Thích ứng và Hội Nhập Văn Hóa
trong việc Phúc Âm hóa
Chương 4
Nỗ Lực Hội Nhập Văn Hóa Trên Thế Giới
Các nền thần học địa phương
Công Đồng Vatican II bế mạc năm 1965. Sau đó, các Kitô hữu trong nhiều quốc gia trên địa cầu bắt đầu hưởng ứng việc hội nhập sứ điệp Tin Mừng vào các nền văn hóa của dân tộc mình. Mạnh nhất là Mỹ Châu La Tinh với Thần học Giải phóng, rồi tới các dân tộc Da Đen ở Bắc Mỹ và Phi châu với Thần học Da Đen, và sau cùng là Á châu. Tại châu Á, Ấn Độ dẫn đầu, rồi tới Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philippines... Nói chung, các nhà thần học thuộc Thế Giới Thứ Ba - thế giới của những dân tộc bị áp bức, nghèo, kém phát triển - đã hưởng ứng rất tích cực tinh thần hội nhập văn hóa của Công Đồng Vatican II.
Không phải chỉ làm thần học trên giấy bút, các nhà thần học ở Mỹ Châu La Tinh hay Bắc Mỹ còn sát cánh với dân chúng đấu tranh chống lại những bất công áp bức của giới cầm quyền và địa chủ cấu kết với nhau, hoặc chống lại sự kỳ thị chủng tộc của người Da Trắng. Vì dấn thân triệt để với dân chúng, nhiều nhà thần học đã phải ra tù vào khám, bị giết, bị ám sát, chẳng hạn như Tổng Giám Mục Oscar Roméro, Đức Giám Mục Pedro Casaldaliga (cả hai là người Brazil) hay Mục Sư Martin Luther King Jr. (người Mỹ Da Đen)...
Thần học dân tộc của những nước đó đã trở thành linh hồn cho cuộc đấu tranh của người nghèo, của giới vô sản, chống lại bất công, áp bức và bạo lực, đồng thời đã hướng dẫn cuộc đấu tranh đó đi vào con đường công bằng bác ái của Đức Kitô. Tại những quốc gia bị áp bức trên, sứ điệp Đức Kitô đã được diễn tả thành thần học giải phóng để thích ứng với thực tại đấu tranh của toàn thể dân chúng chống lại áp bức bất công. Đó chính là hội nhập văn hóa, làm cho sứ điệp Đức Kitô nhập thể vào đời sống bị áp bức và vào cuộc tranh đấu của dân chúng.
Quyết nghị của các Giám Mục Á châu
Đại hội các giám mục Á châu tại Manila năm 1970
Còn tại châu Á, để cụ thể hóa tinh thần hội nhập văn hóa và thích nghi cách phúc âm hóa nơi các dân tộc, các Giám Mục Á châu - trong đó có Việt Nam - đã họp đại hội tại Manila (Philippines) các ngày 23-29/11/1970. Đại hội đã đưa ra quyết nghị 13 với nội dung như sau:
«Chúng tôi hứa sẽ phát huy thần học địa phương và làm tất cả những gì chúng tôi có thể làm được để đời sống và sứ điệp Tin Mừng được nhập thể hơn bao giờ hết vào các nền văn hóa phong phú và lâu đời của Á châu» [*1].
[*1] CHỌN, số 4: Đại Hội các Giám Mục Á Châu, tuyên ngôn và quyết nghị, Các phong trào CGTH Trẻ Sàigòn, Giáng Sinh 1970, Quyết Nghị 13, trang 50.
Các giám mục Á châu họp tại đó không phải chỉ đưa ra một lời hứa xuông hay chỉ đưa ra một quyết định rồi mọi giám mục chỉ việc đồng ký tên, mà còn đưa ra cả một dự án với những qui định, chủ trương, đường lối, phương pháp thực hiện, với những điểm trước mắt cũng như dài hạn. Chẳng hạn như quyết định thành lập các văn phòng liên lạc, các ủy ban nghiên cứu, thăm dò, hội ý, trao đổi, dự thảo kế hoạch, đồng thời đưa ra một lịch trình cụ thể và chi tiết qui định sinh hoạt của các ban ngành chuyên môn, cùng với những thành quả thâu đạt được từng thời hạn...
Thượng hội đồng giám mục Á châu tại Rôma 1998
Trong Thượng hội đồng giám mục Á châu họp tại Rôma từ 19-4 đến 15-5-1998, các giám mục đã bàn về chủ đề phúc âm hóa trong bối cảnh văn hóa của các dân tộc mà chủ yếu là vấn đề hội nhập văn hóa và đối thoại tôn giáo. Các nghị phụ đều nhận ra rằng cho tới nay, tại châu Á, Kitô giáo mặc dù xuất phát từ Á châu nhưng vẫn bị coi là một tôn giáo ngoại lai, của Tây Phương, vì cho tới nay, cách sống và trình bày đức tin Kitô giáo vẫn nặng tính chất văn hóa Tây Phương, không phù hợp với người Á châu. Vì thế, trong bài diễn văn phiên họp khoáng đại đầu tiên sáng thứ hai 20-4-1998, Đức Hồng Y Kim [*2] nhấn mạnh: «Tuy luôn luôn giữ hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội hoàn cầu, chúng ta phải trở nên Á châu trong cách suy tư, cách sống, và cách chia sẻ những kinh nghiệm của chúng ta về Chúa Giêsu».
[*2] Hồng Y KIM SOU-HWAN, Tổng giám mục tại Seoul, là chủ tịch khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu.
Thần học Á châu: thần học về các tôn giáo
Kitô giáo với các tôn giáo
Mọi tôn giáo lớn đều xuất phát từ Á châu
Phải nói rằng vào thời điểm ấy tại châu Á, vấn đề hội nhập văn hóa nổ ra như một trái bom vang khắp Á châu. Các thần học gia tại các nước Á châu thi đua làm thần học theo cung cách văn hóa dân tộc mình, phù hợp với triết lý nền tảng của văn hóa dân tộc, với nề nếp suy tư, phong cách và điều kiện sống của dân chúng. Vấn đề chính của các thần học gia Á châu là phải đối diện với các tôn giáo khác chung quanh mình, có đông tín đồ hơn, có nền đạo lý và triết lý cũng cao siêu, sâu sắc không kém gì tôn giáo mình, thậm chí có nhiều mặt hơn mình. Để hội nhập văn hóa, các thần học gia phải tìm hiểu các tôn giáo khác và suy tư nhiều về họ. Vì thế, thần học Á châu chủ yếu là thần học về các tôn giáo.
Thật vậy, có thể nói rằng Á châu là một cái nôi phát sinh ra tất cả các tôn giáo lớn đầy sức sống trên thế giới: Phật giáo, Ấn giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Thần giáo, và thậm chí cả Kitô giáo nữa [*3]. Trong đó, Kitô giáo chỉ giữ một địa vị khiêm tốn: 100 triệu tín đồ (công giáo 60 triệu, Tin Lành 30 triệu, và chính Thống 20 triệu), so với dân số Á châu trên 3 tỉ người thì 100 triệu đó chỉ là 3,33%. Các tôn giáo này, suốt 19 thế kỷ qua, đã bị Kitô giáo coi là tà giáo, là sản phẩm của ma quỉ, là lầm lạc, tội lỗi, và hư mất [*4].
[*3] Nên nhớ Đức Kitô chính là người Châu Á: Nước Do Thái nằm ở vùng Tiểu Á.
[*4] Suốt 19 thế kỷ, Giáo Hội quan niệm: «Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ», và chỉ có Kitô giáo mới mở được cánh cửa cứu rỗi. Lời hứa từ bỏ ma quỉ và các việc của ma quỉ trong nghi thức rửa tội bao hàm việc từ bỏ các tôn giáo cũ.
Vấn đề đặt ra
Tại châu Âu, suốt 20 thế kỷ qua, có thể nói Kitô giáo là tôn giáo lớn duy nhất chiếm tuyệt đại đa số trong dân chúng. Người Kitô hữu tại đây không phải đối diện với những tôn giáo khác, nếu có chỉ là những người thuộc các giáo phái khác trong Kitô giáo. Còn tại châu Á, Kitô giáo chỉ là một thiểu số đôi khi lạc lõng giữa các tôn giáo khác. Các Kitô hữu phải thường xuyên tiếp xúc với các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Các tín hữu này thường cũng có một đời sống luân lý rất tốt lành, nhiều trường hợp tốt hơn những người Kitô hữu bình thường.
Suốt mười mấy thế kỷ hầu như không có sự góp phần giáo hóa của Kitô giáo, các dân tộc Á châu vẫn có đời sống xã hội tốt đẹp không kém gì Âu Châu được Kitô hóa. Khả năng giáo hóa của các tôn giáo khác như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo... phải nói là rất cao. Càng tìm hiểu và đi sâu vào các tôn giáo, người Á châu càng nhận ra giáo lý của các tôn giáo ấy cũng rất cao sâu, hợp lý, đến nỗi hễ đã trở thành tín đồ các tôn giáo ấy thì người ta khó trở thành tín đồ Kitô giáo. Khác với tại châu Âu, ngoài Kitô giáo ra không có tôn giáo nào có giáo lý cao sâu và hợp lý bằng, nên người các tôn giáo khác dễ trở nên Kitô hữu. Vì thế, người Á châu không thể dễ dàng như người Âu Châu chấp nhận lập trường coi các tôn giáo khác là tà giáo, là sản phẩm của ma quỉ được. Nếu là sản phẩm của ma quỉ, các tôn giáo đó đã không thể tạo nên một xã hội tốt đẹp như xã hội Á châu trên 20 thế kỷ nay.
Vậy, người Kitô hữu Á châu phải nhìn các tôn giáo bạn như thế nào? và phải có thái độ nào đối với các tôn giáo ấy? không thể đơn thuần như các thần học gia Tây Phương kết luận Kitô giáo là tôn giáo duy nhất đúng, duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa, hay ngoài Kitô giáo không có ơn cứu độ, và các tôn giáo khác đều là sai lạc cả. Trước thực tế của các tôn giáo khác, người Kitô hữu Á châu phải suy tư về họ. Vì thế, thần học Á châu là thần học về các tôn giáo.
Thánh Thần cũng hoạt động trong các tôn giáo
Khi nỗ lực tìm hiểu các tôn giáo, các thần học gia Á châu mới khám phá ra những chân lý cao sâu, những đời sống cao thượng, những lối tu tập hữu hiệu để có thể đạt tới đời sống tâm linh rất cao… [*5]. Đó chắc chắn là dấu vết sự hoạt động của Thiên Chúa, của Thánh Thần Ngài, vì theo Kitô giáo, mọi sự tốt đẹp đều phát xuất từ Thiên Chúa. Như vậy, trước khi Kitô giáo được truyền vào Á châu, Thiên Chúa và Thánh Thần Ngài đã hiện diện và hoạt động trong các nền văn hóa và các tôn giáo Á châu rồi.
[*5] Trong các tôn giáo khác, có những vị đạo sĩ sống rất thánh thiện, xả kỷ hy sinh hoàn toàn, có đời sống thần bí, có khả năng tâm linh rất cao, có quyền năng chữa bệnh, trừ quỉ ám, làm phép lạ… Qua phong cách cao thượng và tư tưởng siêu thoát của họ, không ai có thể kết luận được rằng những quyền năng đó phát xuất từ ma quỉ mà không thể từ Thiên Chúa. Chính Chúa Kitô cũng đả phá quan niệm cho rằng Ngài dùng quyền năng của thủ lãnh quỉ để trừ quỉ (x. Mt 12,25-30). (Xem SPALDING).
Một người Triều tiên tên Younghak Hyun quả là có lý khi phát biểu: «Chúng tôi không thể tin vào một Thượng Đế què quặt đến nỗi phải nhờ các vị thừa sai cõng trên lưng mới tới được Triều Tiên. Trước khi các vị thừa sai tới, chắc chắn Thượng Đế đã hoạt động trong lịch sử của nước chúng tôi từ bao giờ rồi» [*6].
[*6] Được PREMAN N. NILES trích dẫn trong bài «La mission chrétienne et les peuples d’Asie», Document Inter-Églises, Paris, OPM, 1982, trang 19.
Năm 1950, Công Đồng Miền đầu tiên của Ấn Độ, qua quyết nghị 11, đã tuyên xưng: «Chúng tôi nhìn nhận rằng bên ngoài Kitô giáo vẫn có chân lý và điều tốt, vì Thiên Chúa không để cho dân tộc nào phải thiếu những dấu chứng về Ngài. Bẩm sinh tâm hồn con người đã được Thiên Chúa duy nhất chân thật lôi kéo» [*7].
[*7] Được BRUNO CHENU trích dẫn trong Théologies chrétiennes des Tiers Mondes, Le Centurion, Paris 1987 (trang 169).
Quan niệm rộng rãi của Giáo Hội
Lập trường cũ hẹp hòi trong Giáo Hội suốt 19 thế kỷ qua đã được Công Đồng Vatican II sửa lại. Công Đồng chủ trương: Trong các tôn giáo khác vẫn có chân lý, có ân sủng, có Thánh Linh hoạt động, có sự công chính và sự thánh thiện, có ơn cứu độ. Có thể nói các tôn giáo là những môi trường cứu độ, những phương thế Thiên Chúa sắp đặt trước vì ơn cứu độ và vì Giáo Hội, và Thiên Chúa có nhiều đường lối khác nhau để cứu rỗi những người ngoài Kitô giáo [*8].
[*8] X. Nostra Aetate 2, Lumen Gentium 16, Gaudium et Spes 22 của Công Đồng Vatican II, và tài liệu Trên đường gặp gỡ các tôn giáo của Văn Phòng Đặc Trách những người ngoài Kitô giáo, 1967.
Sau Công Đồng Vatican II, năm 1969, các giám mục Ấn Độ đã mạnh dạn tuyên bố: «Các tôn giáo khác không phải là những pháo đài mà chúng ta phải tấn công hay phá hủy. Đó chính là những nơi Thánh Linh vẫn nương ẩn mà chúng ta chưa hề tới viếng thăm, đó là những kho chứa Lời Chúa mà chúng ta đã không thèm biết tới» [*9].
[*9] Được BRUNO CHENU trích dẫn trong Théologies chrétiennes des Tiers Mondes, Le Centurion, Paris 1987 (trang 169).
Các tôn giáo khác cũng là những môi trường cứu độ của Thiên Chúa
Năm 1971, trong cuộc hội thảo tại Nagpur ở Trung Ấn bàn về «giá trị cứu độ của những tôn giáo khác», các nhà thần học Ấn Độ đã nhấn mạnh: «Việc Thiên Chúa mặc khải và thực hiện chương trình cứu độ phổ quát đã có trước và có lâu hơn sự có mặt của Giáo Hội, lâu hơn 4.000 năm lịch sử Do Thái - Kitô giáo, một lịch sử hạn hẹp, đơn thuần và giới hạn» [*10]. Nghĩa là có thể Giáo Hội chưa thấy được hết, chưa khai thác hết công trình cứu chuộc của Đức Kitô qua Thánh Thần Ngài.
[*10] D.S. AMALORPAVADAS, «Traditions religieuses, développement et libération», trong Théologies du Tiers Monde, Paris, L’Harmattan, 1977, p. 213.
Bản văn của cuộc hội thảo Nagpur viết: «Dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau, mầu nhiệm khôn tả ấy [*11] đang hoạt động trong mọi dân tộc trên thế giới để đem lại cho sự hiện hữu và mọi khát vọng của con người một ý nghĩa tối hậu. Người ta gọi Mầu Nhiệm này bằng nhiều tên khác nhau, nhưng không một tên nào có thể diễn tả chính xác được Mầu Nhiệm ấy… [*12]. Những người được cứu độ sẽ nhận ra ơn cứu độ của Chúa được thông ban ngay trong truyền thống tôn giáo của mình. Nên những kinh điển và nghi thức khác nhau của các truyền thống tôn giáo trên thế giới có thể là những cách diễn tả khác nhau với những mức độ khác nhau của cùng một mặc khải thần linh, và đều dẫn đến ơn cứu độ. Điều này không hề làm tổn hại đến tính cách duy nhất của nhiệm cục Kitô giáo» [*13].
[*11] Tức Thiên Chúa.
[*12] Mầu Nhiệm này, Kitô giáo gọi là Thiên Chúa, Ấn giáo gọi là Brahman, Phật giáo gọi là Chân Như Phật Tính, Lão giáo gọi là Đạo, Khổng giáo gọi là Thiên, Hồi giáo gọi là Đức Allah, Cao Đài giáo gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế, v.v… Mỗi tên đi liền với một quan niệm khác nhau về Mầu Nhiệm ấy.
[*13] Được D.S. AMALORPAVADAS trích dẫn trong bài «Traditions religieuses, développement et libération», trong Théologies du Tiers Monde, Paris, L’Harmattan, 1977.
Cách diễn tả chân lý của các tôn giáo bổ túc cách diễn tả của Kitô giáo
Một số nhà thần học Á châu cho rằng: có lẽ ý muốn của Thiên Chúa không phải là đưa mọi dân tộc vào trong đại gia đình Giáo Hội. Có thể tình trạng đa tôn giáo trên thế giới là ý định của Thiên Chúa trong hiện tại. Còn qui tụ mọi tôn giáo lại thành một, điều đó sẽ xảy ra trong ngày cánh chung.
[*14] Hội thoại (hội là nhiều người, nhiều nhóm tụ lại với nhau, hội còn có nghĩa là hiểu, cảm thông - thoại là nói, nói chuyện, trao đổi): ở đây có nghĩa là nhiều người trong các tôn giáo gặp nhau để trao đổi với nhau về vấn đề niềm tin, kinh nghiệm tâm linh, cảm nghiệm về mầu nhiệm thần linh, và những vấn đề tôn giáo.
Vì chính Đức Kitô chứ không phải Giáo Hội cứu chuộc nhân loại. Giáo Hội chỉ là tình trạng bí tích của Nước Chúa, cho ta thấy một bộ mặt của Nước Chúa chứ không phải tất cả Nước Chúa. Giáo lý Kitô giáo chỉ là một phần rất nhỏ chứ không phải là tất cả những gì có thể nói được về Thiên Chúa. Các tôn giáo khác cũng có những phần khác của Chân Lý về Thiên Chúa. Vì thế, các tôn giáo cần lẫn nhau để vươn tới Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Do đó, các tôn giáo cần phải trao đổi cho nhau những bằng chứng về nguồn gốc và cứu cánh đang nuôi sống mình, cũng như những kinh nghiệm cá biệt của mình về Mầu Nhiệm Thiên Chúa.
Các tôn giáo cần hội thoại với nhau
Cần loại bỏ mặc cảm tự tôn
Vì thế, mọi tôn giáo cần phải hội thoại [*14] với nhau. Nhưng không tôn giáo nào có thể tham dự cuộc hội thoại nếu ngay từ đầu đã tự hào rằng mình tuyệt đối chuẩn xác. Cản trở lớn nhất cho một cuộc hội thoại đích thực là mặc cảm tự tôn và thái độ lo sợ mình sẽ đánh mất chân tính hay những nét riêng của mình. Về phía Kitô giáo, những cản trở đó trước đây rất lớn, nhưng càng về sau càng giảm đi rất nhiều do sự tìm hiểu đúng đắn các tôn giáo khác. Kết quả của các cuộc hội thoại tương giáo [*15] đã được tổ chức trong nhiều thập niên qua cho người Kitô hữu thấy: những người có niềm tin khác có thể giúp chúng ta đào sâu thêm cách hiểu về Thiên Chúa và về Đức Giêsu Kitô.
[*14] Hội thoại (hội là nhiều người, nhiều nhóm tụ lại với nhau, hội còn có nghĩa là hiểu, cảm thông - thoại là nói, nói chuyện, trao đổi): ở đây có nghĩa là nhiều người trong các tôn giáo gặp nhau để trao đổi với nhau về vấn đề niềm tin, kinh nghiệm tâm linh, cảm nghiệm về mầu nhiệm thần linh, và những vấn đề tôn giáo.
[*15] Hội thoại tương giáo (tương là với nhau, lẫn nhau - giáo là tôn giáo): dùng thay cho từ ngữ đối thoại liên tôn trước đây.
Một dịp để phong phú hóa cách nhìn của mình
Vì thế, không nên coi việc hội thoại tôn giáo là một cơ hội tốt để giảng đạo, để phúc âm hóa, để thuyết phục những người tham dự hội thoại theo tôn giáo mình. Và nhất là không nên lợi dụng dịp gặp gỡ này để quảng cáo, tuyên truyền rằng tôn giáo của mình là tôn giáo số một, tốt nhất, bảo đảm nhất, duy nhất về một mặt nào đó. Trái lại, nên coi đây như một dịp tốt để học hỏi, để biết thêm những cách hiểu mới, cách nhìn mới về mầu nhiệm Thiên Chúa, một mầu nhiệm hết sức phong phú, đa dạng, có nhiều mặt khác nhau, mà trong đó cách nhìn của mình chỉ tương ứng với một hay vài mặt. Và cũng nên coi đây là một dịp tốt để hiểu được quan điểm của các tôn giáo khác, sự hợp lý trong quan điểm đó, để cảm thông, để thắt chặt tình thân hữu, đoàn kết với các tôn giáo khác.
Các tôn giáo soi sáng lẫn nhau về mầu nhiệm Thiên Chúa
Sau Công Đồng Vatican II, các tôn giáo khác không còn bị coi là công việc của ma quỉ nữa, mà được xác nhận là môi trường cứu độ của Thiên Chúa, có Thánh Thần hoạt động, nên việc theo Kitô giáo không nhất thiết đòi buộc phải từ bỏ tôn giáo cũ của mình. Điều này cũng được Cha Matteo Ricci - một vị thừa sai vĩ đại ở Trung Hoa - chủ trương [*16].
[*16] Chủ trương này sẽ được đề cập đến trong tập sách này. Xem trang 127-128
Kinh nghiệm của cha M. Amaladoss
Vì thế, tại châu Á, có hiện tượng mà ngữ vựng của phong trào đại kết gọi là «Double appartenance» hay «Biappartenance» nghĩa là thuộc về cả hai: vừa theo tôn giáo này mà cũng vừa theo tôn giáo kia. Chẳng hạn trường hợp của cha Michael Amaladoss, đã từng làm Tổng Quản Dòng Tên ở Ấn Độ, vừa là một linh mục Công giáo, vừa sống như một người Ấn giáo [*17]. Cha cho biết, nhờ sống kinh nghiệm của cả hai tôn giáo, đời sống tâm linh của cha trở nên phong phú hơn. Và khi đọc kinh điển phong phú của Ấn giáo, cha nhận thức được con đường chính thống của Thánh Thần đang dẫn cha đến với Chân lý Toàn hảo, cho dẫu Chân lý ấy thường mang rất nhiều yếu tố nhân loại. Nhờ kinh điển Ấn giáo, cha hiểu được Thánh Kinh một cách thâm thúy sâu sắc hơn rất nhiều, và cũng theo chiều ngược lại nữa. Nghĩa là hai loại kinh điển ấy bổ túc cho nhau rất nhiều trong việc giúp cha nhận thức và cảm nghiệm Thiên Chúa một cách rõ rệt, đầy đủ hơn.
[*17] Xem M. AMALADOSS, bài «Tôi là ai? - Một người vừa Công giáo vừa Ấn giáo» trong Christus, số 86 (1975), tr. 159-171.
Dùng kinh điển của các tôn giáo để diễn tả các chân lý Kitô giáo
Qua kinh nghiệm các thần học gia Á châu, ta thấy không những có thể dùng văn hóa hay triết lý Á châu để diễn tả sứ điệp Kitô giáo, mà còn có thể dùng cả kinh điển hay giáo lý của các tôn giáo Á châu để làm sáng tỏ mặc khải của Thiên Chúa qua Thánh Kinh nữa. Hội nhập văn hóa là sẵn sàng dùng tất cả những gì mà người nghe có sẵn trong kiến thức hay kinh nghiệm của họ để giúp họ hiểu về Thiên Chúa, để trình bày sứ điệp Kitô giáo cho họ. Tóm lại, hãy chỉ cho người nghe con đường đến với Thiên Chúa, đến với ơn cứu độ, từ lập trường tôn giáo hiện tại của họ, từ điều kiện tâm linh và khả năng hiểu biết của họ.
● ● ●
Để hiểu rõ hơn về hội nhập văn hóa, ta thử tìm hiểu một vài mẫu hội nhập văn hóa tiêu biểu trong lịch sử thế giới như:
• Hội nhập văn hóa của Phật giáo Ấn Độ vào Trung Hoa (để có đối tượng so sánh với Kitô giáo).
• Hội nhập văn hóa của Kitô giáo vào Âu Châu.
• Hội nhập văn hóa của Kitô giáo vào Trung Hoa (qua hai đường lối khác nhau: một của cha Matteo Ricci, và một của cha Niccolo Longobardi).
Nguyễn Chính Kết
Mời đọc tiếp:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét