớ vui mừng vì quỉ thần phải khuất phục anh em, mà hãy vui mừng vì tên của anh em đã được ghi trên Trời» (Lc 10,20) sao?
● Feria secunda = Thứ hai
● Feria tertia = Thứ ba
● Feria quarta = Thứ tư
● Feria quinta = Thứ năm
● Feria sexta = Thứ sáu
● Sabbat = Thứ bảy
Ngày nay, do việc kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, đời sống của các Kitô hữu cũng như mọi người khác trở nên bận rộn, tính chất hội hè vui chơi mang tính cộng đồng của ngày lễ càng ngày càng suy giảm. Vì thế, Giáo Hội hiện nay có vẻ như chỉ có lễ mà không có hội, phụng tự chỉ còn tính cách trang nghiêm mà mất đi tính cách vui đùa giải trí! Âu cũng là một điều mất hứng thú!
Người Cha trong gia đình thường nghe những tiếng cười ròn rã của đàn con nô đùa và cảm thấy điều đó đem lại niềm vui cho ông không kém gì khi thấy chúng nghiêm chỉnh làm việc. Nhưng chắc hẳn ông không cảm thấy hài lòng nếu chúng cứ nô đùa hoài mà không quan tâm tới làm việc, hoặc nếu chúng chỉ biết nghiêm trang làm việc mà không biết vui đùa với nhau và với ông. Cha trên Trời chắc hẳn không khác! Mất đi tính vui chơi, việc phụng tự đã mất đi nhiều ý nghĩa quan trọng và nét tươi vui phải có của nó!
4. KẾT LUẬN
Vui chơi, giải trí, nhàn nhã là điều kiện cần thiết để có thể làm việc được lâu dài và hiệu quả, điều đó ai cũng phải công nhận. Và để có điều kiện vui chơi giải trí và nhàn nhã một cách thoải mái, thì người ta phải làm việc. Thật vậy, muốn đi Vũng Tàu nghỉ mát và tắm biển, hay muốn tổ chức đi picnic với nhau ở một nơi nào đó, phải có phương tiện, tiền bạc. Ðiều đó giả thiết phải làm việc trước mới có. Như vậy, làm việc và vui chơi, làm việc và nghỉ ngơi là điều kiện lẫn cho nhau.
Nhưng có hai thái độ: một số người coi vui chơi và nghỉ ngơi là để phục vụ cho làm việc, coi làm việc là mục đích, vui chơi hay nghỉ ngơi là phương tiện; một số người khác coi làm việc là để sau này có thể vui chơi và nghỉ ngơi, nghĩa là coi vui chơi, nghỉ ngơi là mục đích, còn làm việc là phương tiện. Lập trường nào cũng có lý của nó.
Theo quan điểm của Thần học vui nhàn, chắc chắn cứu cánh của con người không phải là làm việc, mà là vui chơi, nghỉ ngơi, nhàn nhã. Thời xưa, trong nhiều sách giáo lý, câu hỏi đầu tiên là: «Phải làm gì cho được thanh nhàn vui vẻ vô cùng? và câu trả lời là: Phải giữ đạo thánh Ðức Chúa Trời». Như vậy rõ ràng theo các sách giáo lý đó, việc vui chơi, nhàn nhã là cứu cánh của chính việc giữ đạo Ðức Chúa Trời, huống gì làm việc. Và để dịch SALUS (Salut), có nguyên nghĩa là cứu, hay ơn cứu độ, tổ tiên ta đã dùng một từ dễ hiểu hơn, là phần rỗi, hay việc rỗi linh hồn. Từ rỗi ở đây chỉ có thể có nghĩa là rảnh rang, thong thả, nhàn nhã (trong tự điển, dường như không còn nghĩa nào khác). Phần rỗi đó chính là cứu cánh của việc giữ đạo Thiên Chúa. Tinh thần của sách giáo lý cũ và cách dịch chữ SALUS của tổ tiên ta chứng tỏ tổ tiên ta đã có trước những ý niệm mà sau này các nhà thần học vui nhàn chủ trương, tức coi sự vui chơi nhàn nhã là cứu cánh tối hậu của hiện hữu, cứu cánh ấy không thể là gì khác hơn là sự nhàn nhã vui chơi, và cứu cánh tối hậu ấy cũng chính là Thiên Chúa. Sự nhàn nhã, vui chơi, thoải mái, hạnh phúc, tự do đều nằm trong bản tính của Thiên Chúa.
Nếu cứu cánh cuối cùng của con người là nhàn nhã vui chơi, và nếu để được nhàn nhã vui chơi phải làm việc, thì đương nhiên giai đoạn hiện tại, tức trong cuộc sống đời này, chúng ta phải làm việc, phải giữ đạo thánh Ðức Chúa Trời cho nghiêm chỉnh như một phương tiện cần thiết để đạt được cứu cánh tối hậu kia. Và vì cứu cánh tối hậu của công việc, của việc giữ đạo là vui chơi nhàn nhã, nên chúng ta cần phải làm việc và giữ đạo trong tinh thần nhàn nhã vui chơi đó, để công việc, sự giữ đạo của chúng ta trở nên nhẹ nhàng thoải mái vui tươi hơn. Nghĩa là chúng ta có thể coi cuộc sống đời này, với các bổn phận, trách nhiệm, công việc phải làm, như một trò chơi lớn mà người thắng cuộc sẽ được vinh thưởng sau khi trò chơi kết thúc.
Nguyễn Chính Kết
________________________________________________
Phụ lục
Ðể Vui Chơi
Marie Noel, Notes intimes, Ed. Stock.
(Trích trong tự điển THÉO, mục Jeux)
Tôi không muốn nên trọn lành theo kiểu trọn lành của con người. Tôi không muốn tạo ra trong tôi một thứ lương tâm hành xử như một cảnh sát đứng ở mọi ngã đường để rình bắt những tên tội phạm đi ngang qua. Tôi không muốn mệt mỏi một cách thảm sầu vì ngày đêm cứ phải đo đạc, tính toán, cưa, đẽo, bào đục, để biến khúc cây sần sùi, lắm mắt thành một cỗ quan tài chôn xác chết.
Tôi muốn nên toàn thiện theo kiểu toàn thiện của Cha trên Trời. Ngài có luật lệ mà cũng có vui chơi thoải mái. Tác phẩm của Ngài đâu phải chỉ là các thiên thần sáng láng mà còn là những con bướm; không chỉ là trời, sao, cùng muôn vì tinh tú lúc nào cũng sẵn sàng vâng phục, mà còn là lửa, là gió, là những đám mây bất định thất thường.
Ngài vui đùa với những bông hoa, những đuôi con sóc, lông con công, chân con cò, vòi con voi, bướu lạc đà; Ngài sáng tạo ra là để vui chơi, nếu không phải để vui chơi thì để làm gì? Và nếu Ngài tìm thấy vui thú, có thể như vậy, nơi một tu sĩ thánh thiện đang ngày đêm hy sinh, cố gắng tuân giữ kỷ luật, thì chắc chắn Ngài cũng sẽ chúc lành bằng một nụ cười cho con dê đang nhảy múa, cho con gà đang ấp, cho con dê đực râu dài đang chồm lên con dê cái bạn nó.
Tôi muốn tâm hồn mình, cũng như tất cả các công trình của tôi, vừa có trật tự mà cũng vừa mang tính lãng mạn ngông cuồng (fantaisie).
Nguyễn Chính Kết dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét