Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

HNVH3-Chuong-2


Thích ứng và Hội Nhập Văn Hóa
trong việc Phúc Âm hóa




Chương 2



Hội Nhập Văn Hóa Là Gì?






Để phúc âm hóa có hiệu quả

Bất kỳ người Kitô hữu nào cũng có sứ mạng phúc âm hóa. Sứ mạng đó bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy khiến ta trở nên con cái Thiên Chúa và được chia sẻ với Chúa Kitô thiên chức vua, tư tế và ngôn sứ [*1]. Chia sẻ những thiên chức ấy, người Kitô hữu cũng chia sẻ với Chúa Kitô sứ mạng loan báo Tin Mừng, «làm cho muôn dân trở nên môn đệ Chúa», đồng thời «dạy bảo họ tuân giữ những điều Chúa truyền» cho mình [*2]. Sứ mạng đó lại càng trở nên rõ rệt và chính thức hơn khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thêm Sức, Thánh Thể, nhất là với những người đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức, và những người đã tận hiến đời mình cho việc mở mang Nước Chúa.
[*1] Tức 3 chức năng: làm chủ, làm lễ và làm chứng.
● Làm chủ: làm chủ bản thân (lý trí, tình cảm, cảm xúc, bản năng, các dục vọng, các khuynh hướng…), làm chủ tập thể (gia đình, xã hội, Giáo Hội), làm chủ ngoại cảnh (thiên nhiên, môi trường).
● Làm lễ: dâng bản thân, dâng ý riêng, dâng mọi công việc của đời thường lên Thiên Chúa như một lễ vật, cùng với Chúa Giêsu, để thờ phượng Thiên Chúa và để thánh hóa bản thân và mọi công việc của mình.
● Làm chứng: làm chứng cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu-Kitô, cho chân lý (luôn luôn thành thật, nói sự thật), cho công lý (sống công bình và đòi hỏi công bình trong xã hội, chống bất công áp bức), giúp mọi người nên tốt lành thánh thiện hơn, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn
 
[*2] Mt 28,19-20.
Có sứ mạng loan báo Tin Mừng, ta phải loan báo Tin Mừng sao cho có hiệu quả, nghĩa là phải loan báo Tin Mừng một cách có kế hoạch, có phương pháp và nghệ thuật. Muốn thế, một trong những vấn đề quan trọng nhất phải làm là mềm dẻo và khéo léo thích ứng cách rao truyền sứ điệp Kitô giáo với đối tượng và hoàn cảnh, đồng thời hội nhập sứ điệp Kitô giáo vào môi trường văn hóa của từng dân tộc mà mình muốn phúc âm hóa. Giữa thích ứng và hội nhập văn hóa có nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có những khác biệt căn bản.




Thích ứng là gì?

1. Định nghĩa

Thích ứng là ứng biến cho thích hợp:

– ứng biến là thay đổi (=biến) cách đối phó (=ứng) khi sự việc xảy ra,

– thích hợp là vừa khít (=thích), tương xứng, phù hợp (=hợp) với sự việc hay tình huống xảy ra.

Thích ứng là tùy theo từng tình huống cá biệt mà thay đổi cách ứng xử cho phù hợp từng tình huống một. Thích ứng có nghĩa tổng quát hơn hội nhập văn hóa.

Trong công cuộc phúc âm hóa, thích ứng là rao giảng sứ điệp Kitô giáo sao cho phù hợp với từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể của mỗi dân tộc, của mỗi xứ đạo, hay của mỗi cá nhân. Nghĩa là phải thay đổi phương thức phúc âm hóa, cách thức rao giảng, cách ứng xử, cách diễn tả sứ điệp... sao cho phù hợp với từng tình huống cụ thể của người nghe, để việc phúc âm hóa đi đến kết quả tốt đẹp. Hay nói cách khác là phải «tùy cơ ứng biến», «tùy duyên hóa độ» [*3].
[*3] «Tùy cơ ứng biến»: tùy từng trường hợp mà biến đổi cách tương ứùng; «tùy duyên hóa độ»: tùy theo hoàn cảnh, tình huống, trình độ và khuynh hướng riêng của mỗi người mà thay đổi cách giáo hóa cho phù hợp với từng người.
Để làm sáng tỏ vấn đề, ta thử đưa ra một vài hình ảnh minh họa.


2. Một vài minh họa về thích ứng

a) Thầy thuốc tùy bệnh cho toa

Việc thích ứng cũng giống như việc thầy thuốc tùy bệnh cho toa. Y lý chỉ có một và bất biến, nhưng bệnh thì nhiều vô kể, mỗi bệnh mỗi khác, không bệnh nào giống bệnh nào. Khi y lý được áp dụng vào từng cơn bệnh, nó sẽ biến thành rất nhiều phương thức trị liệu hay toa thuốc khác nhau, mỗi bệnh một toa. Bệnh giống nhau, thuốc mới giống nhau. Bệnh khác nhau, thuốc sẽ khác nhau. Thầy thuốc càng giỏi, nghĩa là càng nắm vững y lý, thì càng biết gia giảm các vị thuốc trong cùng một bài thuốc để trị những bệnh nhân tuy cùng một chứng bệnh nhưng lại hơi khác nhau về một số chi tiết nhỏ nhặt nào đó. Có biết gia giảm như thế, việc chữa trị mới nhanh chóng và hữu hiệu. Chỉ những thầy thuốc dở mới áp dụng cùng một toa thuốc như nhau cho những con bệnh khác nhau. Những thầy thuốc loại này là những người không nắm vững được y lý, nên không biết cách áp dụng y lý đó trong những trường hợp cá biệt khác nhau của bệnh tật.

Cũng vậy, người rao giảng chân lý phải nắm vững chân lý mình rao giảng, và hễ nắm vững chân lý mình rao giảng thì cũng sẽ biết thay đổi cách trình bày chân lý ấy tùy theo trình độ tâm linh, trí tuệ, não trạng, tính tình của người nghe để họ cũng nắm vững chân lý và thật sự áp dụng chân lý ấy vào đời sống của họ. Không biết phải thay đổi cách trình bày chân lý thế nào cho phù hợp với từng đối tượng, điều đó chứng tỏ rằng người rao giảng chưa nắm vững được chân lý mình rao giảng. Một khi đã nắm vững được chân lý trong vấn đề mình nói, thì tuy trình bày cùng một vấn đề, nhưng khi trình bày cho một nông dân, cách thức trình bày hay hình thức diễn tả ắt phải khác với cách trình bày cho một bác sĩ. Có nắm vững chân lý thì mới có khả năng trình bày cách thích ứng như thế cho các đối tượng khác nhau.


b) Dòng điện thay đổi tùy theo dụng cụ điện

Sự thích ứng cũng tương tự như sự thay đổi của dòng điện: cùng một dòng điện nhưng tùy theo công suất tiêu thụ của mỗi dụng cụ mà cường độ dòng điện thay đổi để thích ứng với dụng cụ, làm phát sinh những công năng khác nhau, hầu cung ứng đủ năng lực để dụng cụ hoạt động mà không vượt quá sức chịu đựng của dụng cụ. Cùng một dòng điện 220 volt, khi vào một dụng cụ 100 watt, thì cường độ dòng điện là 0,45 ampère, nhưng khi vào dụng cụ 1000 watt, thì cường độ tăng lên 10 lần thành 4,54 ampère [*4]. Nếu không có sự thích ứng đó, dòng điện sẽ làm hư hỏng dụng cụ điện hoặc không đủ năng lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
[*4] Theo công thức P = UI (P = công suất, U = hiệu thế, I = cường độ) Þ I = P/U.
Ngoài ra, khi đi vào những dụng cụ điện, dòng điện còn biến đổi thành những hình thái khác nhau của năng lượng. Khi vào bóng đèn, điện biến thành ánh sáng, vào quạt máy thì thành gió, vào bếp điện thì thành hơi nóng, vào tủ lạnh thì thành hơi lạnh... Thật là trái tự nhiên khi dòng điện đi vào những môi trường tiêu thụ khác nhau mà lại sinh ra cùng một công năng hay cùng một hình thái năng lượng như nhau.


c) Cây nào sinh trái nấy

Tương tự như thế, cùng mọc trên một thửa đất như nhau, nhưng cây nào sinh trái đó. Cây khác nhau thì không thể vì cùng mọc trên một thửa đất mà sinh ra cùng một loại trái được. Cây cam sinh trái cam, cây chanh sinh trái chanh thì cả hai cây đều hoạt động đúng với luật tự nhiên. Nhưng nếu cả hai cây đều sinh ra cùng một thứ trái thì đó quả là chuyện lạ thường, nghịch tự nhiên. Mà một trong những nguyên tắc căn bản của Kitô giáo là hành động theo luật tự nhiên, không chấp nhận những gì phản tự nhiên.

Như vậy, cùng suy tư và khai triển mặc khải duy nhất của Đức Kitô, thì người Á châu với vũ trụ quan động, nhận thức luận đa diện và nhất nguyên không thể có cùng một cách diễn tả chân lý, cùng một lối suy tư thần học như người Âu Châu với vũ trụ quan tĩnh, nhận thức luận đơn diện và nhị nguyên được. Ép buộc người Á châu khi suy tư thần học cũng phải đi đến cùng một kết luận thần học y như những kết luận thần học đã có trước của người Âu Châu thì chẳng khác nào ép cây cam phải ra cùng một loại trái như cây chanh. Như vậy, có tự nhiên và hợp lý không khi mà cái nào ra trước thì được tự do ra theo điều kiện riêng và bản chất nội tại của mình, còn cái nào ra sau thì phải ép mình mà ra giống như cái đã ra trước – vốn đã được chính thức hóa làm khuôn mẫu để duy trì sự thống nhất cho toàn thể – bất chấp việc phải đi trái với bản chất nội tại và những điều kiện riêng của mình?


3. Thích ứng để tồn tại và phát triển

Thích ứng là một điều kiện quan trọng để tồn tại, phát triển, và thành công. Phàm tất cả mọi sinh vật trên thế giới này, sinh vật nào biết thích ứng với hoàn cảnh xung quanh mình, thì dù có mỏng dòn yếu ớt vẫn có thể tồn tại và phát triển. Còn sinh vật nào không biết thích ứng, thì dù có mạnh mẽ hay vững chắc tới đâu, cũng sẽ không phát triển được nếu không muốn nói là bị tiêu diệt [*5].
[*5] Những con khủng long là những động vật to lớn và mạnh mẽ nhất, nhưng lại không tồn tại và phát triển được nòi giống của mình một cách lâu dài, còn những con kỳ nhông nhỏ bé và yếu ớt lại tồn tại qua thời gian. Vì khủng long đã không thích ứng được với môi trường chung quanh (thời tiết, sinh thái, thực phẩm…), còn kỳ nhông tự biến đổi mình phù hợp với môi trường, với điều kiện sinh sống của mình.
Đối với các tôn giáo cũng thế, hễ biết thích ứng với hoàn cảnh chung quanh, với những tình huống luôn luôn thay đổi, thì sẽ tồn tại và phát triển. Không chịu thích ứng thì sẽ bị luật đào thải loại trừ. Cũng thế, việc phúc âm hóa nếu muốn thành công thì phải thích ứng với đối tượng, với môi trường, với hoàn cảnh, thời thế... Trong việc phúc âm hóa, sự thích ứng đó là «tùy duyên hóa độ», là hội nhập văn hóa.




Hội Nhập Văn Hóa Là Gì?


1. Định nghĩa

Hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo là đưa sứ điệp Kitô giáo vào trong nền văn hóa của dân tộc bằng cách diễn tả sứ điệp Kitô giáo một cách thích ứng với nền văn hóa đó, đồng thời hoàn chỉnh nền văn hóa đó theo tinh thần Kitô giáo. Như vậy hội nhập văn hóa là một cuộc hội thoại giữa đức tin và văn hóa, nó có hai chiều:

1. Một đằng là thích ứng sứ điệp Kitô giáo với văn hóa của dân tộc lãnh nhận sứ điệp, vận dụng những yếu tố phù hợp với tinh thần Kitô giáo trong văn hóa của dân tộc ấy để diễn tả sứ điệp, hầu đưa sứ điệp vào lòng dân tộc ấy một cách thuận lợi và dễ dàng. Chẳng hạn khi diễn tả sứ điệp Kitô giáo cho người Việt Nam, ta nên dùng những ý niệm, hình ảnh, câu nói quen thuộc đối với người Việt như ca dao tục ngữ, hay những quan niệm triết lý Đông Phương để giải thích, truyền đạt. Không nên lạm dụng triết lý Tây Phương hay những hình ảnh tuy quen thuộc với người Tây Phương, nhưng lại rất xa lạ với người Việt để diễn đạt sứ điệp. Nhờ sự thích ứng đó, Kitô giáo trở nên dễ hiểu, thân thuộc và dễ chấp nhận với người Việt. Nếu không, Kitô giáo sẽ trở thành xa lạ, ngoại lai, khó hiểu và khó chấp nhận.

2. Đằng khác hội nhập văn hóa còn là biến đổi nền văn hóa đó, làm cho nền văn hóa đó hoàn thiện hơn. Nói khác đi là làm cho nền văn hóa ấy mang nhiều tinh thần Tin Mừng hơn. Đây chính là mục đích phải đạt được của việc hội nhập văn hóa: đó là phúc âm hóa nền văn hóa đó, tức làm cho sứ điệp Tin Mừng ảnh hưởng trên quan niệm, cách suy nghĩ, cách hành xử của dân chúng, làm cho tinh thần Chúa Kitô thấm nhuần vào lòng dân tộc ấy. Nếu sự thích ứng trên mà không nhằm mục đích này, hay không đạt được mục đích này, thì đó không phải là hội nhập văn hóa đúng nghĩa. Đó mới chỉ là hội nhập văn hóa nửa vời, hời hợt.

Như vậy, hội nhập văn hóa – có nghĩa hẹp hơn thích ứng – là thích ứng về mặt văn hóa khi đem một sứ điệp tôn giáo đến với một dân tộc nào đó. Nhiều trường hợp thích ứng chỉ là thích ứng mà không phải là hội nhập văn hóa. Nhưng mọi trường hợp hội nhập văn hóa đều có tính thích ứng.

Trong việc loan báo Tin Mừng, hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo là rao giảng sứ điệp đó một cách thích ứng với nền văn hóa hay những yếu tố văn hóa của từng dân tộc để có thể phúc âm hóa nền văn hóa đó, làm cho nền văn hóa đó thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Như vậy, hội nhập văn hóa không phải chỉ theo một chiều là thích ứng cách diễn tả sứ điệp với nền văn hóa của dân tộc, mà còn theo chiều ngược lại là nhờ sự thích ứng đó mà sứ điệp Kitô giáo mới dễ dàng thấm sâu vào nền văn hóa ấy, biến đổi nền văn hóa ấy trở nên tốt hơn, thuận lợi cho việc mở mang Nước Chúa hơn. Chiều thứ nhất là phương tiện, chiều thứ hai là mục đích phải đạt được. Nếu hội nhập văn hóa mà không nhắm phúc âm hóa các nền văn hóa, thì chưa phải là hội nhập văn hóa đúng nghĩa.


2. Vài thí dụ và phản thí dụ về hội nhập văn hóa

a) Tượng Chúa Giêsu da đen

Một trong những cách cụ thể để hội nhập văn hóa tại Phi châu là: hình Chúa Giêsu và Đức Mẹ đều là da đen. Điều đó quả là trái ngược với sự thật lịch sử, vì Chúa Giêsu và Đức Maria là người Do Thái da trắng chứ đâu phải là người Phi châu da đen. Nhưng điều trái với sự thật lịch sử ấy lại đúng với «chân lý» (lý lẽ chân thật) vì nó diễn tả đúng tinh thần nhập thể và cứu độ của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn chia sẻ thân phận của nhân loại qua con người Đức Giêsu Kitô, nên nếu Ngài muốn chia sẻ thân phận với người Phi châu nghèo nàn đau khổ thì Ngài phải là người da đen.

Vả lại, đối với người Phi châu, thì người da trắng là kẻ thù, là người bóc lột và đặt ách nô lệ lên đầu lên cổ họ. Vì thế, da trắng hay mầu trắng tượng trưng cho những gì xấu xa nhất, đến nỗi tại châu Phi có những thành ngữ như: xấu như da trắng, hay đểu như da trắng. Mà Đức Giêsu và Đức Mẹ lại tượng trưng cho những gì cao cả nhất, tốt đẹp nhất, nếu các Ngài được tạc tượng là người da trắng thì quả là trớ trêu, khó chấp nhận đối với họ. Trong bối cảnh đó, tạc tượng các Ngài là da đen chính là hội nhập văn hóa.


b) Tượng Chúa bị cùi

Một thí dụ khác tương tự: Một vị giám mục tới thăm một trại cùi. Ngài cảm thấy bị xúc phạm rất mạnh khi thấy Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ, lại bị tạc tượng thành một người cùi: cùi chân cùi tay, lở miệng sứt tai trông rất gớm ghiếc. Vị giám mục quyết tâm điều tra cho bằng được xem ai là tác giả sự sỉ nhục ghê gớm ấy. Cuối cùng, một thầy dòng già – phục vụ trong trại cùi lâu năm và cuối cùng đã bị lây bệnh – tự thú mình là tác giả. Thầy thưa với Đức Cha: «Con không biết phải làm thế nào để diễn tả tình thương yêu tột cùng của Chúa Giêsu đối với những người đau khổ đến tận cùng, cả thể xác lẫn tinh thần, như những người cùi trong trại này, hơn là cho họ thấy Ngài cũng chia sẻ thân phận bị cùi như họ, thậm chí hơn họ nữa: đã bị cùi mà còn chịu đóng đinh nhục nhã để cứu họ».... Vị giám mục hiểu ra và công nhận thầy già có lý. Tạc tượng như thế, chính là thích ứng, là hội nhập văn hóa, là «tùy duyên hóa độ».


c) Phản thí dụ: Ở xứ nóng mà mặc đồ dày

Một số dòng tu được thành lập ở Âu Châu là nơi khí hậu tương đối rất lạnh so với Việt Nam hay Phi châu. Vì thế, y phục của các dòng tu này phải nhiều và dày để thích ứng với khí hậu lạnh đó. Vì tai là phần dễ nhiễm lạnh nhất trên đầu, nên họ thường che kín cả hai tai. Và người sáng lập dòng thường gán cho mỗi thứ áo mặc vào một ý nghĩa tương ứng với những tôn chỉ hay các nhân đức căn bản của linh hạnh dòng. Đó là một cách nhắc nhở tuyệt vời.

Nhưng khi tới hoạt động ở các xứ nóng vùng nhiệt đới, tu sĩ các dòng đó vẫn mặc đầy đủ các thứ quần áo đó y như khi sống và hoạt động ở những xứ lạnh. Y phục vừa nhiều vừa dài rộng như thế, đôi khi trắng toát từ đầu đến chân, làm sao phù hợp được với khung cảnh của đám dân nghèo mà họ phục vụ, không có đủ vải để che thân? Bộ quần áo trắng toát làm sao phù hợp được với màu da đen của dân Phi châu, và với não trạng không ưa mầu trắng của họ? Và bộ quần áo tu sĩ đó quả là khác thường, lập dị so với cách ăn mặc của người dân bản xứ.

Thế nhưng nhiều dòng tu vẫn luôn luôn coi là quan trọng việc giữ cho đúng bản sắc riêng của dòng mình, không muốn bị lẫn lộn với dòng khác, và coi việc hòa đồng với dân chúng địa phương chỉ là thứ yếu.


d) Phản thí dụ: Thánh Phaolô nói về sự sống lại ở Hy Lạp

Sự thất bại của thánh Phaolô khi rao giảng ở Hy Lạp, trước pháp viện Athen (Arêôpagô) có thể là một bài học cho ta về hội nhập văn hóa (Xem Cv 17,16-34). Người Hy Lạp tại Athen đã yêu cầu Phaolô rao giảng và họ đã lắng tai nghe. Họ đã để cho Phaolô nói một đoạn dài mà chắc hẳn họ cũng cảm thấy hấp dẫn vì nó lạ tai, và không có gì ngược với triết lý của họ. Nhưng khi ngài nói về việc Đức Kitô sống lại thì họ bỏ đi không thèm nghe nữa, vì điều đó đi ngược hẳn lại quan niệm triết lý của họ: họ vốn xác tín rằng thân xác là tù ngục của linh hồn, nên chết là giải thoát cho linh hồn, thì thân xác sống lại để làm gì? Sự sống lại đối với người Do Thái là việc dễ hiểu, dễ chấp nhận, nhưng đối với người Hy Lạp là chuyện khó hiểu và rất khó chấp nhận. Họ cần phải được chuẩn bị để thay đổi quan niệm cũ trước khi nghe sự thật khó chấp nhận ấy.


3. Cần phải chuẩn bị người nghe

a) Chuẩn bị tiệm tiến

Trong những lần gặp gỡ đầu, thiết tưởng thánh Phaolô chưa nên đề cập đến những vấn đề căn bản của Kitô giáo mà do sự khác biệt về văn hóa, người Hy Lạp chưa thể chấp nhận được. Trước khi đề cập đến những vấn đề khó chấp nhận ấy, cần phải chuẩn bị cho họ để họ đón nhận dễ dàng hơn, có thể phải mất một thời gian khá lâu. Đâu phải người Hy Lạp không thể đón nhận ý tưởng người chết sống lại. Họ không đón nhận chỉ vì lúc đó họ chưa được chuẩn bị tư tưởng để đón nhận. Vì như chúng ta thấy hiện nay, đa số người Hy Lạp đã trở thành Kitô hữu, nghĩa là họ đã chấp nhận và tin điều ấy.

Trong nghệ thuật đắc nhân tâm, các nhà viết sách đều khuyên ta nên làm cho người nghe gật đầu đồng ý với ta ngay từ đầu, và phải khôn khéo làm cho họ tiếp tục gật đầu cho tới khi họ hoàn toàn đồng ý với ta. Phải đi từ những điều dễ đồng ý nhất, rồi từ từ chuyển đến những điều khó đồng ý hơn, cứ thế cho đến những điều khó đồng ý nhất, không nên có sự đột ngột thiếu chuẩn bị. Việc phúc âm hóa đòi hỏi kết quả lâu dài và vững bền, không phải là việc có thể làm gấp rút thiếu chuẩn bị. Bao lâu người nghe còn đồng ý với ta thì ta còn cơ hội để rao giảng cho họ. Nếu họ bất đồng ý với ta từ ban đầu, họ sẽ không thèm nghe ta nữa, và ta không thể tiếp tục rao giảng cho họ: như thế là ta đã đánh mất họ ngay từ đầu.

Thật ra, người ta có thể chấp nhận những điều khó chấp nhận nhất, miễn là họ được chuẩn bị một cách tiệm tiến và có phương pháp. Rất nhiều trường hợp người ta không chấp nhận được là do sự khác biệt về văn hóa. Chẳng hạn nhiều người Kitô hữu khi nghe nói tới chuyện ngày tốt ngày xấu, hay thuyết luân hồi... là gạt đi ngay, không chấp nhận được. Cũng như nhiều người Phật tử nghe nói tới hình phạt hỏa ngục đời đời [*6] hay chuyện đền tội thay cho người khác thì cho ngay là chuyện phi lý không thể chấp nhận và không thèm nghe tiếp. Nhưng có biết bao người mới đầu không chấp nhận được một điều gì đó, thế mà về sau lại cảm thấy điều không thể chấp nhận ấy cũng có lý để rồi cuối cùng chấp nhận.
[*6] Theo quan niệm của đạo Phật, ngoại trừ Chân Như Phật tính là cái duy nhất thường hằng bất biến, thì tất cả mọi sự đều là vô thường, không có gì tồn tại vĩnh viễn. Vả lại, không có một tội nào – dù to tát đến đâu – do con người hữu hạn gây nên mà lại mang tính vô hạn đến nỗi phải chịu một hình phạt vô hạn cả.

b) Thích ứng hai chiều

Nếu có điểm nào trong sứ điệp mà người nghe chưa thể chấp nhận được, thì ta chưa nên nói tới điểm đó vội. Nhưng ta nên dành một thời gian để chuẩn bị cho họ đón nhận điểm đó dễ dàng hơn. Không nên đốt giai đoạn: «Dục tốc bất đạt». Nghĩa là khi không thể thích ứùng cách diễn tả sứ điệp với người nghe, thì ta phải tìm cách giúp người nghe thích ứng với cách diễn tả sứ điệp ấy. Sự thích ứng cần phải được hiểu theo hai chiều như thế mới thích đáng: vừa thích ứng cách diễn tả sứ điệp với người nghe, vừa giúp người nghe thích ứng với cách diễn tả sứ điệp. Điều quan trọng là làm sao cho sứ điệp Kitô giáo được đón nhận một cách vui vẻ, tự nguyện, do người nghe giác ngộ được chân lý, chứ không phải chấp nhận một cách miễn cưỡng, chấp nhận mà chưa thấy được sự khả tín của nó.


4. Văn hóa đa dạng của các dân tộc

Do những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, sinh thái... khác nhau, mỗi dân tộc có một nề nếp sinh sống riêng biệt, với những phong tục tập quán, não trạng, quan niệm về sự vật, lề lối tư tưởng khác biệt nhau. Những yếu tố khác nhau ấy tạo nên những nền văn hóa khác nhau, khiến mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng. Chẳng hạn, tuy Việt Nam và Căm-pu-chia là hai nước ráp ranh nhau, nhưng văn hóa của hai dân tộc khác hẳn nhau: ngôn ngữ, phong tục, tập quán, y phục, đồ ăn uống, kiến trúc nhà cửa, nghệ thuật... đều khác nhau. Có những điều rất dễ hiểu, dễ chấp nhận nơi dân tộc này, lại là những điều rất khó hiểu và khó chấp nhận nơi dân tộc kia. Quan niệm và lề lối suy tư giữa hai nền văn hóa có thể khác biệt đến độ «bên này dãy núi Pyrénée là chân lý thì bên kia là sai lầm» [*7].
[*7] Ngạn ngữ Pháp.
Chẳng hạn, những thế kỷ trước, đang khi tại châu Âu người ta cho rằng tự tử dưới bất cứ hình thức nào đều không nên, thậm chí là một tội nặng tương đương với giết người, thì tại Nhật Bản, việc tự tử để tự đền tội mình – hay «samurai» – trong những trường hợp phạm lỗi nặng là một điều đáng khuyến khích, biểu lộ nhân cách và lòng tự trọng của mình. Ai không dám tự xử trong những trường hợp đó thì bị coi là hèn nhát, đáng khinh. Hay hiện nay, đang khi tại một vài vùng ở Á châu, việc ăn thịt chó hay mèo cũng tương tự như ăn thịt bất cứ thú vật nào khác, thì tại các nước Âu Mỹ đó là một điều ghê tởm không thể chấp nhận được, thậm chí có nơi có thể bị đưa ra tòa án và bị kết án tù mấy tháng. Vì thế, một người tới loan báo Tin Mừng tại một vùng nào, không thể cứ hành xử theo quan niệm văn hóa của dân tộc mình mà được người khác đồng ý và nể phục.

Do đó, khi rao giảng một sứ điệp tôn giáo cho một dân tộc, ta phải lưu tâm và thích nghi với những khác biệt về văn hóa của dân tộc ấy, đồng thời thay đổi cách thức diễn tả sứ điệp tôn giáo sao cho phù hợp với não trạng, lề lối suy tư cũng như quan niệm của từng dân tộc, nghĩa là phù hợp với những yếu tố văn hóa của dân tộc ấy, thì người nghe dễ chấp nhận sứ điệp ta rao giảng.


5. Để làm người khác biến đổi...

Muốn biến đổi ngoại cảnh, phải biến đổi mình trước

Sứ điệp Kitô giáo chỉ có một và luôn luôn phải giữ nguyên vẹn, không được biến đổi, nhưng cách diễn tả hay trình bày sứ điệp ấy phải thay đổi tùy theo điều kiện văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị... của đối tượng phúc âm hóa. Nhờ sự thích ứng ấy người nghe mới lãnh hội được sứ điệp ta muốn trình bày, đồng thời mới chịu thay đổi đời sống, cách quan niệm, suy nghĩ, nói năng và hành động của họ. Như vậy, chính ta phải thay đổi để thích ứng với đối tượng trước, sau đó đối tượng mới có thể thay đổi như lòng ta mong ước.

Trong quá trình biến đổi và làm chủ thiên nhiên, trước tiên con người tìm hiểu luật của thiên nhiên, sau đó tuân theo luật đó, nghĩa là phải thích ứng với thiên nhiên, và càng thích ứng với thiên nhiên, con người càng có khả năng biến đổi và làm chủ thiên nhiên. Không ai có thể làm cho thiên nhiên tuân theo ý mình trước khi chính mình tuân theo luật của thiên nhiên đã. Cũng như một người muốn điều khiển một chiếc xe gắn máy, trước tiên bản thân anh ta phải thích ứng với chiếc xe, nghĩa là phải tuân hành nghiêm túc những thể lệ hay qui luật của chiếc xe đó. Nếu không như thế, anh sẽ không bao giờ điều khiển được chiếc xe.

Đó chỉ là một vài minh họa khá què quặt [*8] để nói lên rằng muốn phúc âm hóa một nền văn hóa mà không đếm xỉa đến những qui luật, những đòi hỏi của nền văn hóa ấy, chỉ muốn áp đặt những gì mình muốn trên đó, thì việc phúc âm hóa ấy sẽ không bao giờ thành công.
[*8] Sở dĩ nói què quặt là vì phúc âm hóa không phải là một chiến thuật để chinh phục hay làm chủ người khác, mà để cảm hóa lòng người, giúp người khác nhận chân được chân lý đức tin. Nhưng để được như vậy, việc thích ứng với quan niệm của họ cũng rất cần thiết.



Mầu Nhiệm Nhập Thể Và Hội Nhập Văn Hóa


Thuật ngữ hội nhập văn hóa (Inculturation) là một thuật ngữ rất mới, chỉ được dùng trong các văn kiện chính thức của Giáo Hội từ năm 1974. Ý nghĩa hiện hành của từ ngữ này bắt nguồn từ Mầu nhiệm Nhập Thể: Ngôi Lời nhập thể thành người, để Lời của Thiên Chúa nhập thể vào ngôn ngữ loài người, được chuyển dịch hay diễn tả bằng ngôn ngữ của con người, qua Đức Giêsu Kitô.


1. Lời Thiên Chúa nhập thể thành lời con người

a) Lời vô hạn trở thành lời hữu hạn

Điều chúng ta cần phải lưu ý và đào sâu là Thiên Chúa thì vô hạn, lời của Thiên Chúa cũng siêu việt và vô hạn, nên khi nhập thể vào ngôn ngữ rất hạn chế của con người, thì Lời của Thiên Chúa được diễn tả qua ngôn ngữ loài người nơi Đức Giêsu Kitô đã trở thành hữu hạn để thích ứng với trình độ hữu hạn của con người. Do đó, có một sự bất bình đẳng hay bất tương xứng giữa Lời Vô Hạn của Thiên Chúa và lời hữu hạn của con người mà Đức Giêsu dùng để mặc khải cho nhân loại về Thiên Chúa. Lời Vô Hạn của Thiên Chúa - hay Ngôi Lời - thì tuyệt đối, siêu việt không gian, thời gian, vượt khỏi khả năng lãnh hội của con người và khả năng diễn đạt của ngôn ngữ con người. Nhưng lời của Đức Giêsu Kitô – được diễn tả bằng ngôn ngữ hạn hẹp của con người – thì không thể còn đầy đủ tính chất như Lời Vô Hạn của Thiên Chúa nữa. Thực tại vô hạn mà lại được diễn tả bằng ngôn ngữ hữu hạn của con người thì sẽ bị ngôn ngữ ấy biến thành hữu hạn, vì nếu không thì cái hữu hạn làm sao chứa được cái vô hạn? Tuyệt đối hóa và vô hạn hóa ngôn ngữ của con người mà Đức Giêsu dùng để diễn tả về Thiên Chúa vô hạn thì quả có gì đó không hợp lý, không ổn.


b) Để thích ứng với sự hữu hạn của con người

Lời vô hạn và tuyệt đối ấy khi nhập thể thành lời của con người thì trở nên hữu hạn và tương đối, bị hạn chế trong không gian và thời gian, trong khả năng lãnh hội rất hạn chế của con người. Vì nếu lời nói mà cao siêu quá thì con người sẽ không hiểu nổi. Chính Đức Giêsu cũng nói: «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn (chứ không phải nói) anh em tới Sự Thật toàn vẹn» (Ga 16,12-13). Sự Thật toàn vẹn chắc chắn không thể dùng ngôn ngữ con người mà nói hết được: «Đạo khả đạo phi Thường Đạo» [*9]. Nghĩa là chân lý mà diễn tả được thành lời thì không còn là Chân Lý Bất Biến nữa. Chỉ những ai được Thần Khí Sự Thật soi dẫn mới có thể hiểu được Sự Thật Toàn Vẹn.
[*9] LÃO TỬ, Đạo Đức Kinh, chương 1, câu 1.


2. Vài minh họa về việc nhập thể (=trở nên hữu hạn)

a) Nhà bác học


Lời của Thiên Chúa nhập thể vào lời của con người phần nào giống như một nhà bác học nọ, khi ông ta ở trong phòng thí nghiệm của ông với đầy đủ mọi máy móc tân kỳ, mọi chất liệu thượng hảo hạng, thì ông có thể chế tạo ra bất cứ chất nào có trên trần gian này. Nhưng khi ông đến chơi nhà một người học trò có một phòng thí nghiệm đơn sơ nghèo nàn, thì tại đó, ông chỉ có thể chế tạo được một số chất nào đó thôi, với một độ tinh khiết cũng rất giới hạn. Tài năng của ông vẫn y nguyên, nhưng điều kiện có thay đổi, nên kết quả cũng thay đổi. Khả năng chế tạo của ông tại nhà người học trò bị giới hạn vì bị lệ thuộc vào những điều kiện quá hạn chế.

Cũng vậy, Lời nguyên thủy của Thiên Chúa thì vô hạn, viên mãn, nhưng khi nhập thể vào ngôn ngữ nghèo nàn của loài người thì không thể vẫn vô hạn và viên mãn y như Lời nguyên thủy được.


b) Việc viết sách

Tương tự như vậy, khi tôi viết tập sách này, tôi phải diễn đạt ý tưởng của tôi thành lời, nhưng tôi cảm thấy mình không thể diễn đạt được hoàn toàn trung thực và hết ý của mình, phần vì khả năng diễn đạt của tôi còn yếu kém, phần vì chính tiếng Việt cũng có giới hạn của nó. Vì thế, điều tôi viết ra không thể là trọn vẹn hay viên mãn ý tưởng mà tôi có về vấn đề này. Có những điều tôi muốn người đọc phải tự hiểu, hiểu xa hơn điều tôi viết ra. Nếu tôi phải trình bày đề tài này cho các em học giáo lý rước lễ lần đầu, vốn chưa có ý niệm rõ rệt về vấn đề này, thì ý tưởng của tôi trình bày ra còn bị giới hạn nhiều hơn nữa, vì khả năng lãnh hội còn ít ỏi của các em. Tôi có diễn đạt tài tình cách mấy, thì bài trình bày cho các em không thể đầy đủ bằng bài trình bày cho người lớn, và các em có nghe bài được trình bày cho người lớn thì cũng sẽ không hiểu được bằng người lớn...


c) Người cha truyền đạt sự khôn ngoan cho con

Tương tự như vậy, trí khôn con người quá hạn hẹp, nên Thiên Chúa không thể mặc khải cho con người tất cả những chân lý vô biên của Ngài. Ngài chỉ có thể mặc khải một phần rất nhỏ những gì có thể mặc khải được về Ngài, phù hợp với khả năng lãnh hội rất nhỏ bé của con người. Có muốn mặc khải nhiều hơn thế cũng vô ích. Cũng như một người cha khôn ngoan, ông không thể truyền thụ hết sự khôn ngoan của mình cho một đứa con còn nhỏ. Sự truyền thụ mà người cha có thể làm được chỉ là một phần rất nhỏ sự khôn ngoan của mình. Ông phải chờ nó lớn lên, rồi mới truyền thụ tiếp.

Cũng vậy, mặc khải của Đức Giêsu Kitô về Thiên Chúa không thể là tất cả những gì có thể nói được về Thiên Chúa. Vậy, chúng ta đừng cho là tuyệt đối những gì còn tương đối, đừng cho là viên mãn những gì còn thiếu sót.


3. Lời phổ quát thành lời cá biệt

a) Ngôi Lời chỉ dùng một ngôn ngữ cá biệt

Khi nhập thể thành lời của con người, Lời của Thiên Chúa còn bị nhiều hạn chế khác nữa. Nhân loại có hàng trăm thứ tiếng khác nhau, không có tiếng nào chung cho tất cả thế giới. Vì thế, để nhập thể vào ngôn ngữ loài người, Thiên Chúa phải chọn một ngôn ngữ đặc thù nào đó để Lời Ngài nhập thể vào. Và Ngôi Lời đã nhập thể vào dân tộc Do Thái, với ngôn ngữ Do Thái, trong nền văn hóa Araméen.

Tiếng Do Thái chưa hẳn đã là ngôn ngữ thích hợp nhất hay tốt nhất để qua đó Ngài tự mặc khải cho con người. Cách lựa chọn của Ngài không giống như cách của con người: Ngài chọn người hay điều mà Ngài muốn, vì tình thương, theo sự tự do của Ngài, không vì người đó tài đức hay điều ấy có gì đặc biệt... Cũng vậy, văn hóa Araméen không hẳn đã là văn hóa hay nhất, thích hợp nhất để diễn tả sứ điệp của Ngài.

Hội nhập văn hóa là làm cho sứ điệp của Chúa Kitô tái nhập thể vào các nền văn hóa cá biệt của các dân tộc để sứ điệp ấy trở thành phổ quát, đến được với tất cả mọi người, mọi dân tộc trên thế giới.


b) Sứ điệp Đức Kitô cần mặc những bộ áo ngôn ngữ và văn hóa khác nhau

Lời của Thiên Chúa tuy chỉ nhập thể vào dân tộc Do Thái, với tiếng Do Thái, trong văn hóa Araméen, nhưng Lời đó không phải chỉ nói với dân tộc Do Thái hay những người thuộc văn hóa Araméen, mà nói với tất cả mọi dân tộc, thuộc mọi nền văn hóa trên thế giới. Vì thế, để rao truyền sứ điệp ấy cho mọi người trong mọi dân tộc, sứ điệp ấy phải được dịch từ tiếng Do Thái sang tất cả mọi thứ tiếng, nghĩa là sứ điệp ấy phải mặc rất nhiều bộ áo ngôn ngữ khác nhau để phù hợp với mọi dân tộc, thì mọi người mới hiểu được.

Ta thấy bộ Tân Ước của chúng ta khởi đầu đã gồm nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng chủ yếu là tiếng Hy Lạp. Sau đó, Lời Chúa được chuyển dịch thành nhiều ngôn ngữ khác nhau: khởi đầu là những ngôn ngữ vùng Trung Đông, sau là tiếng La-tinh, và hiện nay hầu như đã được dịch sang tất cả những ngôn ngữ hiện có trên thế giới, kể cả những ngôn ngữ của những dân tộc thiểu số [*10].
[*10] Trong Giáo Hội Tin Lành, có nhiều nỗ lực dịch Tân Ước sang nhiều thứ tiếng, dù là tiếng của những dân tộc ít người.
Tương tự như thế, sứ điệp Đức Kitô phải mặc lấy những bộ áo văn hóa khác nhau để được rao truyền một cách thích hợp cho tất cả mọi người, chứ không thể giữ nguyên bộ áo văn hóa nguyên thủy, hay giữ cố định và duy nhất một bộ áo văn hóa nào.


c) Đó là nhiệm vụ của các Giáo Hội địa phương

Việc mặc cho sứ điệp ấy những bộ áo văn hóa khác nhau, với những cách diễn tả khác nhau để thích ứng với mọi dân tộc, mọi người trên thế giới, không phải là phận vụ của Đức Kitô nữa, mà là phận vụ của Giáo Hội khi loan báo Tin Mừng, nhất là của các Giáo Hội địa phương, và của những Kitô hữu loan báo Tin Mừng. Việc mặc cho sứ điệp Đức Kitô những bộ áo ngôn ngữ và văn hóa thích hợp với từng dân tộc, chính là hội nhập văn hóa, tức là làm cho sứ điệp Đức Kitô nhập thể vào các nền văn hóa của mọi dân tộc, hầu biến đổi và thánh hóa các nền văn hóa ấy.


4. Nhập thể chính là: Thiên Chúa vô hạn biến thành con người hữu hạn

Đức Giêsu - vốn là Thiên Chúa Tuyệt đối, vô hạn, ngang hàng với Thiên Chúa [*11] - đã nhập thể để trở thành tương đối, hữu hạn, thành xác thịt yếu đuối như mọi người. Cũng vậy, sứ điệp của Đức Giêsu Kitô - vốn là Lời của Thiên Chúa, là Chân Lý Tuyệt Đối, Vô Hạn - đã nhập thể thành chân lý tương đối, hữu hạn, bị hạn chế bởi ngôn ngữ của con người. Trong việc nhập thể, Thiên Chúa trở thành con người, vô hình trở nên hữu hình, vô hạn thành hữu hạn. Cũng vậy, khi Lời của Thiên Chúa nhập thể thành ngôn ngữ của con người, thì Chân Lý vốn không lời, không thể diễn tả được trở thành có lời và được diễn tả, Chân Lý vốn phổ quát trở thành cá biệt, Chân Lý vốn duy nhất bất biến trở thành nhiều cách diễn tả khác nhau để thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau của con người.
[*11] Xem Pl 2,6.
Diễn tả Chân Lý phổ quát và duy nhất ấy thành nhiều định thức diễn tả khác nhau phù hợp với từng nền văn hóa của các dân tộc, chính là hội nhập văn hóa. Đương nhiên định thức diễn tả nào cũng đều tương đối, bị giới hạn, khiếm khuyết... và chúng ta phải chấp nhận những hạn chế đó.


a) Nếu Ngôi Lời nhập thể ở Việt Nam...

Như vậy, việc hội nhập văn hóa vừa bắt nguồn từ Mầu Nhiệm Nhập Thể, vừa tiếp nối công việc Nhập Thể của Ngôi Lời trong thời gian, vào các nền văn hóa khác nhau của nhân loại. Nói cách khác, hội nhập văn hóa là làm cho sứ điệp phổ quát của Đức Giêsu Kitô được nhập thể vào trong các môi trường văn hóa khác nhau, được diễn tả thành những định thức cá biệt phù hợp với những điều kiện văn hóa, tư tưởng của từng dân tộc trong từng thời đại.

Để cụ thể hóa cho dễ hiểu, chúng ta thử đặt vấn đề là nếu Đức Kitô nhập thể thành một người Việt Nam vào thời đại tân tiến ngày nay, thì Ngài sẽ được đặt tên là gì, Ngài sẽ nói tiếng gì, Ngài sẽ trình bày sứ điệp của Ngài như thế nào, Giáo Hội của Ngài sẽ phát triển thế nào?... Chắc chắn Ngài sẽ trình bày cũng một sứ điệp ấy, nhưng cách trình bày của Ngài sẽ khác. Cách trước đây, phù hợp với người Do Thái cách đây hai ngàn năm, có thể sẽ không thích hợp lắm với người Việt Nam thời đại này.

Nhưng trong thực tế Ngài chỉ nhập thể có một lần duy nhất là người Do Thái, vào thế kỷ thứ nhất chứ không nhập thể nhiều lần trong những dân tộc hay nền văn hóa khác. Vì thế, Giáo Hội có nhiệm vụ chuyển dịch cách trình bày sứ điệp của Ngài trước đây thành những cách trình bày khác phù hợp với từng dân tộc, từng nền văn hóa, miễn sao nội dung sứ điệp vẫn chỉ là một, không thay đổi. Đó là hội nhập văn hóa.


b) Nếu thần học truyền thống do người Việt Nam...

Và giả sử thứ hai là nếu sứ điệp của Ngài được các giáo phụ là những người Việt Nam suy tư, khai triển và diễn tả trực tiếp cho người Việt Nam, thì các giáo phụ ấy sẽ dùng triết lý nào làm dụng cụ để khai triển và suy tư? Chắc chắn không thể dùng triết lý Hy Lạp hay kinh viện Tây Phương, mà phải dùng triết lý Á Đông.

Nhưng nếu như thế thì:

– Nền thần học của Giáo Hội lúc đó sẽ thế nào? Có giống như nền thần học truyền thống được khai triển trong nền văn hóa Tây Phương như hiện nay không?

– Nếu đem thần học được khai triển trong nền văn hóa Việt Nam sang trình bày cho người Âu Châu thì người Âu Châu có hiểu được dễ dàng và chấp nhận nó không? Phản ứùng của người Âu Châu lúc đó thế nào?

– Lúc đó có nên áp đặt triết lý của Việt Nam lên mọi Kitô hữu thuộc tất cả các nền văn hóa, để bắt buộc mọi Kitô hữu muốn hiểu được sứ điệp Đức Giêsu Kitô thì phải học triết lý Việt Nam như một điều kiện tất yếu để hiểu được sứ điệp ấy?

Trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhận ra đường hướng mình phải làm trong việc hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo tại Việt Nam, cũng như tại các quốc gia khác.


c) Lời của Thiên Chúa cần phải nhập thể nhiều lần và tại nhiều nơi khác nhau

Khi nhập thể là người, Thiên Chúa trở thành Đức Giêsu Kitô, Ngài bị hạn chế rất nhiều. Nếu đã là người Do Thái, Ngài không thể cùng một lúc là người Việt Nam hay Trung Hoa được. Nếu đã dùng ngôn ngữ Do Thái để diễn tả Chân Lý bằng những yếu tố văn hóa cá biệt của Do Thái, thì không thể cùng một lúc diễn tả Chân Lý ấy bằng một ngôn ngữ cá biệt khác, với những yếu tố văn hóa cá biệt của ngôn ngữ ấy được.

Để cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa chỉ cần nhập thể làm người một lần là đủ nơi Đức Giêsu Kitô, là người Do Thái, cách đây 20 thế kỷ. Ngài không cần phải nhập thể nhiều lần để thành người của những dân tộc khác. Nhưng để Chân Lý mà Ngài đã mặc khải đến được với mọi người, nếu Chân Lý ấy chỉ nhập thể duy nhất có một lần, nghĩa là chỉ được diễn tả bằng tiếng Do Thái, với những yếu tố văn hóa Do Thái, thì không đủ, mà cần phải nhập thể vào trong tất cả mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hóa của nhân loại.

Đó chính là sứ mạng của Giáo Hội, của mọi Kitô hữu. Đó chính là phúc âm hóa. Vì thế, bản chất của phúc âm hóa chính là hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào các dân tộc. Do đó, phúc âm hóa mà không hội nhập văn hóa, không làm cho sứ điệp Đức Kitô nhập thể vào mọi tình huống cụ thể của con người thì chưa phải là phúc âm hóa đúng nghĩa.




Giúp Người Nghe Hiểu Bằng Chính Ngôn Ngữ Của Họ, Theo Văn Hóa Của Họ


1. Dẫn người khác đi thẳng đến Thiên Chúa

a) Không cần phải qua trung gian

Phúc âm hóa có hội nhập văn hóa là làm cho người nghe hiểu được sứ điệp của Đức Kitô bằng ngôn ngữ của họ, bằng những quan niệm, phạm trù, biểu tượng trong truyền thống văn hóa của dân tộc họ. Bắt họ phải chấp nhận những yếu tố văn hóa ngoại lai mới có thể hiểu được sứ điệp của Thiên Chúa là phản hội nhập văn hóa.

Người ta có thể trực tiếp đến gặp gỡ Đức Kitô, hay đi thẳng đến Thiên Chúa ngay từ nền văn hóa của dân tộc họ, không cần phải qua trung gian một nền văn hóa xa lạ nào khác. Cũng như: nếu có ai nhờ ta chỉ đường tới một nơi nào đó, ta nên chỉ cho họ con đường gần nhất, dễ đi nhất, hợp với phương tiện của họ nhất, đi thẳng từ chỗ của họ đến nơi đó. Chứ ta không nên chỉ cho họ tới nhà của ta đã, rồi mới từ nhà ta tới nơi đó. Con đường đến với Thiên Chúa cũng thế, phải trực tiếp đi từ vị trí của mỗi người, không nên bắt họ phải gián tiếp đi qua vị trí của người thứ ba.


b) Tại châu Á, sứ điệp Kitô giáo được diễn tả và khai triển bằng triết lý Tây Phương

Khi loan báo Tin Mừng cho Âu Châu, sứ điệp Kitô giáo đã được diễn tả, khai triển bằng những yếu tố văn hóa Âu Tây, bằng hệ thống triết lý Hy Lạp là triết lý của chính họ. Tương tự như vậy, đúng ra khi phúc âm hóa Á châu, sứ điệp đó cũng phải được diễn tả và khai triển bằng những yếu tố văn hóa Á châu, bằng hệ thống triết lý Đông Phương vốn đã thâm nhập vào mọi lãnh vực đời sống của người Á châu.

Thế nhưng khi Kitô giáo truyền vào Á châu, các thừa sai Âu Châu dường như đã không nghĩ đến hệ thống triết lý ấy trong việc diễn đạt và khai triển sứ điệp Kitô giáo cho người Á châu. Hệ thống triết lý dùng làm nền tảng cho công việc ấy là triết lý của người Tây Phương, có vẻ xa lạ đối với người Đông Phương. Vì thế, thời trước, muốn hiểu sâu và đào sâu sứ điệp Kitô giáo, người Á châu phải học thần học, mà muốn học thần học thì phải nắm vững triết lý Tây Phương mới có thể học được, vì thần học dùng những ý niệm triết học Tây Phương để diễn tả. Điều đó cho tới ngày nay vẫn còn rõ nét trong chương trình đào tạo các linh mục, tu sĩ tại các chủng viện, các trường thần học ở Á châu: phải học mấy năm triết Tây - nói chính xác hơn, triết học Kinh Viện - mới có thể bước vào thần học!


2. Giáo Hội có lý khi làm điều ấy

a) Chỉ Tây Phương mới có triết học

Đương nhiên Giáo Hội làm như vậy không phải là phi lý. Chỉ cách đây 50 năm, quan niệm chung của người Tây Phương và những người chịu ảnh hưởng tư tưởng Tây Phương là: chỉ Tây Phương mới có triết học, và chỉ triết học Tây Phương mới có giá trị hay mới xứng đáng là triết học.

Nói chung, người Tây Phương có một ưu điểm rất lớn là luôn luôn hệ thống hóa, phân tích và tổng hợp mọi vấn đề, tìm cách diễn tả mạch lạc rõ ràng tất cả những gì có thể diễn tả được, thậm chí cả những sự không thể xác định rõ ràng chính xác được [*12]. Ngay từ xưa, đã có những nỗ lực hệ thống hóa các tư tưởng triết lý của các trường phái tư tưởng để làm thành bộ môn triết học. Vì thế, đối với các thừa sai, chỉ có triết học Tây Phương là triết học duy nhất có thể dùng để khai triển và diễn tả sứ điệp Chúa Kitô.
[*12] Chẳng hạn một số điều cụ thể và chi tiết về Thiên Chúa, về những thực tại siêu hình, v.v…


b) Triết học Tây Phương được Kitô giáo rửa tội và thuần hóa

Triết học Tây Phương được dùng để khai triển sứ điệp Kitô giáo là một triết học được các giáo phụ cũng như các nhà thần học Tây Phương tinh luyện để trở nên một dụng cụ phù hợp với sứ điệp Kitô giáo. Như vậy, sự phát triển của Kitô giáo ở Tây Phương cũng giúp cho triết học Tây Phương phát triển. Thật vậy, tại châu Âu, không phải chỉ Kitô giáo chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương, mà ngược lại, văn hóa Tây Phương cũng chịu ảnh hưởng tốt đẹp của Kitô giáo rất nhiều. Đó chính là khía cạnh tích cực của hội nhập văn hóa. Kitô giáo phát triển khắp Âu Châu, và các nhà thần học đã dùng triết lý Tây Phương như một dụng cụ hữu hiệu để diễn tả sứ điệp của mình. Do đó, các nhà thần học đã có công rất nhiều trong bồi đắp cho nền triết học này ngày càng vững chắc, có cơ sở và hệ thống hơn.


c) Đông Phương không có triết học

Còn người Đông Phương không có khuynh hướng hệ thống hóa như thế. Từ xa xưa, đã có biết bao nhà tư tưởng lớn ảnh hưởng trên tư tưởng của người Đông Phương, nhưng tại Đông Phương, không có những nỗ lực hệ thống hóa và trình bày lại những tư tưởng ấy theo hệ thống để trở thành một bộ môn triết học như bên Tây Phương. Mãi về sau, khi người Đông Phương tiếp xúc với văn hóa Tây Phương, họ mới bắt đầu có những nỗ lực hệ thống hóa các tư tưởng của tiền nhân. Và triết học Đông Phương mới dần dần hình thành, nhưng cho tới nay vẫn chưa có hệ thống bằng triết học Tây Phương.

Trước đây, không phải là phi lý khi có nhiều học giả Tây Phương cho rằng Đông Phương chỉ có triết lý chứ không có triết học, cho dù triết lý của Đông Phương rất thâm thúy, cao sâu. Thật vậy, tới giữa thế kỷ 20, khi thấy triết học Tây Phương đi vào bế tắc, nhiều triết gia bắt đầu hướng sự nghiên cứu của mình vào triết lý Đông Phương. Lúc đó, họ mới nhận ra Đông Phương cũng có những nền minh triết rất tuyệt vời, và có nhiều triết gia Tây Phương đã say mê những nền minh triết ấy.

Vì thế, chúng ta không thể trách cứ các nhà lãnh đạo Giáo Hội hay các thừa sai trước đây đã không biết dùng triết lý Đông Phương để diễn tả sứ điệp Kitô giáo cho người Đông Phương. Việc diễn tả sứ điệp Kitô giáo theo cung cách văn hóa của từng dân tộc mới chỉ được ý thức và nhấn mạnh đặc biệt trở lại sau khi nhìn lại một quá trình phúc âm hóa tại các đại lục khác với Âu Châu để rút ra ưu và khuyết điểm.


3. Ngày nay, mỗi dân tộc phải tự diễn tả sứ điệp Kitô giáo theo cung cách văn hóa của mình

Hiện nay chúng ta đang ở một thời điểm khác với các thừa sai ngày xưa.

- Một mặt, các dân tộc bị trị thời thực dân ngày xưa vùng dậy và tự giải phóng, ý thức dân tộc và tự trị rất mạnh. Vì thế, họ không dễ dàng chấp nhận những hình thức nô lệ hay áp đặt như trước, trong lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội cũng như văn hóa. Trong thần học, người ta không còn dễ dàng chấp nhận hiểu hay diễn tả sứ điệp Chúa Kitô theo thần học truyền thống vốn được xây dựng trên nền tảng văn hóa Tây Phương. Họ đòi hỏi phải có một nền thần học thích hợp để suy tư và diễn tả sứ điệp Kitô giáo theo cung cách văn hóa của dân tộc họ.

- Mặt khác, triết học kinh viện cùng với triết học Tây Phương xưa không còn phù hợp với con người thời đại, thêm vào đó, triết học Đông Phương càng ngày càng được hiểu biết và đánh giá cao hơn.

Vì thế, chúng ta cần phải suy tư, tìm cách diễn tả đức tin hay sứ điệp Kitô giáo theo cung cách văn hóa của dân tộc chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải yêu mến nền văn hóa của mình đồng thời học hỏi về văn hóa ấy, biết được những nét đặc biệt của nền văn hóa mình, để diễn tả đức tin cho phù hợp.


a) Phải yêu mến nền văn hóa của mình

Văn hóa của một dân tộc là tinh hoa của dân tộc ấy, kết tinh từ điều kiện sống, phong cách sống, triết lý sống, nếp suy nghĩ, sự khôn ngoan... của dân tộc ấy. Dân tộc nào cũng đều tự hào về nền văn hóa của mình, và có tự hào như vậy dân tộc ấy mới tiến bộ, mới dám ngẩng mặt lên giữa các dân tộc khác. Chẳng hạn người Việt Nam thường tự hào về 4.000 năm văn hiến của dân tộc mình.

Trong việc phúc âm hóa, để hội nhập văn hóa một cách dễ dàng và tốt đẹp, chúng ta cần phải yêu mến dân tộc mình, đồng bào mình, đồng thời yêu cả nền văn hóa của mình nữa. Có yêu nền văn hóa của mình, có tự hào về nó, ta mới có hứng khởi và cảm thấy dễ dàng tìm những lối diễn tả phù hợp với nền văn hóa ấy. Không yêu mến nền văn hóa của mình, hay có mặc cảm tự ty về nền văn hóa ấy, ta sẽ cảm thấy ngượng ngập, e dè khi phải diễn tả theo cung cách của nền văn hóa ấy. Có yêu mến nền văn hóa của mình, ta mới có nhiều động lực để tìm hiểu, đào sâu và biết rõ nền văn hóa ấy.


b) Cần nắm vững triết lý Đông Phương

Nếu người Tây Phương đã dùng triết học Tây Phương để diễn tả sứ điệp Kitô giáo, thì theo tinh thần hội nhập văn hóa, người Đông Phương cũng cần phải dùng triết học Đông Phương để diễn tả sứ điệp ấy. Trước đây, để học thần học truyền thống, các chủng sinh hay tu sĩ phải học hai ba năm triết Tây thì mới có thể có dụng cụ để đi vào nền thần học truyền thống. Ngày nay, muốn suy tư, khai triển, diễn tả đức tin của mình trong truyền thống văn hóa dân tộc, chúng ta cũng cần phải nắm vững những gì liên quan đến văn hóa Á Đông, chẳng hạn triết Đông, vũ trụ quan, nhân sinh quan và nhận thức luận của Á Đông, cần phải thấm nhuần triết Đông, thì dần dần chúng ta mới có thể có những cách diễn tả đức tin phù hợp với phong cách của dân tộc được.

Ngày xưa, triết học Tây Phương được hệ thống hóa, được đào sâu và phát triển qua bao thế hệ cũng vì nó được hữu dụng trong Kitô giáo, được dùng làm dụng cụ để diễn tả đứùc tin. Cũng vậy, nếu chúng ta quyết tâm dùng triết lý Đông Phương để diễn tả đức tin, thì dần dần triết lý ấy cũng sẽ được xây đắp, hệ thống hóa để trở thành một dụng cụ tốt cho đức tin Kitô giáo. Và đó là một cơ hội rất tốt để chúng ta phúc âm hóa triết lý Đông Phương, và qua đó phúc âm hóa nền văn hóa Đông Phương.


c) Khả năng của Triết Đông

Triết lý Đông Phương chắc chắn chẳng kém cạnh gì triết lý Tây Phương nếu không muốn nói nó có nhiều khả năng hơn. Ngày nay, người Âu Châu càng ngày càng khám phá ra giá trị thâm thúy của triết Đông, của Kinh Dịch, và càng có nhiều triết gia tìm học. Kinh Dịch là một triết lý sống của nhiều dân tộc ở Á châu. Có lẽ trên thế giới này không có một thứ triết lý nào ảnh hưởng vừa sâu vừa rộng trong sinh hoạt của dân chúng như Kinh Dịch. Thật vậy, tại châu Á từ xưa tới nay, mọi lãnh vực của đời sống đều áp dụng ít nhiều triết lý Kinh Dịch? Các loại khoa học (Đạo học, binh pháp, y học, bốc phệ, địa lý, thiên văn...), nghệ thuật (cầm, kỳ, thi, họa, vũ, nhạc...), cho tới việc ăn uống, giữ gìn sức khỏe... đều chịu ảnh hưởng của triết lý Kinh Dịch. Triết lý ấy là một triết lý động.


d) Triết Đông là một triết lý động

Chính Công Đồng Vatican II cũng chủ trương: «Từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn» [*13]. Quan niệm của triết lý Hy Lạp Tây Phương là một quan niệm tĩnh, còn quan niệm của triết lý Đông Phương là một quan niệm động. Nhiều triết gia Tây Phương hiện đại, nhiều nhà thần học Kitô giáo Tây Phương đã đả kích triết lý Hy Lạp mà Tây Phương đã dùng làm nền tảng cho tòa nhà triết học và thần học của mình. Chẳng hạn nhà thần học Charles Duquoc, trong cuốn L’homme Jésus, Christologie I, essai dogmatique có viết: «... các giáo phụ, vì thừa hưởng nền văn hóa triết học của thời đại bấy giờ... đã sử dụng một dụng cụ mà ngày nay đã trở thành vô giá trị» [*14].
[*13] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Gaudium et Spes, 5§3.
[*14] Bản dịch Giêsu, Người Nazarét, dịch giả vô danh, cuốn II, trang 290, đoạn 2.


e) Triết Đông phù hợp với các tôn giáo Đông Phương

Nếu phải dùng triết lý để suy tư về Thiên Chúa, để khai triển những mặc khải của Thiên Chúa, thì chắc chắn giữa hai nền triết lý Đông và Tây, triết lý của Đông Phương phù hợp với công việc ấy hơn triết lý Tây Phương. Theo linh mục Aloysius Pieris [*15] - một thần học gia Á châu thuộc Dòng Tên - thì triết lý Tây Phương phát xuất từ triết lý Hy Lạp, vốn được dùng làm dụng cụ để khai triển tôn giáo của người Hy Lạp (thờ thần Zeus), là tôn giáo mà cha xếp vào loại tôn giáo vũ trụ (cosmic) [*16]. Trước Kitô giáo, ở Tây Phương không có một tôn giáo nào thuộc tầm cỡ siêu vũ trụ cả, nên không có một triết lý nào phù hợp với một tôn giáo thuộc tầm cỡ siêu vũ trụ (metacosmic) như Kitô giáo cả. Vì thế, để hội nhập văn hóa, các giáo phụ Latinh và Hy Lạp đã «rửa tội» và tinh luyện triết lý này để trở thành một công cụ khai triển Kitô giáo, vì không có một thứ triết lý nào khác tốt hơn. Còn triết lý Đông Phương, vốn là những công cụ của các tôn giáo siêu vũ trụ tại châu Á như Lão giáo, Phật giáo... nên dẫu sao nó vẫn có nhiều khả năng và phù hợp hơn với loại tôn giáo cao cấp này.

[*15] Xem trong ALOYSIUS PIERIS, The Theology of Liberation in Asia, bản dịch của TRẦN DUY NHIÊN, Thần học Giải phóng Á Châu, Tủ Sách Đại Kết, UBĐKCG, TP. Hồ Chí Minh 1988.
 
[*16] Các tôn giáo vũ trụ (cosmic religions): là những tôn giáo thần thánh hóa những sức mạnh của vũ trụ, như các hiện tượng thiên nhiên. Thứ tôn giáo này thấp kém hơn các tôn giáo siêu vũ trụ (metacosmic religions), loại tôn giáo sau có khả năng giải quyết những khát vọng sâu xa siêu không gian, siêu thời gian của con người, như Kitô giáo, Phật giáo, Lão giáo…<br />




Cần Phân Biệt Nội Dung Sứ Điệp Với Cách Thức Diễn Tả Sứ Điệp


Để hội nhập văn hóa, cần phân biệt nội dung sứ điệp mà mình muốn rao giảng với cách thức mình dùng để diễn tả nội dung ấy. Không phân biệt được đâu là nội dung đâu là hình thức, cái nào cốt tủy cái nào phụ thuộc, ta sẽ không biết cái nào thay đổi được, cái nào phải giữ lại, ta sẽ bắt người khác phải chấp nhận những điều không cần thiết và không phù hợp với họ. Và có khi chính vì những phụ thuộc không thích hợp đó mà người ta không thể chấp nhận được nội dung chính yếu của sứ điệp ta muốn rao giảng.

Điều đó tương tự như khi ta muốn bán một món hàng mà ai cũng cần hoặc thích, nhưng lại đựng trong một bao bì mà không mấy người thích, khiến họ cứ nhìn vào bao bì là cảm thấy không thích hay không muốn mua món hàng ấy. Sở dĩ ta không phân biệt giữa món hàng và bao bì, coi hai yếu tố ấy là bất khả phân ly, là một tổng thể duy nhất, có thể vì ta đã bán được món hàng đó «chạy như tôm tươi» ở một vùng khác vốn ưa thích loại bao bì đó.


Sự phối hợp giữa sứ điệp Kitô giáo và văn hóa hay triết lý Tây Phương

Thật vậy, những gì chúng ta đang rao giảng hiện nay, là một tổng thể được phối hợp chặt chẽ bởi hai yếu tố: sứ điệp của Đức Kitô (cốt tủy) và triết lý Tây Phương (phương tiện dùng để diễn tả sứ điệp ấy). Công cuộc phúc âm hóa của chúng ta tại châu Âu đã thành công với tổng thể đó, và chúng ta đã coi tổng thể đó là «nguyên chất» sứ điệp Đức Kitô. Khi phúc âm hóa Á châu, chúng ta đã đưa chính tổng thể đó ra và giới thiệu đó là sứ điệp Đức Kitô, làm như đó là sứ điệp thuần túy của Ngài. Thế là người Á châu vì không quen với cách diễn tả đầy tính Tây Phương ấy nên đã không thấy sứ điệp ấy phù hợp với mình, và không nhận ra sứ điệp ấy rất cần thiết cho hiện hữu của mình.

Để phúc âm hóa cho có hiệu quả, chúng ta cần xác định rõ điều chúng ta muốn rao giảng là sứ điệp của Đức Kitô chứ không phải là một triết lý hay một nền văn hóa nào mà ta dùng để khai triển hay diễn tả sứ điệp ấy. Việc hội nhập văn hóa đòi hỏi ta phải phân biệt rõ ràng cốt tủy và phụ thuộc, mục đích và phương tiện, để nếu cần thì sẵn sàng thay đổi những gì tùy phụ hay những gì là phương tiện, để làm nổi bật những gì là cốt tủy, là mục đích. Cái gì tùy thuộc cần phải thay thế bằng cái khác thích hợp hơn thì nên bỏ không thương tiếc. Cái gì là cốt tủy không thể thay đổi được thì phải giữ lại với bất cứ giá nào. Đừng để cho cái tùy phụ giết chết cái cốt tủy, hay để cho phương tiện làm lu mờ mục đích.


Sự kết hợp ấy không phải là bất khả phân ly

Người bán hàng kia sẽ thật là khờ dại nếu nghĩ rằng món hàng kia cứ phải đi đôi với cái bao bì ấy mới được, bất chấp sở thích của khách hàng. Kết quả sẽ là: chỉ vì cái bao bì ấy mà hàng bị ế. Vấn đề cần phải đặt ra trong trường hợp này là sự kết hợp giữa sứ điệp Kitô giáo và triết lý Hy Lạp hay văn hóa Tây Phương có phải là một cuộc kết hôn bất khả phân ly hay không. Tại sao người Á châu nào muốn đào sâu sứ điệp ấy lại cứ phải học triết lý Tây Phương, chứ không phải là triết lý của mình, như vẫn thấy trong tất cả các trường thần học ở Á châu, Công giáo cũng như Tin Lành? Có phải sứ điệp Kitô giáo chỉ có thể diễn tả bằng triết lý Hy Lạp, hơn là bằng triết lý Á châu?

Không phải thế! Trước Công Đồng Vatican II, có thể Giáo Hội đã không đặt nặng ý thức hội nhập văn hóa. Nhưng qua Công Đồng Vatican II ta thấy ý thức hội nhập văn hóa của Giáo Hội rất mạnh và rõ nét. Chúng ta cũng cần tìm hiểu chủ trương hội nhập văn hóa của Giáo Hội qua Công Đồng Vatican II và các văn kiện khác của Giáo Hội.

Nguyễn Chính Kết



Mời đọc tiếp:


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét