CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 15 Thường Niên
(15-7-2018)
(15-7-2018)
Tinh thần siêu thoát mà người tông đồ cần có
• Am 7,12-15: (14) Ngôn sứ Amốt nói: «Tôi không phải là ngôn sứ (…) (15) Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi và đã truyền cho tôi: «Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta».
• Ep 1,3-14: (9) Kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước (10) là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.
• TIN MỪNG: Mc 6,7-13
Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi giảng
Khi ấy, (7) Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. (8) Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; (9) được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (10) Người bảo các ông: «Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. (11) Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ». (12) Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (13) Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
CHIA SẺ
Khi ấy, (7) Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. (8) Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; (9) được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (10) Người bảo các ông: «Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. (11) Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ». (12) Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (13) Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Câu hỏi gợi ý:
1. Vì ý gì mà Đức Giêsu sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng «từng hai người một»? để khích lệ, nâng đỡ lẫn nhau? để cộng tác với nhau?
2. Tại sao Đức Giêsu lại yêu cầu các tông đồ đi loan báo Tin Mừng với quá ít hành trang? Ý của Đức Giêsu là gì?
3. Tại sao có những người tông đồ không dám dấn thân đúng như sứ mạng mình đòi hỏi? Có phải vì họ đã ôm lại tất cả những gì họ cam kết từ bỏ?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Giêsu sai các môn đệ đi «từng hai người một»
Không phải vô tình vô ý mà Đức Giêsu sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng «từng hai người một» (Mc 6,7). Nếu đi riêng lẻ thì chắc chắn các môn đệ sẽ đi được nhiều nơi hơn, tiếp xúc được nhiều người hơn, nhưng hiệu quả sẽ kém hơn, vì đi một mình thì khi gặp khó khăn –chẳng hạn khi bị người khác từ chối không tiếp– các ông sẽ không biết bàn hỏi với ai, không được ai khích lệ, nên sẽ dễ nản lòng và bỏ cuộc. Khi sai đi «từng hai người một», Đức Giêsu mong các ông hợp tác và liên đới với nhau, khích lệ và bàn hỏi nhau khi gặp khó khăn, nhất là biểu lộ tình yêu thương nhau như một dấu chỉ đặc trưng của môn đệ Ngài (x. Ga 13,35). Dấu chỉ này là một chứng từ hết sức sống động và lôi cuốn người khác theo mình.
Điều hết sức quan trọng là tinh thần hợp tác khi làm tông đồ. Người Việt ta bị mang tiếng là rất kém về tinh thần hợp tác, kể cả khi làm công tác tông đồ. Chính vì thế khi làm những việc lớn vốn cần sự hợp tác của nhiều người, người Việt thường làm kém hiệu quả. Người ta vẫn nói: khi làm việc riêng lẻ thì người Việt thường làm tốt hơn người Nhật, nhưng khi làm chung với nhau thì hai người Việt làm không bằng hai người Nhật, và tệ hơn nữa là ba người Việt thì làm thua xa ba người Nhật. Tại sao? Vì người Việt thường chỉ có «bụng riêng» mà ít có «bụng chung».
Là người Việt, khi phải nói ra sự thật này, ta không khỏi đau lòng và bị chạm tự ái thay cho dân tộc. Ta thấy có khá nhiều trường hợp hai người cùng làm việc tông đồ với nhau nhưng lại không ưa nhau: người này không muốn người kia nổi bật hơn mình, và tỏ ra khó chịu rõ rệt khi thấy người kia được mọi người ưa chuộng hơn mình… Đúng lý ra khi làm tông đồ, người ta phải từ bỏ «cái tôi» của mình trước đã, vì đó là điều kiện tiên quyết để là «người theo Chúa» (x. Mt 16,24). Có thế, công việc tông đồ mới có hiệu quả.
2. Tinh thần siêu thoát của người tông đồ
Khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, nếu theo cách suy nghĩ của đời thường, Đức Giêsu đã phải yêu cầu các ông đem theo đồ này vật nọ, nhất là tiền bạc, để phòng xa có khi phải dùng đến. Nhưng Ngài lại «chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo» (Mc 6,8-9). Có phải Đức Giêsu không khôn ngoan?
Ngày nay, tại Việt Nam, một linh mục khi mới thụ phong thường phải sắm cho mình tối thiểu một chiếc xe gắn máy tương đối tốt, một vài áo chùng thâm (soutane), một số áo lễ, và một lô sách vở (hàng trăm cuốn). Cũng có vị còn trang bị cho mình một dàn máy vi tính thật mạnh, điện thoại cố định hoặc di động… Những giáo dân làm công tác tông đồ ở xa cũng phải trang bị cho mình những vật dụng cần thiết như tiền bạc, một lô quần áo, sách vở…
Phải chăng như thế là trái với tinh thần của Đức Giêsu? – Tôi nghĩ không thể hiểu lời nói trên của Đức Giêsu theo nghĩa đen, mà phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Vả lại mỗi thời mỗi khác, cần phải thích ứng theo thời đại. Thời nay mà áp dụng theo nghĩa đen lời của Ngài thì rất có thể làm việc tông đồ sẽ không hữu hiệu. Tuy nhiên, điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh chính là tinh thần siêu thoát của người tông đồ.
Người tông đồ không nên quá lệ thuộc hay câu nệ vào phương tiện này hoặc phương tiện kia. Phương tiện nào thật sự cần thiết cho mục đích tông đồ thì đều có thể sử dụng, thậm chí cần phải sử dụng để việc tông đồ đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên, phương tiện nào không cần thiết thì người tông đồ nên loại bỏ để khỏi bị cồng kềnh, và khỏi bị lệ thuộc vào chúng. Người tông đồ không nên bị lệ thuộc quá nhiều vào ngoại cảnh, vào các phương tiện, vào các vật dụng bên ngoài mình.
Về vấn đề này, thiết tưởng ta nên phân biệt 3 loại nhu cầu :
a) Nhu cầu tự nhiên và cần thiết: như ăn, uống, thở hít không khí, thuốc chữa bệnh, quần áo che thân, nhà cửa, nghỉ ngơi hay giải trí khi mệt mỏi, sự an toàn bản thân… Đây là những nhu cầu mà mọi người đều có bổn phận phải thỏa mãn cho mình để có thể tồn tại và hạnh phúc, để sống khỏe mạnh, giữ cho thân thể tráng kiện, tránh những đau đớn… Tuy nhiên, người tông đồ nên sẵn sàng chấp nhận từ bỏ những nhu cầu tự nhiên và tối cần thiết này khi bổn phận phải làm theo tiếng lương tâm thúc bách. Nhiều người đã sẵn sàng chết, nhịn đói, bị tù… để bảo vệ đức tin, để tranh đấu cho chân lý, công lý và tình thương…
b) Nhu cầu tự nhiên nhưng không cần thiết: như thay đổi bữa ăn cho ngon miệng, quạt khi nóng bức, phương tiện di chuyển (xe cộ), phương tiện làm việc hữu hiệu… Thiết tưởng người tông đồ nên sẵn sàng thỏa mãn loại nhu cầu này để đời sống trở nên thoải mái, nhờ đó thể chất cũng như tâm lý phát triển quân bình. Tuy nhiên, nếu vì nó mà ta phải nhọc nhằn, lo bận, lệ thuộc, làm ta mất tự do, mất uy tín thì ta hãy sẵn sàng từ bỏ.
c) Nhu cầu giả tạo (tức không tự nhiên cũng không cần thiết): như sự ham mê danh vọng, bạc tiền, thú vui, quyền lực, sự sang trọng thế gian… Thiết tưởng người tông đồ nên thẳng tay từ bỏ loại nhu cầu này.
Thông thường, càng ít nhu cầu, chúng ta càng dễ sống siêu thoát, càng dễ làm theo những đòi hỏi của lương tâm, càng dễ sống thanh khiết, hiên ngang, cao thượng, can đảm… Đó là điều kiện cần thiết để làm tông đồ một cách hữu hiệu. Người bị lệ thuộc vào quá nhiều nhu cầu thì thường phải sống trong sợ hãi, bất an, dễ trở nên hèn nhát, không dám dấn thân theo những đòi hỏi của lương tâm…
3. Siêu thoát để dễ dàng dấn thân cho sứ mạng tông đồ
Hiện nay, việc tranh đấu cho chân lý, công lý, và tình thương – ba điều cốt tủy của lề luật (x. Mt 23,23) – là một bổn phận rất thực tế và quan trọng không thể thiếu trong công việc ngôn sứ, trong đời sống chứng nhân của người tông đồ. Thật không thể hiểu được một người tông đồ rao giảng sứ điệp yêu thương của Đức Giêsu lại có thể ngoảnh mặt làm ngơ như một kẻ vô trách nhiệm trước những đau khổ khốn cùng của đồng loại, trước những cảnh bất công trước mắt của xã hội, trước nguy cơ «nước mất nhà tan»! Các tín đồ tôn giáo khác cũng cảm thấy đó là một bổn phận thúc bách, đừng nói gì những người làm tông đồ của Đức Giêsu, nhất là những người tông đồ hậu Công Đồng Vatican II (x. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, một văn kiện đòi hỏi người Kitô hữu phải dấn thân cho xã hội, thế giới, trần gian)!
Quả thật, tranh đấu cho chân lý, công lý và tình thương –nhất là trong những thể chế độc tài, phi nhân– đòi hỏi một sự dấn thân quyết liệt, một sự can đảm phi thường. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi ta có một tinh thần từ bỏ thật sự, có sẵn sàng từ bỏ mọi sự ta mới trở nên vô úy, can đảm thật sự.
Người có quá nhiều cái để mất –nghĩa là bị lệ thuộc vào quá nhiều nhu cầu– sẽ bị chìm ngập trong lo sợ, và sẽ không dám làm gì cả. Trái lại, người không có gì để mất –tức những người có rất ít nhu cầu và sẵn sàng từ bỏ tất cả– thì sẽ không có gì để sợ. Tóm lại, càng ít tham vọng, càng ít nhu cầu thì càng ít sợ hãi, và càng nhiều tham vọng, càng nhiều nhu cầu thì càng dễ sợ hãi. Chỉ những người có thể hạnh phúc được bất cứ trong hoàn cảnh nào, nghĩa là những người không dính bén vào bất cứ vật gì sự gì, có thể chấp nhận mất tất cả mà vẫn hạnh phúc, mới dám dấn thân vào những công cuộc đòi hỏi nhiều hy sinh như vậy!
Thật vậy, một người muốn ăn sung mặc sướng, ham sống trên nhung lụa, muốn được đầy đủ mọi tiện nghi, muốn hưởng được mọi đặc quyền đặc lợi, muốn được người đời ưu đãi trong mọi việc… làm sao người ấy dám vì lương tâm, vì sứ mạng, vì lý tưởng mà chấp nhận tù tội, sống kham khổ, hay sống thiếu những đặc quyền đặc lợi ấy? Đừng hy vọng gì hạng người này dám dấn thân cho Giáo Hội hay xã hội nếu sự dấn thân ấy có nguy cơ khiến họ phải từ bỏ những ưu đãi của người đời.
Tâm lý của hạng người này là thà sống hèn sống nhục hơn là sống trong thiếu thốn; thà chết đi với tiếng xấu muôn đời còn hơn phải chấp nhận một vài ngày tù tội; thà làm một «mục tử ghẻ» còn hơn phải hy sinh một vài ưu đãi vì lên tiếng bênh vực một con chiên lành bị áp bức bất công; thà làm một «ngôn sứ giả» được mọi người tôn trọng, ưu đãi còn hơn phải làm một «ngôn sứ giả» với cuộc đời đầy vất vả chông gai (x. Lc 6,22-23.26).
Hiện nay ta thấy có rất nhiều người mang danh là tông đồ, đã từng cam kết từ bỏ mọi sự thế gian –nào là gia đình, vợ con, quyền lực, tiền bạc– để sẵn sàng dấn thân cho Chúa, cho dân Chúa, cho chân lý, cho công lý, nhưng trong thực tế lại không dám dấn thân chút nào cả. Tại sao? Chính vì họ đã ôm lại vào mình quá nhiều tham vọng và nhu cầu, trong đó có biết bao nhu cầu giả tạo và tham vọng không xứng hợp với lý tưởng (chẳng hạn tham vọng nắm giữ quyền lực, ham muốn giàu sang, quyết thăng quan tiến chức trong Giáo Hội hoặc xã hội).
Tóm lại, họ chỉ cam kết từ bỏ tất cả một cách hình thức đúng theo nghi thức dấn thân đòi buộc mà thôi, còn trong thực tế thì họ chẳng từ bỏ bất cứ một thứ gì, trái lại họ còn ôm vào mình nhiều thứ hơn cả những người không cam kết gì.
Ý của Đức Giêsu khi khuyên các tông đồ không đem gì theo, không nên hiểu là một hành động thực tế cho bằng một thái độ nội tâm: không dính bén vào bất kỳ một vật gì hay sự gì, để có thể từ bỏ chúng bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ trường hợp nào mà sứ mạng và lương tâm đòi buộc.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, con vừa muốn làm tông đồ cho Cha, vừa muốn dấn thân phục vụ tha nhân, nhưng cũng vừa muốn sống một cuộc đời sung sướng, đầy đủ, được ăn trên ngồi trốc, được hưởng mọi ưu đãi của thế gian. Xin Cha giúp cho con hiểu rằng con chỉ có thể chọn một trong hai mà thôi. Nếu muốn chọn cả hai, con sẽ đi vào con đường của các ngôn sứ giả, của những «mục tử ghẻ», nghĩa là chỉ mang danh là ngôn sứ, là mục tử, nhưng bản chất chẳng phải ngôn sứ, chẳng phải là mục tử, mà chỉ là lang sói mà thôi. Xin giúp con biết ghê tởm sự giả dối ấy!
Nguyễn Chính Kết
Bấm vào đây để đọc bài tham khảo:
Phải hiểu thế nào về Đức Thanh Bần?
(http://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/07/tn15b.html)
Phải hiểu thế nào về Đức Thanh Bần?
(http://chiasethanhuu.blogspot.com/2018/07/tn15b.html)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét