Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

TN15b − Phải hiểu thế nào về Đức Thanh Bần?




CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 15 Thường Niên

(15-7-2018)


Bài tham khảo


Phải hiểu thế nào về
Đức Thanh Bần?
I. Hai quan niệm khác biệt
Một tu sĩ thánh thiện kia kể chuyện về cha mình như sau:
«Cha tôi dạy dỗ con cái trong vòng kỷ luật chặt chẽ và chính cha tôi cũng là một người sống rất khắc khổ. Bởi đó, người không khi nào đi xem hát, mà chỉ giải trí bằng việc cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, đọc sách báo đạo đức, bằng việc tham gia những công tác tông đồ trong giáo xứ, bằng việc đi thăm và ủy lạo các gia đình. Người khinh thường mọi sự xa xỉ, người mang những đôi giầy cho đến khi cũ mèm không dùng được nữa. Các anh em tôi đều mua xe gắn máy khi loại xe này trở thành thông dụng, còn cha tôi chỉ đi xe buýt đến sở làm. Người làm việc cho một công ty hỏa xa cách nhà 3 cây số. Lòng ham mê tài lợi là một điều hoàn toàn xa lạ đối với tính tình của người.
«Có lần nọ, sau khi đã góp công thành lập nhà ngân hàng hỏa xa thành phố, cha tôi từ chối không nhận số tiền thưởng đặc biệt dành cho mình. Người nói rằng đó là bổn phận của người và người chỉ làm trong những khi nhàn rỗi mà thôi.
«Sau khi về hưu được vài năm, một chuyên viên kế toán mới đến xem xét sổ sách của công ty. Ông ta vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng cha tôi không hề đòi hỏi phần chia lời của mình. Người chuyên viên tuyên bố: "Ông ấy đã làm công việc của ba người! Công ty còn thiếu ông ta một số lời chưa trả là 12.500.000đ!"
«Các viên chức hỏa xa bèn gửi cho cha tôi một ngân phiếu trả đủ số tiền trên. Cha tôi không nghĩ gì về vấn đề ấy, thậm chí cũng quên cả việc nhắc nhở gia đình về số tiền đó. Về sau, em trai tôi nhận thấy có một số tiền lớn gửi vào trương mục ngân hàng của cha tôi, mới hỏi người về vấn đề ấy. Cha tôi nói: "Cần gì phải bận tâm hay hãnh diện vì một lợi lộc vật chất. Người sống theo Tin Mừng không quá lưu tâm về tiền bạc vật chất, không ham thích lợi lộc cũng như không quá lo lắng buồn phiền khi bị mất mát thua lỗ, vì biết rằng không gì xảy ra ngoài Thánh Ý Thiên Chúa, và thấy rằng mình bước vào đời không có một xu, và từ giã cuộc đời cũng không đem đi được một xu!"».
Câu chuyện trên đối với não trạng của người thời nay thật là xa lạ, khó hiểu và khó tin. Ngày nay, người trần đa số coi sự giầu sang, sự thành công về mặt vật chất là một thành công quan trọng trong cuộc đời, là một yếu tố không có không được của hạnh phúc. Ai cũng lo sao cho mình được giàu có để nở mày nở mặt với đời, làm như giá trị con người là ở số tiền họ có, ở của cải họ sắm được. Và ai cũng coi sự nghèo nàn, thiếu thốn là một điều xấu, một tai họa cần phải diệt trừ khỏi nhân loại không khác gì bệnh dịch. Ở nhiều nước hiện nay có chương trình «xóa đói giảm nghèo», điều đó nói lên rằng nghèo đói là một bất hạnh cần phải khai trừ khỏi xã hội.
Đang khi mọi người ai cũng cho rằng «phúc cho những ai giầu có, no đủ» và ai cũng tìm cách tránh nghèo tránh đói như tránh một cái gì đáng sợ nhất, coi nghèo là «mối tội thứ tám» vì «bần cùng sinh đạo tặc» thì Đức Kitô lại tuyên bố những câu thật là ngược đời, nghe rất chói tai: «Phúc cho những ai nghèo khổ… phúc cho những ai đói khát….» (Lc 6, 20-21), và «Khốn cho các ngươi là những kẻ giầu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói» (Lc 6, 24-25). Thật là nói ngược! Đang khi người trần ai cũng tìm cách làm cho mình giầu có, sung túc, thì những tu sĩ lại tuyên khấn sống «Đức Thanh Bần» hay «Đức Khó Nghèo». Có phải Đức Kitô và các tu sĩ, những người theo Ngài, là những người bất bình thường, suy nghĩ lệch lạc không? Có phải Ngài và các tu sĩ của Ngài ca tụng và cổ võ sự đói nghèo, thiếu thốn, giữa lòng một thế giới đang cố gắng «xóa đói giảm nghèo»?

II. Nghèo cũng giống như tai nạn, tự bản chất là điều không hay, nhưng…
Cho dù là Đức Kitô hay các tu sĩ, chắc chắn ai cũng phải công nhận rằng: Con người có những nhu cầu vật chất và tinh thần. Cả hai nhu cầu đó đều cần được thỏa mãn, nếu có nhu cầu nào không được thỏa mãn, con người không thể tồn tại và phát triển quân bình, và cũng không thể hạnh phúc. Nghèo, là tình trạng nhu cầu vật chất không được thỏa mãn đầy đủ, khiến con người lâm vào tình trạng khó khăn, đau khổ. Do đó, nghèo là một điều không hay, điều dữ, gây khó chịu (cũng tương tự như đau khổ và tai nạn).
Nhưng chúng ta cần phân biệt giữa «điều dữ» và «điều xấu», giữa «điều lành» và «điều tốt»: Nhiều người tốt mà cứ gặp điều dữ, điều chẳng may, trái lại nhiều người xấu lại cứ gặp toàn điều lành, điều may mắn.
Điều xấu, ác, điều tội lỗi (có nghĩa luân lý) thì phải tránh, không nên làm. Các tôn giáo đều dạy «làm thiện tránh ác», nhưng điều xấu, ác, lại thường có sức hấp dẫn và cám dỗ người ta làm, vì nó thường đi đôi với lợi lộc, vui thú mà ai cũng ham thích. Ăn trộm, ăn cắp là điều ác, nhưng lại giúp người ta có tiền nhanh chóng là điều có lợi. 

Còn điều tốt, điều thiện (theo nghĩa luân lý) thì nên làm, nhưng lại đòi hỏi người ta phải hy sinh, nghĩa là phải chấp nhận một số những điều dữ, điều không may, vì thế, rất nhiều người không thích làm hay không dám làm. Thương người là điều tốt thì phải chấp nhận hy sinh cho người, nghĩa là phải mất mát, thiệt thòi, đôi khi bị liên lụy, đau khổ, là điều dữ, điều bất lợi. Vì thế, thánh Phaolô nói: «Điều thiện tôi muốn thì tôi lại không làm, còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm» (Rm 7, 19).
Như vậy, điều dữ, điều không may, bất lợi như nghèo nàn, mất mát, tai nạn, bệnh tật, bị nghi oan… thì đạo đức hay luân lý chỉ đòi buộc mình không được gây ra cho người khác, chứ không đòi buộc phải tránh cho mình, mặc dù tính tự nhiên ai cũng sợ và muốn tránh. Trong rất nhiều trường hợp, sự thiện hay lương tâm đòi buộc người ta phải chấp nhận một số những điều dữ, không may và bất lợi này. Chẳng hạn, muốn cứu một người bị cướp dọc đường, thì phải chấp nhận mất thì giờ, có khi phải tốn tiền, đó là chưa nói đến trường hợp những kẻ bất lương giả bị cướp để những người có lòng từ tâm mắc bẫy. Hay đấu tranh chống bất công xã hội như lương tâm và giáo thuyết công giáo đòi hỏi, nhiều khi phải chấp nhận bị nhà cầm quyền phiền nhiễu, thậm chí bị tù, bị giết (như trường hợp Đức Tổng Giám mục Oscar Romero ở El Salvador), v.v...). Người ta vẫn nói: «Cứu người, hại mình», để nói lên rằng: Trong nhiều trường hợp, làm điều tốt thì phải chấp nhận mình có thể bị thiệt hại, hoặc không thể luôn luôn làm theo lương tâm mà không chấp nhận trả giá.
Còn điều tốt, lành, may mắn thì ai cũng ham thích, ai cũng muốn xảy đến cho mình, nhưng nhiều khi điều thiện, hay lương tâm, buộc ta phải từ chối những điều hấp dẫn đó. Chẳng hạn khi phải từ chối nhận sự đền ơn của một người quá nghèo, hay khi phải từ chối của hối lộ… Nhiều vị thánh từ chối những lợi lộc rất lớn lao, đồng thời chấp nhận những bất lợi, thậm chí cả cái chết, chấp nhận bị hành hạ đau đớn, để trung thành với Thiên Chúa, với bạn bè hay người thân mình, hay để khỏi phạm một tội ác nào đó. Như vậy, thường có sự bắt chéo nhau giữa bốn điều nói trên: điều tốt lại hay đòi hỏi phải chấp nhận điều dữ, không may; còn điều xấu lại có sức quyến rũ vì những điều lành, những may mắn, lợi lộc, vui thú nó đem lại.
Khi phân biệt rõ ràng bốn phạm trù trên (tốt/xấu, lành/dữ), ta sẽ hiểu ngay tại sao cái nghèo là một tai họa, là một điều dữ, mà lại được Đức Kitô khuyến khích ta chấp nhận, còn cái giàu là một điều lành, lại bị Ngài không ưa, kết án, và đồng thời đòi hỏi những người theo Ngài phải từ bỏ. Chấp nhận cái nghèo, hay chấp nhận một tai họa để người khác hạnh phúc hay đỡ khổ là một hành vi cao thượng. Còn tìm sự giàu có, hay dành sự sung sướng cho mình mà để kẻ khác phải nghèo phải khổ là một hành vi kém cao thượng. Khi ta tự nguyện chấp nhận đời sống nghèo khó như Đức Kitô đòi hỏi, để tập trung năng lực vào con đường hoàn thiện, để chia sẻ với người nghèo khổ bất hạnh, thì đó là ta sống Đức Thanh Bần.

III. Sống đức thanh bần để góp phần xây dựng công bằng xã hội
Đức Kitô muốn ta tự nguyện sống nghèo để làm gì? Nếu không vì một lý do cao thượng nào đó, thì tự nguyện như thế quả là dại dột. Lý do cao thượng đó là gì?
Chấp nhận sống nghèo khó, trước hết, là để chia sẻ và cảm thông nỗi bất hạnh của đa số nhân loại, làm giảm bớt sự chênh lệch trong xã hội. Ta biết, số của cải và sự trù phú trên thế giới thì có hạn, nếu được chia đồng đều thì ai cũng được dư dật no đủ. Nhưng nếu có người được nhiều hơn mức độ trung bình, thì tất nhiên số người còn lại phải được ít hơn mức độ trung bình đó. Càng có nhiều người được ưu đãi, thì số phận của những người còn lại càng trở nên thê thảm. Do đó, xét về mặt luân lý xã hội, ta không nên mong cho mình giầu có vượt mức đủ dùng của mình đang khi xã hội còn quá nhiều người nghèo khổ.
Lấy một bài toán nhỏ cho dễ hiểu: Một nhà nọ có 10 người, nên người mẹ đã mua 50 mét vải để mỗi người có 5 mét, đủ may hai bộ quần áo cần thiết để mặc trong một vài tháng.
● Nếu có hai người đòi lấy gấp đôi số vải của mình (tức hết 20 mét, còn lại 30 mét) thì 8 người còn lại mỗi người chỉ được 3,75 mét (tức 30m/8), làm sao đủ mặc?
● Nếu có tới ba người muốn lấy gấp đôi phần của mình (tức hết 30m, còn lại 20 mét), ắt 7 người còn lại mỗi người chỉ được 2,85 mét (tức 20m/7), thì còn tệ hơn nữa!
● Nếu chỉ có một người chiếm hết 8/10 số vải (tức 40 mét, còn lại 10 mét), thì 9 người người kia, mỗi người chỉ còn được hơn một mét, làm sao may đủ một cái áo? Đó chính là hình ảnh một thực tế bất công của thế giới ngày nay!
Những khi có nạn đầu cơ tích trữ hàng hóa, ta thấy khi một mặt hàng bị tập trung vào tay một số người, thì lập tức mặt hàng đó trên thị trường trở nên khan hiếm, khiến dân chúng có nhiều người cần mà không mua được. Vì thế, phát sinh sự phân phối bất hợp lý mặt hàng đó, gây xáo trộn kinh tế thị trường. Nếu không có sự đầu cơ tích trữ, thì không ai bị thiếu cả.
Hiện nay những con số thống kê cho ta thấy, 8/10 của cải trên thế giới đang nằm trong tay 1/10 nhân loại, còn 2/10 của cải kia cũng được chia một cách không đồng đều cho 9/10 nhân loại. Do đó, trên thế giới hiện nay, sự chênh lệch giữa người giầu và người nghèo, giữa nước giầu với nước nghèo hết sức lớn. Có những người hết sức giầu có, sống xa hoa phung phí cả đời mà vẫn không hết tiền, và cũng có những người hết sức nghèo khổ, không sao thỏa mãn được cả những nhu cầu cơ bản nhất của sự sống, lo chạy gạo từng bữa mà không đủ. Mà của cải thì Thiên Chúa ban chung cho cả thế giới, và ban một cách dư dật để mọi người dùng, đâu ban riêng cho ai.
Do đó, nếu người giầu không biết chia sẻ của cải cho người nghèo, thì rõ ràng một cách nào đó là họ đã duy trì sự bất công trong nhân loại. Để cho mình quá giầu có giữa những người nghèo khổ, một cách nào đó, là phạm một điều bất công, vì bình thường nếu không nhờ sự chênh lệch (dù bất hợp pháp hay hợp pháp, dù bất hợp lý hay hợp lý) thì làm sao người ta có thể hơn nhau quá nhiều như thế? Sự bất công đó có thể từ thời cha ông hay tổ tiên để lại, mà cũng có thể do cơ cấu xã hội chưa hoàn chỉnh tạo ra. Chẳng hạn bọn thực dân đã tới chiếm đất một cách bất công ở các nước thuộc địa, rồi để lại cho con cháu họ. Hàng con cháu đó được giàu có không phải vì họ làm gì bất công, mà vì sự bất công của cha ông họ. Hay do cơ cấu xã hội không hợp lý khiến có những người kiếm tiền quá dễ dàng và có những người kiếm tiền quá khó khăn….
Để tái tạo lại phần nào sự công bằng đã bị mất, Đức Kitô kêu gọi mọi người yêu thương nhau, chia sẻ cho nhau. Những người nào muốn theo Ngài, muốn làm đồ đệ Ngài, muốn theo con đường của Ngài, thì lời đầu tiên mà Ngài đề nghị là: «Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mt 19, 21). Bán tài sản là chấp nhận sống nghèo, và mục đích trực tiếp của việc sống nghèo là để chia sẻ: chia sẻ của cải cho người nghèo mà cũng là chia sẻ thân phận hẩm hiu của họ. Đó là một hành vi yêu thương, một hành vi làm hoàn thiện người thực hiện nó. Mục đích của việc tự nguyện sống nghèo hay của Đức Thanh Bần là thực hiện Đức Ái.
Cộng đồng Kitô hữu đầu tiên đã sống đúng lời kêu gọi của Ngài: «Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có làm của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung… Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu» (Cv 4, 32. 34). Đó là một xã hội cộng sản lý tưởng nhất trong lịch sử: mọi người đều làm theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu, trong một tình yêu thương nhau thực sự.
Người giàu có thường có nhiều vật dụng thừa thãi mà họ không cần dùng, nên những vật ấy không được săn sóc và để hoang phí trong khi hàng triệu người thiếu thốn, thậm chí không đủ ăn và chết đói. Nếu mỗi người chỉ giữ cho mình những món mà mình thực sự cần dùng thôi, thì những người khác không ai thiếu gì cả, và ai ai cũng được no đủ hạnh phúc. Do đó, Đức Thanh Bần đòi hỏi ta nên cho đi những vật dụng mà mình không dùng tới, hay dư thừa (đồ đạc, quần áo, vật dụng…). Có quá nhiều vật thừa thãi không dùng tới, mà người khác đang cần dùng tới, là một dấu chỉ lỗi Đức Thanh Bần. Khi có lòng tham, thì người giàu cũng như người nghèo đều bất mãn, đều không hạnh phúc. Người nghèo thì khổ vì thiếu thốn, đồng thời chỉ mong muốn có một cơ hội tốt đẹp nào đó mình sẽ trở thành triệu phú. Còn người đang là triệu phú thì lại mong muốn và cố gắng làm sao để mình trở thành tỷ phú.

IV. Sống đức thanh bần để xây dựng Nước Trời tại trần gian
Tất cả mọi ngôn sứ đến từ Thiên Chúa đều lưu tâm đến vấn đề xã hội này. Tất cả các ngôn sứ đều đòi hỏi Dân Chúa phải thực hiện công lý, tạo sự công bằng trong xã hội. Ngôn sứ Isaia là ngôn sứ đề cập rất nhiều đến vấn đề này. Ông lên tiếng kết án những kẻ tạo ra những luật lệ bất công, và những kẻ sống bất công: «Khốn cho những kẻ lập luật không công bình, (…), khốn cho những kẻ đối xử bất công với người nghèo, không dùng lẽ phải mà đối xử với những kẻ khốn khó trong Dân Ta, ức hiếp kẻ góa bụa, đàn áp kẻ mồ côi» (Is 10, 1-2). Đức Kitô cũng rất lưu tâm đến vấn đề này và Ngài đưa ra cách giải quyết. Cách giải quyết của Đức Kitô trong vấn đề xã hội này là đề nghị người giàu từ bỏ lòng tham, bằng cách chia bớt của cải cho người nghèo khổ hơn mình, để họ cũng được no đủ.
Thật vậy, nếu người giàu có chỉ giảm bớt tài sản của mình xuống tới mức độ đủ sống, thì tất cả mọi người trên thế giới đều dư dật, không ai thiếu thốn nữa. Nhưng làm sao Ngài có thể phát động tinh thần đó cho tất cả những người giàu có trên thế giới, nếu Ngài không đòi hỏi những kẻ theo Ngài, những môn đệ của Ngài, cụ thể là các linh mục tu sĩ thực hành điều đó trước tiên để làm gương. Vì thế, ai đến xin theo Ngài, thì Ngài cũng đề nghị với họ thủ tục đầu tiên là: «Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mt 19, 21). Có chấp nhận được điều kiện đó thì mới theo Ngài được.
Nhưng rất tiếc những kẻ theo Ngài sau này hầu hết đã không thực hiện thủ tục đầu tiên đó: họ vẫn có thể đang tâm sống rất đầy đủ, thừa mứa, giữa những người nghèo khổ không đủ sống, mà vẫn cứ tự hào mình là người theo Đức Kitô, thậm chí là «Kitô thứ hai»! Có phải đề nghị của Ngài không thực tế, hay không thể làm được? vì chính những kẻ theo Ngài, những kẻ rao giảng Tin Mừng của Ngài, là «Tin Mừng cho người nghèo khổ», áp dụng còn không được, làm sao những người khác, nhất là những người không phải là Kitô hữu áp dụng được?
Chắc chắn Đức Kitô không chủ trương hay ước mong mọi người trên thế giới đều sống nghèo khổ. Trái lại, Ngài muốn mọi người đều được đầy đủ, no ấm, giầu có. Ngài mong cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ mong cho một số nhỏ người! Theo minh họa người mẹ mua vải cho cả gia đình ở trên, thì đương nhiên ở vào địa vị người mẹ, Ngài sẽ muốn số vải mua cho cả nhà (50 mét) càng ngày càng tăng lên, để mỗi người không phải chỉ được 5 mét, mà là 10 mét, hay 20 mét, càng nhiều càng tốt. Nhưng điều quan trọng là sự phân phối phải tương đối đồng đều để ai cũng được nhiều cả. Ngài không thể chấp nhận tình trạng có người quá dư (40 mét) và có người lại quá thiếu thốn (chỉ có hơn 1 mét). Việc Ngài đề nghị người có quá nhiều, có vượt mức trung bình, chia bớt cho người khác có quá ít, chỉ là để thiết lập lại sự công bình trong việc phân phối của cải, chứ Ngài tuyệt nhiên không chủ trương hạn chế, muốn tất cả mọi người đều trở thành nghèo đâu. Ngài muốn ai cũng phải có được mức trung bình (5 mét vải), và làm sao để tăng mức trung bình ấy lên càng nhiều càng tốt.
Như vậy, Đức Thanh Bần mà Ngài chủ trương và mời gọi thực hiện chỉ là một phương thuốc tạm thời để chữa trị căn bệnh mất quân bình, quá chênh lệch và bất công của thế giới, của xã hội về của cải vật chất thôi. Khi nào tất cả mọi người đều đầy đủ, ấm no, giầu có, của cải được phân phối đồng đều, thì những người theo Ngài cũng phải sống giầu có để hòa mình với mọi người. Lúc đó Đức Thanh Bần có lẽ sẽ không còn hợp thời nữa. Bệnh đã hết, không cần uống thuốc nữa! Hoặc lúc đó, Đức Thanh bần chỉ còn là tinh thần siêu thoát, không bị ràng buộc bởi của cải vật chất mà thôi.
Như vậy, khi thế giới còn đầy dẫy bất công, của cải phân phối chưa hợp lý, nếu càng có nhiều người thiện chí tự nguyện chấp nhận sống nghèo, thì số người giầu có vượt mức sẽ càng ít đi, số người quá nghèo khổ càng giảm đi, của cải càng được phân phối đồng đều hơn. Lúc đó sự chênh lệch giàu nghèo sẽ giảm xuống hoặc mất hẳn, ai ai cũng có đủ điều kiện sống đầy đủ và hạnh phúc. Và đó chính là Nước Trời ở trần gian mà Ngài muốn loan báo và thực hiện qua các Kitô hữu, những người theo Ngài. Hành vi tự nguyện sống nghèo khó, tức Đức Thanh Bần, vì thế, mang tính cứu thế (messianique) với chiều kích xã hội, nhắm làm xã hội trở nên công bằng hơn.
Hành vi đó chỉ có thể thực hiện được khi nó được thúc đẩy bởi tình yêu đại đồng (Bác Ái). Vì thế, Đức Thanh Bần là một phương cách thể hiện tình yêu. Chính tình yêu làm cho hành vi sống nghèo thành nhân đức. Không có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, không có sự tự nguyện chấp nhận sự thiếu thốn với mục đích làm cho người nghèo khổ bớt nghèo khổ, thì việc sống nghèo khổ đó không phải là nhân đức. Chẳng hạn, sống nghèo chỉ vì luật dòng buộc phải như vậy, sống nghèo vì mình chẳng biết làm sao có tiền để sống đầy đủ hơn, sống nghèo để được tiếng là thánh thiện, nhân đức, sống nghèo vì lười biếng, tệ hơn nữa là sống nghèo, sống hà tiện để tích trữ hay để dành được nhiều tiền bạc của cải hơn….
Đức Kitô muốn chúng ta sống nghèo là để chia bớt của cải cho người khác nghèo hơn, khó khăn hơn, chứ không phải để ta để dành được nhiều hơn. Ngài muốn những người theo Ngài phải đặc biệt biểu lộ tình yêu của mình đối với đồng loại một cách cụ thể như thế: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13, 35). Biết bao Kitô hữu sống khó nghèo, khổ hạnh không phải với mục đích chia sẻ của cải cho người nghèo khổ hơn mình, mà vẫn cứ tưởng làm như thế là giữ đức thanh bần! Thực ra sự thanh bần chỉ là nhân đức khi có mục đích bác ái, chia sẻ mà thôi!

V. Hai thứ nghèo khổ
Cha Aloysius Pieris, một thần học gia Á Châu, phân biệt hai loại nghèo: nghèo ép buộc và nghèo tự nguyện.
Nghèo ép buộc là cái nghèo do hoàn cảnh, do những yếu tố bên ngoài, hay do người khác gây ra cho ta, và ta coi đó như một sự dữ, cực chẳng đã phải chịu. Nó là hậu quả của sự dữ, sự dữ do chính ta gây ra hay do người khác gây ra cho ta. Đây là thứ nghèo cần phải chống lại, là sự dữ đích thực. Người ta càng không muốn chấp nhận nó bao nhiêu, người ta càng bị ép buộc phải chịu bao nhiêu, thì nó càng trở nên sự dữ, càng gây nên đau khổ bấy nhiêu.
● Còn cái nghèo kia là nghèo tự nguyện, do ta xung phong chấp nhận nó, để chia sẻ thân phận hẩm hiu với những người nghèo khổ ép buộc, để giảm bớt sự chênh lệch giữa họ với ta, để hòa mình với họ hầu cứu độ họ như cách của thánh Phaolô: «Với người yếu đuối, tôi cũng trở thành yếu đuối để chinh phục những kẻ yếu đuối. Tôi đã trở nên đủ kiểu đủ loại vì mọi người, để cứu độ họ» (1 Cr 9, 22). Cái nghèo này chính là Đức Khó Nghèo hay Đức Thanh Bần mà Đức Kitô muốn những người theo Ngài phải có. Cái nghèo này là dấu hiệu của tình yêu, của Đức Ái Kitô giáo. Cái nghèo này rất cần thiết để xoa dịu, làm giảm bớt nỗi đau khổ của cái nghèo kia. Nói cách khác, cái nghèo này cứu độ cái nghèo kia. Và có dám tự nguyện sống nghèo, mới có thể cứu người nghèo thoát khỏi cảnh nghèo.
Như vậy, khi Đức Kitô nói: «Phúc cho những người nghèo khó, vì Nước Trời là của họ» (Lc 6, 20), hay: «Phúc cho những người có tinh thần nghèo khó…» (Mt 5, 3), thì Ngài muốn nhắm đến loại nghèo khổ nào? Rõ ràng câu của Matthêu cho thấy Ngài muốn nói tới những người nghèo khó trong tinh thần −là những người tự nguyện chấp nhận cái nghèo để chia sẻ sự bất hạnh với những người nghèo khổ bó buộc− hơn là người nghèo khổ bất đắc dĩ. Điều đó thật hữu lý, vì những người như vậy đúng là những người có tâm hồn cao thượng, đầy yêu thương; đặc tính ấy là điều kiện quan trọng phải có để vào Nước Trời. Còn những người cực chẳng đã phải chịu thân phận nghèo, thì tâm hồn họ có gì là cao thượng đâu? Rất nhiều người vì hoàn cảnh mà phải lâm vào cảnh nghèo, tới khi họ may mắn trở thành giầu có (do làm ăn thuận lợi, do trúng số…), thì họ trở thành hống hách, kiêu căng, thậm chí phản bội: «Giầu đổi bạn, sang đổi vợ». Như vậy, không có gì bảo đảm chắc chắn rằng những người nghèo khổ do hoàn cảnh đều có tâm hồn cao thượng, yêu thương cả. Do đó, cứ lý này, thì mối phúc thứ nhất không hẳn luôn luôn nhắm tới những người cực chẳng đã mà phải nghèo.
Tuy nhiên, Đức Kitô đến là vì những người nghèo khổ thực sự, vì những người nghèo bất đắc dĩ này, hơn là vì những người nghèo tự nguyện. Ngài đến để giải phóng họ, vì chính họ mới là người cần được giải phóng. Ngài tuyên bố: «Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần… Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» (Mt 9, 12-13). Những người nghèo khổ tự nguyện đương nhiên được kể là người khỏe mạnh, là người công chính rồi, Ngài không nhắm đến những người đó. Ngôn sứ Isaia đã xác định rõ đối tượng của Ngài là những người nghèo, nghèo cả tinh thần lẫn vật chất: «Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn» (Is 61, 1; Lc 4, 18). Để chứng minh với các đồ đệ của Gioan Tẩy Giả rằng mình là Đấng Mêsia, Đức Kitô đã đưa ra những dấu hiệu đặc trưng của thời đại Đấng Mêsia: «Người mù thấy được, kẻ điếc nghe được, kẻ què đi được, người cùi sạch bệnh, người chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe Tin Mừng» (Lc 7, 22).
Như vậy, Đức Kitô đến để giải phóng những người bất hạnh, đau khổ, điều đó nói lên rõ ràng là người nghèo ở đây không phải là nghèo tự nguyện, mà là ép buộc. Và điều đáng ngạc nhiên vào thời của Ngài là những người nghèo, bất hạnh và tội lỗi lại theo Ngài đông hơn những người khác. Tin Mừng của Đức Kitô là Tin Mừng cho người nghèo khổ, bất hạnh. Do đó, người nghèo dễ tiếp nhận Tin Mừng hơn những người khác. Và đó chính là hạnh phúc của họ. Họ có phúc không phải vì cái nghèo của họ, mà vì nhờ họ nghèo khổ mà họ dễ đón nhận Tin Mừng nhất, và nhờ đó họ được cứu độ. Người giầu có khó chấp nhận Tin Mừng hơn, do đó họ không hưởng được niềm hạnh phúc lớn lao của Tin Mừng bằng người nghèo, nên xét về mặt cứu độ, họ trở nên bất hạnh hơn người nghèo.
Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế của chúng ta cho thấy: người nghèo thường yêu thương nhau hơn, hy sinh cho nhau hơn, sống chân tình và khiêm nhượng hơn những người giầu có, uy quyền. Đương nhiên có rất nhiều người trong họ, vì sống ngay thẳng, không lươn lẹo, không coi trọng tiền bạc vật chất hơn tình nghĩa, và dành thì giờ cho đời sống tâm linh, nên họ cứ nghèo hoài. Đây chính là những kẻ được Thiên Chúa chúc phúc. Cũng có nhiều người nghèo khổ vì lười biếng, vì rượu chè cờ bạc… Những người này không thể có phúc được.
Còn những người giầu có thường phải bảo vệ những gì họ có, vì họ sợ mất, nên họ khó sống chân tình với nhau, và dễ đặt nặng tiền bạc hơn tình người. Vả lại, không dễ gì cứ sống thành thật, không giả dối, không mưu mô lươn lẹo, không bất công mà có thể giầu có vượt bậc được. Cổ nhân nói: «Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân». Câu này được giới bình dân diễn đạt theo cách khác: «Phải hà tiện thì mới có, có bẩn như chó thì mới giầu», nhất là trong thời buổi kiếm tiền khó khăn như hiện nay. Nếu không yêu tiền bạc, đặt nặng vật chất, không sao lãng đời sống tâm linh, thì người ta cũng khó mà giầu có hơn người được. Kinh nghiệm đó khiến Đức Kitô phải thốt ra: «Người giầu có khó vào Nước Trời hơn con lạc đà chui qua lỗ kim» (Mt 19, 24). Nếu người giầu có khó vào Nước Trời, thì chắc hẳn người nghèo dễ vào Nước Trời hơn. Người nghèo vì không có tiền của, nên họ thường sống bằng tình cảm. Họ nghèo tiền bạc, nhưng thường giầu tình nghĩa hơn người giầu có. Vì thế, họ cũng dễ có «tinh thần nghèo khó» hơn người giầu, do đó, họ có phúc hơn.
Vậy, mối phúc đầu tiên cũng có thể hiểu là dành cho người nghèo thực sự, nghèo vì hoàn cảnh, miễn là khi tiếp xúc với Tin Mừng, họ tin và theo Đức Kitô. Và đó là cách hiểu của Luca: «Phúc cho người nghèo khó vì Nước Trời là của họ» (Lc 6, 20). Hai cách hiểu, cách nào cũng có lý của nó.

VI. Đức thanh bần có đòi hỏi phải nghèo khó thực sự không?
Tuy nhiên, trong số những người theo Chúa, nhiều người chủ trương chỉ cần có tinh thần nghèo khó là đủ rồi, không cần phải sống nghèo thực sự. Tinh thần nghèo khó được họ hiểu là tinh thần siêu thoát, không bị ràng buộc vào vật chất, tiền bạc, coi mình chỉ là người quản lý những gì mình có, chứ không phải là chủ của chúng. Có tinh thần siêu thoát đó được kể là có Đức Thanh Bần rồi. Nghĩ như thế hoàn toàn đúng nguyên tắc, không sai chỗ nào cả, vì Đức Thanh Bần hệ tại tinh thần, chứ không hệ tại tình trạng sống nghèo khổ hay khó khăn thực sự. Nếu không có tinh thần siêu thoát, và nếu không có tình yêu thương, thì sự nghèo khổ thực sự kia không phải là Đức Thanh Bần.
Nhưng trong thực tế, tinh thần nghèo khó đích thực đòi hỏi phải được thể hiện bằng sự nghèo khó thực sự. Đức Kitô đòi hỏi những người theo Ngài phải «bán tài sản và cho người nghèo», để làm gương cho biết bao người khác tạo sự công bằng xã hội. Và chính Ngài đã thực sự sống rất nghèo khó: «Cáo có hang, chim có tổ, còn Con Người không có chỗ dựa đầu» (Mt 8, 20). Nếu không có sự nghèo khó thực sự đó, thì Đức Thanh Bần «duy tinh thần» kia chỉ là Đức Thanh Bần «chết», giả hiệu. Cũng tương tự như người ta trở nên công chính là nhờ Đức Tin chứ không phải nhờ việc làm (x. Rm 4, 3-6) ; tuy nhiên, «Đức Tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2, 26), nghĩa là một Đức Tin đích thực tất yếu phải được thể hiện bằng việc làm. Như vậy, không thể căn cứ vào việc làm mà nói được rằng một người nào đó có đức tin. Nhưng rõ ràng nếu không có việc làm thì đó không phải là đức tin đích thực. Cũng vậy, không phải cứ sống trong cảnh nghèo khó là có Đức Thanh Bần, nhưng nếu không tự nguyện sống trong cảnh nghèo khó thực sự, nếu vẫn cứ duy trì đời sống nhung lụa xa hoa, thì khó lòng nói được là người đó có Đức Thanh Bần.

VII. Sống đức thanh bần để gắn bó với Thiên Chúa hơn
Đức Thanh Bần không phải chỉ mang chiều kích xã hội như đã trình bày trên, mà nó là một trong những điều kiện tâm linh rất thuận lợi cho đời sống trọn lành. Chiều kích tâm linh này của Đức Thanh Bần đòi hỏi người tu sĩ một tinh thần siêu thoát, tâm hồn không bị dính bén hay gắn bó với của cải vật chất. Nhờ không dính bén với tiền bạc vật chất mà họ gắn bó với Thiên Chúa chặt chẽ hơn.
Giữa Thiên Chúa và tiền bạc vốn có một sự «đố kỵ» không thể thỏa hiệp với nhau trong cùng một con người. Đức Kitô đã diễn tả sự đố kỵ đó: «Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hễ mến chủ này thì tất nhiên ghét chủ kia, hễ gắn bó với chủ này thì sẽ coi thường chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền bạc» (Lc 16, 13). Qua sự song đối trên, ta thấy: theo Đức Kitô, đối thủ của Thiên Chúa trong tâm hồn con người không phải là Satan, mà là Mammon (tiền bạc). Nói khác đi, Mammon là một phương tiện hữu hiệu nhất của Satan. Thiên Chúa và Mammon không thể cai trị cùng một lúc trong tâm hồn một người: hễ sốt sắng với chủ này thì tất phải lơ là với chủ kia. Do đó, muốn kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa, ắt phải coi thường tiền bạc. Hiện nay, có biết bao nhiêu người, kể cả linh mục tu sĩ, bề ngoài thì tôn thờ Thiên Chúa, nhưng bề trong đã quỳ gối lụy phục Mammon từ lâu rồi!
Tuy nhiên con người luôn luôn bị giằng co giữa hai thế lực hằng lôi kéo mình: một bên là Thiên Chúa, một bên là tiền bạc, vật chất. Khi con người còn để cho mình ở trong cái thế bị giằng co ấy thì con người không bao giờ được bình an, hạnh phúc. Khi đó, con người luôn luôn phải tranh đấu với chính mình. Bản thân con người dường như bị phân thân thành hai: con người vị Thiên Chúa chiến đấu với con người vị tiền bạc. Con người tâm linh chỉ có thể hạnh phúc được khi nó dứt khoát với tiền bạc và những thực tại trần thế khác, đồng thời hoàn toàn gắn bó với Thiên Chúa. Hạnh phúc đó thật là lớn, được Đức Kitô diễn tả: «Chẳng hề có ai đã bỏ nhà cửa, vợ con, anh em, chị em, cha mẹ, ruộng đất vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ngay ở đời này và không được sự sống vĩnh cửu đời sau» (Lc 18, 29-30).
«Hạnh phúc được gấp bội ngay ở đời này» đó là gì? Đó là hạnh phúc của người đã cảm nghiệm được Thiên Chúa, cảm nghiệm được Chân Lý và sự Thiện Tối thượng. Cảm nghiệm đó rất mạnh và chỉ đến với ta một cách tràn đầy sau khi ta đã dành cho Thiên Chúa một địa vị tối thượng và duy nhất trong tâm hồn, sau khi ta đã sẵn sàng từ bỏ tất cả để được Ngài. Cũng như người đi tìm ngọc quí: «Tìm được rồi, anh ta trở về bán mọi của cải để mua cho kỳ được viên ngọc quí ấy» (Mt 13, 45-46). «Viên ngọc quí» ấy chỉ có thể mua được sau khi bán hết tất cả tài sản của mình một cách vui vẻ, không tiếc xót. Đương nhiên «viên ngọc quí» đó phải có giá trị gấp hàng trăm lần tài sản mình đã bán đi. Đối với những người đã thực sự hưởng nếm hạnh phúc do đạt được «viên ngọc quí» đó, thì đây quả là «mua đồ thật bằng tiền giả», dùng của cải hay hư nát để mua một kho tàng không bao giờ hư nát được (x. Mt 12, 33). Hạnh phúc đó được minh họa trong câu chuyện sau đây:
Có vị bề trên một tu viện nổi tiếng thánh thiện và hạnh phúc. Một tu sinh dưới quyền ngài, khi biết được sự từ bỏ ít người làm được, và thấy đời sống hết sức thánh thiện của ngài, bèn thốt lên:
− «Thưa Cha, đời sống Cha thật là tuyệt vời, Cha đã từ bỏ mọi sự giàu sang sung sướng để tìm Thiên Chúa, và để dạy cho chúng con sự khôn ngoan của Ngài».
+ «Con đã nói phản lại sự thật rồi!?» Vị bề trên trả lời? «Cha chỉ bỏ có vài cuộn giấy bạc và những thú vui trần tục để chinh phục một niềm phúc lạc vô biên. So với cái kho tàng tâm linh quí báu này thì đó có thật là một sự hy sinh chăng? Trái hẳn lại, chính những người thế gian đã từ bỏ và hy sinh những kho tàng tâm linh vô giá trên đường Đạo để chạy theo những của cải vật chất giả tạm vô thường. Những vị khổ tu tuy áo quần đơn sơ thô thiển, trong người không giữ riêng một đồng bạc, lại trở thành những phú ông về tâm linh. Còn những người tỷ phú kiêu hãnh lại là những kẻ đáng thương về tâm linh mà không hay biết. Đó chính là điều mâu thuẫn về sự dứt bỏ và hy sinh. Thiên Chúa vẫn lo cho tương lai của chúng ta một cách vô cùng khôn ngoan và sáng suốt hơn bất cứ một công ty bảo hiểm xã hội nào. Thế gian đầy đầy dẫy những kẻ băn khoăn chờ đợi một sự cứu giúp từ bên ngoài. Những tư tưởng đắng cay của họ hiện ra rõ ràng trên khuôn mặt họ, không dấu được ai. Nếu Đấng Tối Cao đã ban cho con người từ thuở sơ sinh không khí trong lành và sữa mẹ, chắc chắn Ngài cũng sẽ lo liệu cung cấp mọi thứ nhu cầu hằng ngày cho những đứa con của Ngài».
Henry Miller đã diễn tả niềm hạnh phúc của người có tinh thần siêu thoát: «Tôi tin rằng người hạnh phúc nhất trần gian là người ít có nhu cầu nhất. Sự nghèo nàn không thể làm ta khốn khổ… Tôi có thể nói như vậy bởi vì chính tôi đã nghèo suốt cuộc đời. Nhưng về tinh thần thì tôi là một triệu phú». Ông coi trọng những giá trị tinh thần hơn những giá trị vật chất gấp nhiều lần: «Tôi thà làm một người Hy Lạp nghèo nàn hơn là làm một chàng triệu phú Mỹ, làm người nghèo ở Paris còn hơn làm triệu phú ở New York» (Thời của ông, Hy Lạp và Paris tượng trưng cho những gì là tinh thần, còn Mỹ hay New York tượng trưng cho những gì là vật chất, tiền bạc).
Theo tiên sinh Ohsawa, thì sống đơn sơ, ít nhu cầu, chính là bí quyết để sống mạnh khỏe và giữ gìn sức khỏe, sức khỏe tinh thần cũng như thể chất: «Nếu các bạn không quyết chí sống một cuộc đời đơn giản và ít tốn kém như khẩu hiệu "Vivere parvo" (sống khó nghèo), là câu đã trở thành một chìa khóa vàng để mở kho sức khỏe, thiết tưởng các bạn không nên chữa bệnh làm gì, vì bệnh của các bạn không thể chữa tuyệt gốc được» (Ohsawa).
Niềm hạnh phúc của một người đã hoàn toàn dứt khoát với mọi dính bén của cải trần tục thì thanh cao, lâu dài, không mất đi được. Vì những yếu tố làm nên niềm hạnh phúc ấy không ai có thể lấy mất được, khác hẳn với những yếu tố làm nên sự an tâm vật chất hay những niềm vui chóng qua. Khi đã lựa chọn Thiên Chúa một cách dứt khoát, tâm hồn không còn dính bén với tiền bạc vật chất, thì ta không còn gì phải lo lắng: ta đã dành hết tâm trí để lo cho Thiên Chúa và những công việc của Ngài, thì đáp lại, Ngài sẽ hoàn toàn lo cho ta tất cả những gì thuộc nhu cầu của ta, tinh thần cũng như vật chất. Chỉ những ai đã thực sự lựa chọn dứt khoát như thế, mới cảm nghiệm được điều ấy, và mới thấy đó là sự thật. Cứ thử, sẽ biết. Chính Đức Kitô đã bảo đảm như thế: «Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc…. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước tiên, anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho. Anh em cũng đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo» (Mt 6, 25. 32b-34).
Yogananda, một tu sĩ Ấn độ giáo nổi tiếng, diễn đạt sự phó thác đó như sau: «Ta đừng bao giờ nghĩ rằng ta sống không phải nhờ ở Thượng Đế mà chỉ nhờ ở đồ ăn. Thượng Đế đã sáng tạo ra đồ ăn và đã cho ta biết đói bụng, chắc hẳn Ngài sẽ lo chu đáo cho ta khỏi phải thiếu thốn điều gì. Ta đừng nghĩ rằng cơm gạo ban cho ta sự sống, và tiền bạc hay người đời có thể nuôi dưỡng ta được. Những thứ ấy có thể nuôi sống ta được không, nếu Thượng Đế thu hồi lại khỏi ta hơi thở và sự sinh tồn? Chúng chỉ là những khí cụ thụ động của Ngài mà thôi. Ta có thể bắt buộc cái bao tử tiêu hóa đồ ăn tùy theo ý muốn ta chăng?»

VIII. Đức Kitô đang mời gọi chúng ta
Tất cả mọi Kitô hữu, tất cả những người theo Đức Kitô, đều được mời gọi sống đơn sơ, nghèo khó, giảm bớt nhu cầu, 

● thứ nhất là để yêu thương và chia sẻ với những anh em đang bị dằn vặt đau khổ vì thiếu thốn vật chất, 

● thứ hai là để hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Kitô nhằm xây dựng Nước Trời tại trần gian, trong đó mọi người đều sống đầy đủ dư dật vì người ta biết yêu thương chia sẻ cho nhau, không còn bất công và chênh lệch giàu nghèo quá lớn như hiện nay, 

● thứ ba là để tập trung mọi năng lực vào việc thánh hóa và hoàn thiện bản thân, bằng cách gắn bó triệt để với Thiên Chúa hay Đức Kitô. 

Sống như thế, chúng ta sẽ được hạnh phúc gấp bội ngay tại trần gian này, một hạnh phúc siêu nhiên thanh thoát không ai có thể lấy mất được, và cuối cùng, chúng ta sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu.
Tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống như thế, huống gì những người đã lấy việc theo Đức Kitô, sống theo gương Ngài làm lý tưởng cho cuộc đới mình, và nhất là những người mà Giáo Hội gọi là Alter Christus (Đức Kitô khác, Đức Kitô thứ hai). «Đức Kitô khác» mà lại khác Đức Kitô thì thật là mỉa mai! Các Kitô hữu phải làm gương cho thế giới về Đức Thanh Bần, còn các linh mục tu sĩ thì lại phải làm gương cho các Kitô hữu về nhân đức ấy. Đó là phương thức Đức Kitô đề nghị để chúng ta xây dựng Nước Trời một cách thực tế. Nước Trời được xây dựng không thể chỉ bằng lời cầu nguyện, suy gẫm, lý thuyết, mà còn bằng đời sống thực tế, bằng hành động thực sự nữa!


Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét